Tết Trung Nguyên - lễ Vu Lan: Nét đẹp văn hóa truyền thống
Trong quan niệm tín ngưỡng của người Việt, tháng 7 âm lịch được biết đến với nhiều nghi lễ hướng về tổ tiên, những người đã khuất. Trải qua thời gian, tín ngưỡng tâm linh lâu đời đã trở thành phong tục văn hóa trong đời sống tinh thần người dân Việt Nam.
Ngày Rằm tháng Bảy (âm lịch) còn được biết đến với tên gọi Tết Trung Nguyên. Sách Việt Nam phong tục của tác giả Phan Kế Bính viết: “Ta tin theo sách Phật, thường cho hôm ấy là ngày vong nhân xá tội, nghĩa là người dưới âm phủ được tha tội một ngày. Bởi vậy nhiều nhà mua vàng mã cúng gia tiên, các nhà có người mới mất cũng hay đốt mã làm chay về hôm ấy”.
Học giả Nguyễn Văn Huyên - một nhà nghiên cứu tên tuổi nửa đầu thế kỷ XX, cũng cho rằng: “Đó là ngày lễ của người đã chết, một ngày lễ dân gian lớn theo tín ngưỡng Phật giáo”.
Trong sách Hội hè lễ tết của người Việt, tác giả Nguyễn Văn Huyên đã có những “dẫn giải” xuyên suốt. Theo đó, ông cho rằng, trong tín ngưỡng của người Việt Nam, con người khi còn sống có hồn và phách (vía). “Cái chết là do hồn vía bỏ đi. Những hồn vía này rời khỏi thân thể lúc con người trút hơi thở cuối cùng… Hồn sau khi chết cũng có những nhu cầu và ước muốn như người sống. Để soi sáng bước đi của hồn vía khi rời khỏi thân thể, người ta thắp nến sáng…; người ta đốt cho hồn đồ vàng mã…”.
Trong dặm dài phát triển của dân tộc Việt Nam, đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Việt chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của đạo Phật. Điều này đã được tác giả sách Hội hè lễ tết của người Việt dẫn ra: “Cái chết không phải là một sự kết thúc hẳn: Nó chỉ là điểm cuối của một thời kỳ nằm trong chuỗi dài vô tận của những kiếp luân hồi đạo Phật. Sự có mặt của chúng ta trên thế gian này chỉ là một chặng của vòng quay muôn thuở sự sinh ra đời, sự sống với chuỗi dài sướng và khổ của nó, sự già nua, cái chết và sự trở lại cuộc đời trên mặt đất sau một thời gian hoặc ngắn, hoặc dài… Ai ai cũng mong cho người thân thích của mình được mau chóng hóa kiếp hay được sống dễ chịu ở thế giới bên kia”.
Và người Việt xưa, nay luôn tin rằng, bằng lòng hiếu thảo, con người có thể cầu xin sự khoan dung của các vị thần đối với những hành vi tội lỗi mà người khuất đã gây ra khi còn sống. Trong truyền thuyết Phật giáo, vẫn thường nhắc đến ngài Mục Kiền Liên như một “biểu tượng” của lòng hiếu thảo.
Tương truyền, ngài Mục Kiền Liên vốn là một đồ đệ của Phật, một người có tấm lòng từ bi và nhất mực hiếu thảo với mẹ của mình. Nhưng, mẹ của ngài lại là một người phụ nữ khi còn sống đã gây ra nhiều tội lỗi. Sau khi mẹ mất, ngài Mục Kiền Liên biết bà đang phải chịu quả báo khủng khiếp. Với tấm lòng hiếu thảo, ngài Mục Kiền Liên đã đi tìm đức Phật để cầu xin sự giúp đỡ cho mẹ của mình. Ngài đã được đức Phật chỉ dạy, phải có sự “hợp lực” của chư tăng mười phương cùng nhau tụng kinh mới có thể “cứu” được mẹ. Tấm lòng hiếu thảo của Mục Kiền Liên đã lay động chư tăng và vì thế, cùng với sự “thức tỉnh” kịp thời, mẹ của ngài mới thoát khỏi sự đọa đày. Từ đó, noi gương Mục Kiền Liên, đến ngày Rằm tháng Bảy, người ta lại nhờ sự hợp lực của chư tăng thập phương cùng cầu nguyện cho người đã khuất. Và đó cũng được xem là nguồn gốc lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ trong quan niệm Phật giáo.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong tác phẩm tùy bút “Bông hồng cài áo” đã có những “định nghĩa” thật gần gũi mà vô cùng ý nghĩa về sự hiếu đạo của người làm con: “Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Kiền Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương, hiếu chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ hết rồi”.
Cũng với quan điểm về sự hiếu hạnh của con cái với cha mẹ - đấng sinh thành, Thượng tọa Thích Trúc Thông Tánh - Trụ trì Thiền viện Trúc lâm Hàm Rồng cho rằng: “Chúng ta từ đâu mà được sinh ra, nhờ đâu mà nên người… đó chẳng phải là công lao của cha mẹ hay sao. Nếu không có cha mẹ, sẽ không thể có chúng ta, biết ơn cha mẹ chính là “lẽ tự nhiên” nhất mà mỗi con người đều phải hiểu, phải biết. Sự biết ơn không phải chỉ là khi đấng sinh thành khuất núi mà ngay hôm nay, ngay khi chúng ta còn có cha mẹ trên đời này. Bởi, “trăm điều thiện chữ hiếu đứng đầu”, bằng việc chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ với tấm lòng thành kính. Cuộc đời con người ai cũng phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử, vậy nên đừng vì cha mẹ già yếu, trái tính mà cáu gắt. Nếu chúng ta yêu con của mình ra sao, thì cha mẹ cũng yêu ta như vậy… Sau khi ông bà, cha mẹ khuất núi, mỗi người lại thể hiện đạo hiếu với sự tưởng nhớ, biết ơn. Và lễ Vu Lan, là dịp đại lễ để mỗi người thể hiện sự hiếu hạnh của đạo làm con”.
Nếu như, Rằm tháng Bảy trong tín ngưỡng dân gian là ngày xá tội vong nhân - được hiểu là “ân xá” cho những linh hồn người đã khuất còn bị đọa đày; thì Vu Lan trong Phật giáo lại chính là dịp để mỗi người thể hiện tấm lòng hiếu thảo của mình với cha mẹ, tổ tiên. Và dù có thể có nguồn gốc, lý giải khác nhau, song tựu chung đều mang ý nghĩa về những điều thiện lành. Là dịp để mỗi người bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người đã khuất. Không chỉ vậy, còn là dịp để mỗi người thể hiện sự vị tha đối với những “số phận” không may mắn.
Điều này cũng đã được học giả Nguyễn Văn Huyên đúc kết: “… Ngày lễ lớn xá tội vong nhân của người Việt Nam. Như ta thấy, nó có một tầm luân lý lớn. Nó hướng tới khuyến khích mọi người ăn ở tốt trong cuộc đời ngắn ngủi trên trái đất của mình và an ủi tất cả các hồn trong cuộc đấu tranh gay go giành sự sống. Tất cả trong cái xứ sở có thiên nhiên nghiệt ngã này, nhất là ở những thời kỳ khắc nghiệt này của mùa hè, đều phải nâng cách quan niệm của mình về mọi khổ ải trên thế gian này lên quy mô những chuỗi luân hồi dài vô tận… Điều quan trọng chẳng phải là kết quả ngay trước mắt: Cái ta phải nhằm trong mọi hành vi của đời mình, đấy là trạng thái tận thiện tận mỹ cuối cùng chỉ có thể đạt tới bằng một nỗ lực lâu dài và kiên nhẫn cả về thể chất cũng như tinh thần và trí tuệ” (sách Hội hè lễ tết của người Việt).
Người Việt, từ thuở còn nằm nôi đã thấm đẫm câu ca “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” và “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý tốt đẹp “nằm lòng” của người dân Việt Nam. Rằm tháng Bảy - Tết Trung Nguyên - lễ Vu Lan, là dịp để mỗi người chúng ta, bày tỏ lòng biết ơn chân thành của chính mình.