Tết Trung thu 2020: Tôn vinh giá trị văn hóa thuần Việt
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Trung thu - dịp lễ hội được trẻ em cả nước mong đợi nhất trong năm. Các hoạt động nhằm tôn vinh giá trị truyền thống của Tết Trung thu vẫn tiếp tục được duy trì như một nét đẹp văn hóa trong đời sống hiện đại trên địa bàn Thủ đô.
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Trung thu - dịp lễ hội được trẻ em cả nước mong đợi nhất trong năm. Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên các hoạt động mang tính chất cộng đồng xung quanh Tết Trung thu bị thu hẹp hơn các năm trước. Tuy nhiên vẫn có thể thấy, các hoạt động nhằm tôn vinh giá trị truyền thống của Tết Trung thu vẫn tiếp tục được duy trì như một nét đẹp văn hóa trong đời sống hiện đại trên địa bàn Thủ đô.
Gìn giữ nét văn hóa truyền thống
Sáng 19-9, trong khuôn khổ chương trình "Trung thu 2020: Người giữ lửa" do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức đã diễn ra chương trình "Tôn vinh nghệ nhân làm đồ chơi".
Chương trình có sự tham gia của các nghệ nhân đã nhiều năm chung tay cùng Bảo tàng trong việc gìn giữ Tết Trung thu cổ truyền như nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến làm đèn ông sao, nghệ nhân Phùng Đình Giáp làm phỗng tượng đất, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền làm đèn kéo quân, nghệ nhân Nguyễn Hương Thủy làm hoa giấy, nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa làm mặt nạ giấy bồi...
Đến với chương trình này, khách tham quan và các em nhỏ đã được khám phá Tết Trung thu và văn hóa Việt Nam thông qua các hoạt động như: trải nghiệm múa lân sư, giã cốm, làm bánh dẻo, nghe kể chuyện về Tết Trung thu.
Đặc biệt, các bạn nhỏ được nghệ nhân dân gian có kinh nghiệm lâu năm hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống như: đèn ông sao, ông sư, đèn kéo quân, ông tiến sĩ giấy, mặt nạ giấy bồi, nặn tò he, hoa quả bằng bột, làm bánh dẻo, giã và sàng sảy cốm, cắt tỉa hoa quả, bày mâm cỗ...
Bên cạnh đó, còn có các trò chơi dân gian như chơi chuyền, nhảy dây, kéo co, đi cà kheo, nối thúng, ô ăn quan, ném lon, ném vòng... Qua đó, ban tổ chức hướng tới việc giáo dục thế hệ trẻ ngày nay biết trân quý, giữ gìn những nét văn hóa cổ truyền của cha ông để lại.
Theo Ban tổ chức, chương trình Trung thu năm nay số lượng nghệ nhân tham gia phải giảm đi một nửa do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng đã không làm ảnh hưởng đến việc truyền tải thông điệp gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc thông qua chương trình.
Không chỉ hướng đến việc tôn vinh những nghệ nhân tâm huyết lâu năm với nghề làm đồ chơi Trung thu, mà còn giới thiệu đến các bạn trẻ trong nước biết phát huy các giá trị sáng tạo từ các vật liệu truyền thống. Chương trình "Trung thu 2020: Người giữ lửa" sẽ diễn ra trong 2 ngày 26, 27-9, tức ngày 10, 11-8 âm lịch.
Cũng trong ngày 19-9, tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long cũng đã diễn ra chương trình vui Tết Trung thu 2020 với chủ đề "Lung linh trăng rằm". Chương trình giới thiệu đến đông đảo công chúng những nét độc đáo của Tết Trung thu mang đậm màu sắc truyền thống Việt Nam.
Đến với chương trình này, thiếu nhi và du khách tham quan được tham gia nhiều hoạt động bổ ích, thú vị nhiều sắc màu với các loại đèn Trung thu truyền thống, xem biểu diễn múa sư tử, trải nghiệm làm bánh Trung thu, làm một số đồ chơi truyện thống như đèn ông sao, đèn lồng giấy, mặt nạ giấy bồi, đèn ông sư, đèn con thỏ...
Không những thế, các em còn được nghe các nghệ nhân như Phạm Thị Nguyệt Ánh - nghệ nhân giữ gìn nghề làm hoa quả bằng bột và con giống Đồng Xuân, nghệ nhân Đặng Văn Quyền - người chuyên làm đèn Trung thu, nghệ nhân Đặng Văn Hậu phục hồi các con giống Phố Khách (Phú Xuyên, Hà Tây cũ), nhà nghiên cứu Trịnh Bách, nhà sử học Lê Văn Lan... chia sẻ về Tết Trung thu từ trong lịch sử đến ngày nay cũng như ý nghĩa, cách làm các đồ chơi Trung thu truyền thống, mang đậm dấu ấn văn hóa thuần Việt.
Tiếp tục "dòng chảy tôn vinh"
Có thể thấy, một thời gian dài nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống Việt Nam bị mai một bởi không thể cạnh tranh được với hàng Trung Quốc với mẫu mã đa dạng, phong phú, giá thành rẻ. Vì thế, mỗi dịp Trung thu, trên các phố bày bán đồ chơi Trung thu quen thuộc như phố Hàng Mã, Hàng Lược, chợ Đồng Xuân, Lương Văn Can... lại tràn ngập các sản phẩm đồ chơi Trung Quốc mà ít thấy bóng dáng của đồ chơi Trung thu thuần Việt. Nếu có thì cũng ít ỏi, nằm khép nép, khiêm nhường ở một góc.
Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, đã có sự biến đổi đáng kể khi nghề làm đồ chơi Trung thu đã được các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, mỹ thuật khơi thông thế bế tắc bằng các hoạt động phục dựng, tái hiện, trình diễn phong phú, sinh động mỗi dịp Trung thu đến.
Vì thế, có những nghề làm đồ chơi Trung thu đã tưởng như bị thất truyền đã có cơ hội sống lại như nghề làm đèn kéo quân, làm mặt nạ giấy bồi, làm trống, làm tàu thủy... đã được các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa kết nối để đưa đến với công chúng hiện đại.
Chính vì thế, trong vài năm trở lại đây, những món đồ chơi dân gian như đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi, ông tiến sĩ giấy, trống cơm, đèn con cá... được làm bởi bàn tay nghệ nhân Việt đã có mặt tại nhiều gian hàng, hội chợ, lễ hội Trung thu được tổ chức ở cộng đồng chứ không còn bị "lép vế", "tủi thân" như trước đây nữa.
Thậm chí, các sáng tạo đèn mang đậm dấu ấn Việt Nam được nhiều em nhỏ yêu thích như đèn mang hình tượng Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, chú Cuội... được sản xuất ngày một nhiều hơn và đầy tính sáng tạo, chứa đựng những bài học lịch sử lý thú.
Mùa Trung thu 2020 này, dự án Họa sắc Việt của tác giả Trịnh Thu Trang với sản phẩm đầu tiên là "Họa sắc Việt từ trang Hàng Trống" cũng đem đến cho cộng đồng chuỗi sự kiện mang tên "Những điều xưa cũ mới mẻ 2: Mùa lễ hội".
Với triển lãm "Trăng ta" (phối hợp với IVINA Hub) sẽ diễn ra từ ngày 30-9 đến 31-10 tại 252B đường Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội, sẽ có các khu trưng bày đầu sư tử phục dựng và đầu sư tử sáng tạo từ Họa sắc Việt và các sản phẩm thiết kế ứng dụng từ họa tiết đầu sư tử; khu vực trải nghiệm làm con giống, làm diều, làm đèn kéo quân, đèn ông sao; khu vực giới thiệu đồ chơi, trò chời dân gian.
Bên cạnh đó, triển lãm còn giới thiệu đến công chúng talkshow ứng dụng các màu sắc và họa tiết truyền thống để tạo bản sắc riêng cho thiết kế.
Diễn giả Trịnh Thu Trang chia sẻ: "Trong mỗi dịp Trung thu và Tết Nguyên đán, chúng ta đã quá quen thuộc với những chiếc đầu lân sặc sỡ, đèn lồng nhỏ, những điệu múa lân đặc trưng của người Hoa. Chúng ta dần dần chấp nhận và coi như một lẽ dĩ nhiên với sự du nhập tràn lan của những đồ chơi, đồ trang trí "Made in China".
Trong khi đó, những sản phẩm xuất hiện từ đầu thế kỷ XX như những chiếc đầu sư tử đặc trưng của người Việt, những chiếc đèn lồng rực rỡ với kích thước hơn 1m được làm bởi kỹ thuật điêu luyện, tinh tế cùng những câu chuyện mang ý nghĩa đặc sắc riêng, đậm chất Việt lại rất ít người trong chúng ta biết tới.
Chúng ta có quyền tự hào vì chúng ta có những giá trị riêng biệt. Niềm tự hào ấy, thật xứng đáng để chia sẻ cùng nhau trong mùa trăng này! Bởi thế, không phải "chúng tôi" mà là "chúng ta" mới đủ sức mạnh để làm nên một bản sắc Việt mang nét đặc trưng riêng, giao hòa cùng các nền văn hóa khác trên thế giới!".
Hi vọng rằng, với sự tham gia ngày một nhiều hơn, đông đảo hơn của các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật, sự hưởng ứng của các bạn trẻ yêu văn hóa truyền thống, những sản phẩm, nét văn hóa truyền thống ngày càng được phổ cập đến công chúng rộng rãi. Làm được như vậy, Tết Trung thu không chỉ là để trẻ em được vui chơi, mà sẽ thực sự một cơ hội để các em nhỏ trải nghiệm và là nơi kết nối các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại.