Tết Trung thu ở Hà Nội: Dần trở về nét đẹp xưa
Nhiều năm trở lại đây, với sự phát triển của nền kinh tế, tết Trung thu cổ truyền đã có nhiều thay đổi. Cùng với nhiều nét văn hóa truyền thống vẫn đang được nỗ lực giữ gìn, tết Trung thu của Hà Nội đang dần trở về nét đẹp xưa và ngày càng có ý nghĩa hơn.
Nét xưa hồi sinh
Thời điểm này, không khí vui đón Trung thu đã rộn ràng trên nhiều con phố và các điểm vui chơi của Hà Nội. Phố Hàng Mã, nơi kinh doanh các mặt hàng đồ chơi Trung thu đã tấp nập suốt cả tháng nay. Ngoài ra, tại những điểm đến như phố bích họa Phùng Hưng, khu phố cổ Hà Nội (ngôi nhà 87 Mã Mây, Trung tâm Giao lưu văn hóa 50 Đào Duy Từ, đình Kim Ngân), Bảo tàng Dân tộc học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long… tưng bừng các hoạt động vui đón Trung thu. Những hoạt động tương tác, trải nghiệm đều nỗ lực hướng người dân và du khách trở lại nét đẹp Trung thu xưa. Văn hóa vui đón Trung thu cũng dần trở nên ý nghĩa, mang đậm bản sắc văn hóa dân gian.
Tranh thủ dịp tết Trung thu, vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Anh, quận Hai Bà Trưng, cho các cháu đi chơi phố cổ. Cả ngày loanh quanh với máy bay, xe tăng… giờ các cháu cảm thấy rất mới lạ với những món đồ chơi truyền thống như: Tò he, đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi… Đến với chợ Trung thu truyền thống, các cháu không chỉ được vui chơi mà còn hiểu hơn về nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Thực tế, nhiều năm trở lại đây, tết Trung thu đã có không ít thay đổi, nhưng với xu hướng nhớ về truyền thống, tết Trung thu đang dần trở về nét đẹp xưa. Theo lời nghệ nhân Nguyễn Xuân Long, với xu hướng tìm về nét đẹp Trung thu truyền thống, những nghệ nhân đã tìm lại được niềm vui.
Điều này có thể thấy rõ khi số lượng các đồ chơi Trung thu truyền thống xuất hiện ngoài thị trường nhiều hơn, xu hướng người dân tìm về với những giá trị văn hóa truyền thống cũng nhiều hơn trước. “Tôi nhớ, chỉ vài năm trước, khi tham gia một lễ hội Trung thu, của gian hàng tôi bầy hơn 100 chiếc đèn kéo quân đến tham dự nhưng cả ngày cũng chỉ có vài người hỏi mua. Nhưng xu thế năm nay đã tốt hơn rất nhiều, thậm chí có những món đồ nghệ nhân làm không kịp bán như đèn kéo quân, tò he…”, nghệ nhân Nguyễn Xuân Long chia sẻ.
Nắm bắt được xu thế này, ngay trước dịp tết Trung thu, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội đã lên kế hoạch và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tuyền thống, hướng về cội nguồn. Trên tuyến phố bích họa Phùng Hưng, để thu hút du khách thập phương, bên cạnh các dãy đèn lồng làm điểm nhấn, Ban Tổ chức đã sắp xếp nhiều các gian hàng giới thiệu về đồ chơi, các nghệ nhân và thợ thủ công từ Hà Nội và các tỉnh lân cận về hướng dẫn cách làm đèn ông sao, đèn kéo quân và nhiều đồ chơi truyền thống như tàu thủy bằng sắt tây, mặt nạ giấy bồi, tò he đất, chuồn chuồn tre, diều giấy...
Ngoài ra, nhiều địa điểm cũng được bố trí các hoạt động trải nghiệm, mời nghệ nhân ở các làng nghề đến hướng dẫn cho trẻ nhỏ cách làm các món đồ chơi, vật phẩm Trung thu truyền thống như: Đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi, làm bánh Trung thu… Đó là tín hiệu tốt để những nghệ nhân làm đồ chơi truyền thống được tiếp thêm tình yêu để giữ nghề của ông cha.
Hương vị truyền thống chiếm ưu thế
Tết Trung thu ở Hà Nội xưa kia còn có nhiều phong tục như: Thi đèn, thi cỗ, thi múa sư tử với đủ loại thanh la, não bạt, đèn màu, cờ ngũ sắc, người cầm côn hộ vệ đầu sư tử. Lại có cả thi hát trống quân, vừa hát vừa đánh nhịp vào một sợi dây căng trên một chiếc thùng rỗng, tiếng kêu “thùng thình” đặc trưng của tiếng trống mùa Trung thu.
Ngày nay, phong tục tết Trung thu không bị mất nhưng thú chơi tết Trung Thu cũng đã có nhiều sự thay đổi. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực giữ gìn, tết Trung thu của Hà Nội đang dần trở về nét đẹp xưa và ngày càng có ý nghĩa hơn.
Cứ gần đến Tết Trung thu, phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, lại trở nên nhộn nhịp khi hàng dài người xếp hàng chờ mua bánh ở cửa hàng Bảo Phương. Đoàn người kéo dài cả trăm mét, từ sáng sớm đến tận tối đêm, hết lượt này đến lượt khác đứng xếp hàng chờ tới lượt như thời bao cấp. Đứng trong dòng người đội mưa chờ đợi, nhiều người dân cho biết, năm nào cũng vậy cứ đến ngày này lại ra đây xếp hàng để chờ mua bánh. Đa số họ đều muốn mua được bánh Trung thu có hương vị truyền thống, cổ xưa
Do nhu cầu cao nên khách hàng đến mua bánh luôn trong tình trạng chen lấn, xếp hàng dài, phải chờ lâu mong tới lượt mua, trong khi biển treo "hết bánh" thường xuyên được chủ cửa hàng trưng ra. Nhiều người còn bỏ công canh từ 6h hoặc chờ đến hơn 22h để mong mua bánh được nhanh, không cần xếp hàng chờ. Ngoài Bảo Phương, Hà Nội còn có 4 nhãn hiệu bánh gia truyền nổi tiếng khác là Ninh Hương, Phương Soát, Bà Dân, Gia Trịnh, đều tập trung tại khu vực quận Hoàn Kiếm. Những nghệ nhân đồng thời là chủ hiệu bánh hầu hết đều là người của làng nghề sản xuất bánh nổi tiếng xưa là Xuân Đỉnh hay La Phù.
Lý giải nguyên nhân khách luôn chen nhau mua cho được bánh tại các cửa hàng này, trong khi các nhãn hiệu bánh hiện đại với các loại bánh lạ, đắt tiền như vi cá, bào ngư, nhân lạnh... ế ẩm, nhiều người cho rằng nhờ uy tín, chất lượng của bánh. Các loại bánh ở đây đều có vị quen thuộc như nhân lạp xưởng, hạt sen, đậu xanh... Ngoài ra, một số cửa hàng cũng có thêm loại bánh nhân trà xanh, trứng muối. Bánh được khuyến cáo sử dụng nhanh, với hạn sử dụng cho bánh nướng là 10 ngày, bánh dẻo 7 ngày.
Đến mua hàng, khách được nhìn tận mắt quy trình làm bánh, từ bột bánh, nhân bánh đến dập khuôn, nướng và đóng hộp. Mỗi lô bánh ra đến đâu được bán hết đến đó, không có tình trạng bánh thừa, ế để sang ngày hôm sau. Không những thế, hạn sử dụng ngắn cũng khiến nhiều người mua tin rằng bánh không chứa chất bảo quản, an toàn khi sử dụng.
“Độc” và “lạ” như vậy nên những chiếc bánh mang phong vị truyền thống vẫn luôn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường hàng chục năm qua. Điều quan trong hơn, bởi Trung Thu là tết cổ truyền nên trách nhiệm giữ gìn nét truyền thống của dân tộc không phải của riêng ai.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tet-trung-thu-o-ha-noi-dan-tro-ve-net-dep-xua-96348.html