Suy nghĩ về Tam thân và Tứ trí qua Duy Thức học và Thiền học

Về Tam thân và Tứ trí, có thuyết kết hợp Tam thân và Tứ trí tạo thành Ngũ trí (Năm trí): Năm loại trí được trình bày theo Mật giáo. Năm trí này miêu tả tất cả những khía cạnh của Tuyệt đối, của Chân như (s: tathata) mà con người có thể thực hiện được khi đã chuyển hóa thân tâm...

Tác giả: Ts.Huỳnh Quán Chi
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2024

Tóm tắt: Duy Thức học có một ý nghĩa quan trọng trong văn hóa Phật giáo. Có thể xem nó là căn bản Tâm lý học của Phật giáo. Trong quá trình truyền thừa và phát triển Phật giáo, Thiền tông có khi liên hệ đến Duy thức học. Dấu vết của sự giao lưu này thể hiện qua một số tác phẩm như “Cảnh Đức truyền đăng lục, Ngũ Đăng hội nguyên, Bạch Ẩn tọa thiền ca... Việc khảo sát khái niệm Tam thân, Tứ trí của Duy Thức học sẽ tìm thấy một số khía cạnh thú vị cho sự giao lưu này.

Từ khóa: Tam thân, Tứ trí, Duy Thức học, Thiền học, Phật giáo, Thiền tông

Dẫn nhập

Thiền học và Duy Thức học là hai suối nguồn quan trọng của Phật giáo. Xuất phát từ Phật giáo Ấn Độ, hình thành tông phái ở Trung Hoa và phổ biến sang các quốc gia khác như Việt Nam, Nhật Bản...

Trong quá trình truyền bá, các thiền sư của Thiền tông đã sử dụng tinh hoa của Duy Thức học để làm phương tiện truyền bá tông chỉ Thiền.

Sự giao lưu này đã tạo nên nhiều điều thú vị và mang lại cho Thiền học những cơ sở tâm lý học cần thiết mà đôi khi quan niệm “bất lập văn tự” cũng cần thiết cho sự giao lưu này.

Nếu chúng ta tìm hiểu “Duy Thức tam thập tụng”“Bát thức quy củ” – những tài liệu quan trọng của Duy Thức học thì có những khái niệm cốt lõi như Tam thân, Tứ trí... cũng được sử dụng trong lịch sử Thiền tông. Dấu vết của các khái niệm này được các thiền sư sử dụng như “Cảnh Đức truyền đăng lục”, Ngũ Đăng hội nguyên”, “Bạch Ẩn tọa thiền ca”...

1. Tam thân, Tứ trí theo Duy Thức học là gì?

1.1. Tam thân

Tam thân (Ba thân)(1)

Khái niệm này có thể thấy trong “Bài Tụng mô phạm về tám thức”

Bài tụng về năm thức đầu

Tính cảnh, hiện lượng, thông ba tính
Địa hai có nhãn, nhĩ và thân
Biến hành, biệt cảnh, mười một thiện
Trung hai, đại tám, si, tham, sân.
Chín, tám, bảy duyên cùng phối hợp
Năm thức đều nương tịnh sắc căn
Hai lìa, ba hợp ngắm trần thế
Kẻ dại hay lầm thức với căn.
Biến tướng, quán Không nhờ hậu đắc
Chứng rồi chưa hẳn đã như chân
Đại viên vừa hiện thành vô lậu
Vòng khổ dứt rồi chia Ba thân.

Khái niệm này cũng được giải thích theo “Bát Thức quy củ(2)”:

Chương 1: Câu 12: “Tam loại phân thân tức khổ luân”.

三類分身息苦輪

Tam loại phân thân: Phật có ba thân: Pháp thân, Báo thân, Hóa thân.

1. Pháp thân (Dharmakya): Tức pháp lý vũ trụ được nhân cách hóa.

2. Báo thân (samghosakaya): Kết quả đem lại do công năng tu hành từ nhiều kiếp quá khứ.

3. Ứng thân (Nirmanakaya) hay còn gọi Ứng hóa thân: Thân xuất hiện ở thế gian, có nhân cách và mọi đặc tính của một con người, thành đạt, giác ngộ và tùy cơ ứng hóa độ sinh.

Theo Từ điển Phật học(3):

“S: trikāya; Hán Việt: Tam thân (三 身); Chỉ ba loại thân của một vị Phật, theo quan điểm -> Ðại thừa (s: mahāyāna)". Quan điểm này xuất phát từ tư tưởng cho rằng Phật – như Ngài đã xuất hiện trên thế gian để hoằng hóa, tiếp độ chúng sinh – chính là biểu hiện của sự Tuyệt đối, của Chân như và Phật có khi hiện thân thành nhiều hình tướng khác nhau chỉ vì lợi ích của chúng sinh. Quan niệm ba thân Phật được nêu ra nhằm nói lên quan điểm đó. Ba thân gồm:

1. Pháp thân (法 身; s: dharmakāya): Là thể tính thật sự của Phật, đồng nghĩa với Chân như, là thể của vũ trụ. Pháp thân là thể mà Phật và chúng sinh đều có chung. Pháp thân cũng chính là Pháp (s: dharma), là quy luật vận hành trong vũ trụ, là giáo pháp do đức Phật truyền dạy.

2. Báo thân (報 身; s: sambhogakāya), cũng được dịch là Thụ dụng thân (受 用 身): Chỉ thân Phật xuất hiện trong các Tịnh độ.

3. Ứng thân (應 身; s: nirmānakāya, cũng được gọi là Ứng hóa thân hoặc Hóa thân): Là thân Phật xuất hiện trên trái đất, với nhân trạng, với mục đích cứu độ con người.

Ðối với Thiền tông thì ba thân Phật là ba cấp của Chân như, nhưng liên hệ lẫn nhau trong một thể thống nhất. Pháp thân là “tâm thức” của vũ trụ, là thể tính nằm ngoài suy luận. Ðó là nơi phát sinh tất cả, từ loài Hữu tình đến Vô tình, tất cả những hoạt động thuộc tâm thức. Pháp thân đó hiện thân thành Phật Ðại Nhật (s: vairocana).

Cũng theo Thiền tông thì Báo thân là tâm thức hỷ lạc khi đạt Giác ngộ, Kiến tính, ngộ được tâm chư Phật và tâm mình là một. Báo thân hiện thân thành Phật A-di-đà. Ứng thân là thân Phật hóa thành thân người, là đức Thích ca Mâu-ni. Mối liên hệ của Ba thân Phật theo quan điểm Thiền tông được thí dụ như sau: Nếu xem Pháp thân là toàn bộ kiến thức y học thì Báo thân là chương trình học tập của một y sĩ và Ứng thân là y sĩ đó áp dụng kiến thức y học mà chữa bệnh cho người.

1.2. Tứ trí

(Tứ trí là Trí của Phật: Đại viên cảnh trí, Bình đẳng tính trí, Diệu quan sát trí, Thành sở tác trí.)

Theo Thích Hạnh Tuệ, Thích nữ Thanh Quế, Lưu Hồng Hoa (2024)(4):

Hành giả (Bồ tát) từ Bát địa (Bất động địa) cho đến Thập địa Bồ tát (Pháp vân địa) là vào Đệ tam A tăng kỳ kiếp tức giai đoạn thứ 3, giai đoạn công hạnh tu hành viên mãn. Biết rõ cố chấp, bám víu, chấp nhặt vào những kiến thức, sở đắc của chính mình cũng là một chướng ngại rất lớn trên lộ trình chuyển thức thành trí, chứng quả giác ngộ giải thoát.

Các chủng tử vạn pháp trong A lại da có thể được phân ra làm hai loại chướng: Phiền Não chướng và Sở Tri chướng. Xả bỏ hoàn toàn các chủng tử của hai chướng này trong A lại da là công phu quan trọng của người tu theo Duy Thức. Khi xóa sạch chủng tử của hai chướng này trong Tàng thức tức thì A lại da (tên gọi khác của tàng thức) lập tức được chuyển thành Đại viên cảnh trí.

Chuyển y ở đây là chuyển đổi tận gốc, chuyển đổi nền tảng căn bản của Bát thức thành Tứ trí. Sáu thức đầu từ Nhãn thức đến Ý thức được chuyển thành Diệu quan sát trí. Thức Mạt na (Thức thứ bảy) được chuyển thành Bình đẳng tính trí. Thức A lại da (Thức thứ Tám) được chuyển thành Đại viên cảnh trí.

Chuyển y còn có nghĩa là chuyển phàm phu thành thánh nhân; chuyển phiền não thành Bồ đề; chuyển sinh tử thành Niết bàn; chuyển vô minh thành giác ngộ. Quả chuyển y có thể hiểu là quả vị Bồ đề, quả vị giải thoát, quả vị giác ngộ.

2. “Tam thân, Tứ trí” trong mối quan hệ Thiền - Duy thức qua “Bạch Ẩn tọa thiền ca”

Bạch Ẩn Thiền sư tọa thiền hòa tán (Bạch Ẩn tọa thiền ca)(5)

白 隱 禪 師 坐 禪 和 讚; J: hakuin zenji zazenwasan;

Bạch Ẩn Thiền sư tọa thiền hòa tán (Bạch Ẩn tọa thiền ca) là một bài ca tụng Tọa thiền (j: zazen) của vị Thiền sư Nhật Bản nổi danh Bạch Ẩn Huệ Hạc (1686-1769), được tụng nhiều trong các Thiền viện tại Nhật. Bắt đầu bằng câu “Tất cả chúng sinh bản lai là Phật”, Sư tán tụng tọa thiền là phương pháp tối trọng để thức tỉnh, về đến chân lý của đạo Phật.

(Trích từ Thiền luận của D. T. Suzuki):
Tất cả chúng sinh bản lai là Phật
Cũng như băng với nước
Ngoài nước, không đâu có băng
Ngoài chúng sinh, tìm đâu ra Phật?
Ðạo gần bên mình mà chẳng biết
Bao người tìm kiếm xa vời – Ðáng thương!
Ðó cũng như người nằm trong nước
Gào khát cổ xin được giải khát
Ðó cũng như con trai của trưởng giả
Lang thang sống với phường nghèo khổ
Nguyên do ta luân hồi trong sáu cõi
Là tại ta chìm đắm trong vô minh
Mãi lạc xa, xa mãi trong u minh
Biết bao giờ thoát li sinh tử?
Pháp môn tọa thiền của Ðại thừa
Ta không đủ lời để tán tụng
Những pháp hạnh cao quý như bố thí và trì giới
Như niệm hồng danh Phật, sám hối và khổ hạnh
Và biết bao công đức khác
Tất cả đều là kết quả của tọa thiền
Thậm chí những người chỉ ngồi qua một lần
Cũng diệt trừ được tất cả ác nghiệp
Không đâu tìm thấy ác đạo nữa
Mà Tịnh độ vẫn sát kề bên
Xin hãy cung kính nghe nói cái thật ấy
Dầu chỉ một lần
Hãy tán thán, hãy hoan hỉ ôm choàng lấy
Và sẽ được muôn vàn phúc huệ
Ví như người tự mình phản tỉnh
Chứng vào cái Thật của Tự tính
Cái Thật của Tự tính là Vô tự tính
Người ấy thật đã thoát ngoài điên đảo vọng tưởng
Ðã mở ra cánh cửa đồng nhất của nhân và quả
Và thênh thang con đường pháp phi nhị phi tam
Trụ nơi Bất dị giữa những cái dị
Dầu tới dầu lui cũng không bao giờ động
Nắm cái Vô niệm trong cái niệm
Trong mọi thi vi đều nghe tiếng pháp
Trời tam-muội lồng lộng vô biên
Trăng Tứ trí sáng ngời viên mãn
Ấy là lúc họ thiếu gì đâu?
Ðạo (chân lí) bản lai thanh tịnh hiện thành
Thế giới này là thế giới của Liên hoa tạng
Và thân này là Pháp thân của Phật.

Bài thiền ca là một kiệt tác thi ca Thiền không chỉ của Nhật Bản mà còn được đón nhận tích cực ở nhiều nước. Cảm hứng của bài thiền ca là cảm hứng giải thoát, thành tựu trên con đường thực hành Thiền. Nó mang đến cho độc giả những hướng dẫn và những kinh nghiệm Thiền.

“Trời tam-muội lồng lộng vô biên
Trăng Tứ trí sáng ngời viên mãn”

Quan niệm “Tứ trí” ở đây gắn liền với những cụm từ “lồng lộng vô biên”, “sáng ngời viên mãn” diễn tả một niềm an lạc tột cùng của thành tựu mà Thiền tập mang lại.

Kết thúc bài này là:
Ấy là lúc họ thiếu gì đâu?
Ðạo (chân lí) bản lai thanh tịnh hiện thành
Thế giới này là thế giới của Liên hoa tạng
Và thân này là Pháp thân của Phật.

Ở đoạn này, “Tam thân” được sử dụng với đại diện là Pháp thân. Câu hỏi “thiếu gì đâu?” mang ý nghĩa khẳng định cho câu cuối: “Và thân này là Pháp thân của Phật”. Đó là mục đích tối hậu đã đạt được, đó là kiến tính, chuyển Thức thành Trí, qua cái nhìn Hậu đắc trí.

3. “Tam thân, Tứ trí” qua một số trang “Cảnh Đức truyền đăng lục”

Cảnh Đức truyền đăng lục(6) (Quyển 5, Lý Việt Dũng dịch, Nxb Hồng Đức 2013, trang 29-32): “Thọ Châu, Thiền sư Trí Thông, người An Phong. Buổi đầu đọc kinh Lăng Già hơn ngàn biến mà chẳng hiểu tam thân, tứ trí nên đến lễ bái Lục Tổ, cầu giải ý nghĩa ấy. Tổ nói: Tam thân là thanh tịnh Pháp thân, đó là tính của ông. Viên mãn báo thân là trí của ông, thiên bách ức hóa thân là hạnh của ông đấy. Nếu lìa bản tính mà chỉ nói tam thân, ấy gọi là có thân thông trí. Nếu ngộ Tam thân không có tự tính, tức gọi là Tứ trí Bồ-đề.”

Cảnh Đức truyền đăng lục(7) (Quyển 5, Dương Thanh Khải dịch, 2013): “Thiền sư Trí Thông ở Thọ Châu (Học trò bàng xuất (nhánh phụ) của Lục Tổ Huệ Năng). Sư quê ở An Phong, Thọ Châu. Lúc đầu Sư xem kinh Lăng Già đến hơn ngàn lần mà không hiểu Tam thân, Tứ trí. Sư đến lễ Đại sư (Lục Tổ Huệ Năng) cầu giải nghĩa này.

Tổ nói:

- Tam thân là: Thanh tịnh pháp thân, là tính của ông; viên mãn báo thân, là trí tuệ của ông; thiên bá ức hóa thân, là hạnh của ông.

Nếu lìa bản tính, riêng nói ba thân thì gọi là có thân mà không có trí. Nếu ngộ ba thân không có tự tính thì gọi là Tứ trí Bồ đề!

(Chữ tự tính thường dùng trong Thiền tông Trung Quốc chỉ cho bản thể, đồng nghĩa với Phật tính, chân ngã).

Hãy nghe ta nói kệ:
Tự tính cụ Tam thân,
Phát minh thành Tứ trí,
Bất ly kiến văn duyên,
Siêu nhiên đăng Phật địa.
Ngô kim vị nhữ thuyết,
Đế tín vĩnh vô mê,
Mạc học trì cầu giả,
Chung nhật thuyết Bồ đề.

Dịch:

Tự tính đủ Ba thân,
Phát minh thành Tứ trí,
Chẳng lìa duyên thấy-nghe,
Siêu nhiên lên Phật địa.
Nay tôi vì ông nói,
Tin chắc, hằng không mê,
Chớ học kẻ (đang) tìm cầu,
Suốt ngày nói Bồ đề.

Sư hỏi:

- Nghĩa về Tứ trí có thể nghe được chăng?

Tổ nói:

- Đã hiểu Ba thân thì rõ Tứ trí, sao còn hỏi nữa? Nếu lìa Ba thân mà riêng bàn Tứ trí, đó gọi là có Trí mà không Thân, theo đó có Trí lại thành không Trí!

Tổ lại nói kệ:

Đại viên cảnh trí, tính thanh tịnh,
Bình đẳng tính trí, tâm vô bệnh,
Diệu quan sát trí, kiến phi công,
Thành sở tác trí, đồng viên cảnh,
Ngũ bát lục thất quả nhân chuyển.
Chỉ dùng danh ngôn không thật tính,
Nếu ngay chỗ chuyển chẳng lưu tình,
Chỗ luôn ồn náo, Na già định.

(Na-già: Từ dịch âm, nghĩa là long, tượng. Na - già dụ cho Phật, A – la - hán; thiền định của Phật gọi là Na - già định hay Na - già đại định).

Sư lễ tạ, dùng kệ tán thán:

Tam thân nguyên ngã thể,
Tứ trí bổn tâm minh.
Thân trí dung vô ngại,
Ứng vật nhậm tùy hình.
Khởi tu giai vọng động,
Thủ trụ phỉ chân tinh.
Diệu chỉ nhân sư hiểu,
Chung vong ô nhiễm danh.

Dịch:

Tam thân vốn thân ta,
Tứ trí vốn tâm sáng.
Thân trí thông vô ngại,
Ứng vật mặc tùy hình.
Nghĩ tu đều vọng động,
Giữ trụ trái chân tinh.
Diệu chỉ rõ nhờ thầy,
Quên hết danh nhiễm ô.

Đoạn này cũng tương tự như trong “Ngũ Đăng hội nguyên”, Quyển 2.

4. Chuyển Thức thành Trí

Về Duy Thức học, “Phật học phổ thông”, Khóa V, đã có giới thiệu về chuyển Thức thành Trí.

Chuyển thức thành trí, theo “Duy Thức tam thập tụng(8)”: “Người tu theo Duy Thức, triệt ngộ chân lý, thấy rõ vạn pháp do thức, duyên sinh như huyễn, chuyển thức thứ tám thành Đại viên cảnh trí, thức thứ bảy thành Bình đẳng tính trí, thức thứ sáu thất thành Diệu quan sát trí, thì năm thức trước chuyển thành Thành sở tác trí còn gọi là Hậu đắc trí hay Sai biệt trí. Trí này thấu rõ như thật tính sai biệt của vạn pháp. Khi thức thứ tám A lại da chuyển thành Đại viên cảnh trí thì Tiền ngũ thức cũng trở thành Thành sở tác trí vô lậu, nghĩa là cái nhìn vạn pháp của chúng không còn nhiễm ô phân biệt, vượt thoát mọi sự khổ đau trong sinh tử luân hồi.”

Chuyển thức thành trí trong Cảnh Đức truyền đăng lục: Trường hợp này, chúng tôi có có đối chiếu với bản dịch Cảnh Đức truyền đăng lục của Lý Việt Dũng (2013), bản dịch Cảnh Đức truyền đăng lục của Linh Sơn Pháp Bảo Ðại Tạng kinh (2014), bản dịch Ngũ Đăng hội nguyên (Dương Thanh Khải - 2024).

Theo “Cảnh Đức truyền đăng lục” - Dương Thanh Khải dịch 2013(9): “Trong giáo nói: Chuyển Tiền ngũ thức làm thành Sở tác trí, chuyển thức thứ sáu làm Diệu quan sát trí, chuyển thức thứ bảy làm Bình đẳng tính trí, chuyển thức thứ tám làm Đại viên cảnh trí. Tuy thức thứ sáu, thứ bảy chuyển trong “nhân”, Tiền ngũ thức và thức thứ tám chuyển trên “quả”, nhưng chỉ chuyển cái tên nó mà không chuyển cái thể nó".

Ý căn phóng quang (ánh sáng trí tuệ) trực tiếp qua năm cửa (căn), đủ duyên năm trần (tướng sở) huyễn hiện, nhưng vì không bỏ quên ánh sáng trí tuệ (phóng quang) nên năm trần hóa rỗng không, (ngay nơi đó vô chấp) đạt nghĩa vô trụ vô tướng.

Trần đã không, ý căn không lập “tướng năng” (chủ thể) cho nên ngã không, thì thức thứ bảy chuyển thành Bình đẳng tính trí.

Ngã pháp (căn trần) đều rỗng không thì thức thứ tám phục hồi tự thể tròn đầy mà linh tri diệu dụng, như tấm gương tròn sáng đồng thái hư; năm trần ứng duyên tự đến - tự đi trong thể như - như bất động này, như hoa đốm trong hư không.

Vậy chỉ cần chuyển thức thứ sáu, thứ bảy (trong “nhân”) thì thức thứ tám và Tiền ngũ thức (năm thức thân) sẽ chuyển theo (trên “quả”).

Các Thiền sư, Thiền gia Việt Nam trong lúc sáng tác thơ thiền cũng cho thấy dấu vết ẩn hiện của Duy Thức học, ví dụ Thiền sư Viên học (1072 - 1136), Thiền sư Nguyện học (? - 1174), Tuệ Trung Thượng sĩ (1230-1291)...

Kết luận

Về Tam thân và Tứ trí, có thuyết kết hợp Tam thân và Tứ trí tạo thành Ngũ trí (Năm trí): Năm loại trí được trình bày theo Mật giáo. Năm trí này miêu tả tất cả những khía cạnh của Tuyệt đối, của Chân như (s: tathata) mà con người có thể thực hiện được khi đã chuyển hóa thân tâm... Năm trí bao gồm: 1. Pháp giới (thể tính) trí; 2. Đại viên kính (cảnh) trí; 3. Bình đẳng tính trí; 4. Diệu quan sát trí; 5. Thành sở tác trí. (Chân Nguyên, Nguyễn Tường Bách)

Tứ trí, hoặc Ngũ trí thực chất cũng là Chân tâm, Chân như, Phật tính, Niết bàn...

Qua một số hiện tượng nói trên, ta thấy được sự giao lưu gặp gỡ của các pháp môn trong quá trình truyền bá và phát triển. Từ đó, thấy được sự quan trọng của Duy Thức trong nền văn hóa Phật học. Sự giao lưu này là cần thiết, mang tính hiệu quả cao và có những cộng hưởng thú vị, lợi ích...

Tác giả: Ts.Huỳnh Quán Chi
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2024

***

CHÚ THÍCH:

(1) Thích Hạnh Tuệ, Thích nữ Thanh Quế, Lưu Hồng Hoa (2024), Duy Thức tam thập tụng thực giải, Trang 198-199. Duy Thức Tam Thập Tụng Thực Giải (tapchinghiencuuphathoc.vn) (2024)

(2) Thiện Hạnh (2012), Duy Thức học – Bát thức quy củ tụng, Tam thập tụng, Huế, trang 37

(3) Chân Nguyên, Nguyễn Tường Bách (1999), Từ điển Phật học, Nxb Thuận Hóa, Huế, trang 31-32.

(4) Thích Hạnh Tuệ, Thích nữ Thanh Quế, Lưu Hồng Hoa (2024), Duy Thức tam thập tụng thực giải, Trang 153-155) Duy Thức Tam Thập Tụng Thực Giải (tapchinghiencuuphathoc.vn) (2024)

(5) Chân Nguyên, Nguyễn Tường Bách (1999), Từ điển Phật học, Nxb Thuận Hóa, Huế, trang 39-40.

(6) Cảnh Đức truyền đăng lục (6)– Quyển 5, bản dịch Lý Việt Dũng, Nxb Hồng Đức 2013 – trang 29-32): https://quangduc.com/p157a72133/quyen-05-luc-to-hue-nang-va-phap-he

(7) Cảnh Đức truyền đăng lục Quyển 5, Trang 300-301. https://www.rongmotamhon.net/xem-kinh_canh-duc-truyen-dang_klslpltm_viet1.html

(8) “Bài tụng mô phạm về Tám thức (Diễn nghĩa văn xuôi) trong “Duy Thức tam thập tụng thực giải”, Thích Hạnh Tuệ, Thích nữ Thanh Quế, Lưu Hồng Hoa (2024), Trang 129 Duy Thức Tam Thập Tụng Thực Giải (tapchinghiencuuphathoc.vn) (2024).

(9) Cảnh Đức truyền đăng lục, Dương Thanh Khải dịch - Quyển 5, Trang 378-380.

(10) Chân Nguyên, Nguyễn Tường Bách (1999), Từ điển Phật học, Nxb Thuận Hóa, Huế, trang 276.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/suy-nghi-ve-tam-than-va-tu-tri-qua-duy-thuc-hoc-va-thien-hoc.html