Tết Trung thu – Tết của tình thân

Năm nào cũng thế, từ những ngày cuối tháng bảy âm lịch, khi trăng hạ huyền cứ khuyết dần, khuyết dần thì đến hẹn lại lên, nhằm đúng bữa cơm tối, những tiếng trống tùng dinh, tiếng phèng la kêu choeng choeng xủng xoẻng đầy thúc giục ở đâu đó từ làng Hữu Từ bên kia sông Nhuệ lại vẳng lên rộn rã làm lũ trẻ đang ăn cơm cũng phải vội vàng buông hết bát đũa chạy túa ra cửa để ngóng trông đầy háo hức. Mẹ dịu dàng bảo: 'Người ta mới đang tập thôi con! Còn hơn nửa tháng nữa mới đến rằm Trung Thu cơ mà'…

Cứ đến dịp Trung thu, các em thiếu nhi được tham gia rước đèn, múa lân.

Cứ đến dịp Trung thu, các em thiếu nhi được tham gia rước đèn, múa lân.

Nếu ai chịu khó để ý một chút thì sẽ thấy mùa Tết Trung Thu đã được khởi động ngay từ cuối tháng sáu âm lịch. Tất cả các công ty bánh kẹo quốc doanh lẫn tư nhân và các lò bánh lẻ đều đã bắt đầu chiến dịch quảng bá, giới thiệu bánh Trung Thu ra thị trường để người tiêu dùng có thể mua bánh về cúng mồng Một tháng bảy, lễ Vu Lan và thưởng thức dần hương vị ngọt ngào của Tết Đoàn viên bên tách trà bốc khói thơm nghi ngút. Và Hàng Mã, con phố dài chưa đầy nửa cây số trên phố cổ Hà Nội chuyên bày bán đủ các loại đồ chơi, đồ trang trí và đồ thủ công truyền thống phục vụ cho các dịp lễ Tết trong năm cũng đồng loạt treo đèn lồng, giăng đầy cờ hoa suốt dọc hai bên đường, tràn sang cả phố Hàng Lược, Lương Văn Can tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp, huyên náo suốt cả tháng trời. Nhiều gia đình cho các con lên phố Hàng Mã để mua đồ chơi và ngắm phố. Các bạn trẻ ăn mặc, trang điểm thật đẹp, rủ nhau đi chụp những bộ ảnh check in lộng lẫy tại phố Trung Thu…

Có lẽ, Tết Trung Thu là cái Tết duy nhất dành cho cả người lớn lẫn trẻ em mà ai cũng thấy háo hức, trông đợi. Tết Trung Thu nhẹ nhàng, vui vẻ chứ không nặng nề với nhiều gánh nặng lo toan như Tết âm lịch một phần vì nó diễn ra chỉ trong một ngày, chính xác hơn là chỉ trong một buổi tối. Và không chỉ có các gia đình lo chuẩn bị Tết trông trăng cho con cháu mà Tết Trung Thu đã nhận được sự chung tay của toàn xã hội. Các cơ quan, công sở, nhà máy, xí nghiệp… đều chuẩn bị những phần quà Trung Thu dành tặng cho con em cán bộ công nhân viên của mình. Chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương, hội phụ nữ, tổ dân phố, thôn xóm, trường học… đâu đâu cũng thấy tổ chức các buổi Trung Thu lớn nhỏ tạo nên những lễ hội trăng rằm thực sự ở khắp nơi nơi.

Nhớ Trung Thu xưa, khi mà cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, hàng hóa không phong phú cả về chủng loại lẫn số lượng như bây giờ, nhưng rằm Tháng Tám vẫn là rằm được mong đợi nhiều nhất. Từ trước đấy cả tháng trời, đám trẻ con mỗi lần ăn những trái bưởi no tròn, mọng nước, ngoài việc cất những khoanh vỏ bưởi thơm sực mùi tinh dầu để bà, mẹ, chị em gái gội đầu cho mượt tóc thì đều không quên thu gom lại những hạt bưởi xinh xinh cho vào một cái vỏ hộp sữa. Trưa nắng, chẳng đứa nào chịu ngủ. Chúng trốn bố mẹ xúm vào một chỗ rí ráu vừa chuyện trò vừa tỉ mẩn bóc vỏ từng cái hạt bé xíu ấy rồi kiếm những đoạn dây thép xâu chỗ hạt ấy thành nhiều xâu, mang ra hàng rào phơi dưới nắng thu cho thật khô. Các cậu bé hì hụi cắt cái vỏ hộp sữa thành nhiều nan chạy dọc theo hình trụ của chiếc hộp, dùng sức ấn cho cái hộp hơi bẹp xuống một chút tạo độ khum thành cái khung đèn lồng. Sau đó, chúng sẽ buộc cái khung đó vào một đoạn dây nối với một cái que và đặt vào đáy hộp một cây nến. Làm đèn ông sao khó hơn một chút thì thường phải nhờ các anh chị lớn hoặc bố làm cho. Một vài thanh tre phơi khô, chẻ nhỏ, ít dây thép, hồ dán, giấy bóng kính sặc sỡ các màu. Qua đôi bàn tay khéo léo của bố, của anh, chiếc đèn ông sao năm cánh dần dần được định hình rõ nét. Chị khéo tay, thích điệu đàng, diêm dúa nên lấy giấy màu thủ công, cắt mấy bông hoa dán thêm vào đèn cho sinh động. Tất cả được cất cẩn thận trên nóc tủ, chờ đến rằm Trung Thu sẽ mang ra bày cỗ trông trăng.

Đúng ngày rằm tháng tám âm lịch, nếu phiên chợ trùng vào chủ nhật, bọn trẻ sẽ được mẹ dắt theo ra chợ sắm Tết. Phiên chợ Trung Thu nên từ ngoài cổng chợ vào đến sâu bên trong, chỗ nào cũng bày bán các loại hàng hóa phục vụ Tết Trung Thu. Các quầy đồ chơi là đông khách trẻ con nhất. Bọn trẻ xúm xít chọn mua đèn ông sao, đèn lồng cá chép, đèn cù hình bông hoa có bánh xe, lúc kéo qua, đẩy lại trên mặt đất, các cánh hoa sẽ xoay tít mù. Mặt nạ giấy bồi, mặt nạ Tôn Ngộ Không, trống to, trống nhỏ kêu tùng cắc. Đầu lân, đầu sư tử, đầu rồng các loại, các cỡ xếp thành từng chồng với những đôi mắt lồi, to trông khá dữ tợn nhưng bọn trẻ vẫn thích. Những nhà khá giả một chút sẽ mua cả bộ đầu sư tử, mặt nạ ông địa và trống tùng dinh cho con chơi. Còn đâu, chủ yếu những thứ ấy sẽ bán cho đại diện các thôn, xóm, tổ dân phố hoặc các hội, nhóm mua về tập luyện để đi biểu diễn kiếm tiền.

Kệ cho bọn trẻ say sưa với quầy đồ chơi, mẹ xách giỏ đi mua từng thức quà mùa thu về bày cỗ. Nào bưởi chua, bưởi ngọt, nào chuối tiêu hồng tiêu xanh, nào na đã vào độ chín mở căng mắt, hồng ngâm ngọt, giòn, hồng đỏ chín mềm tay như trái cà chua. Thêm lạng cốm mộc màu cỏ úa gói khéo léo trong tấm lá sen xanh để ủ hương và cho cốm được dẻo mềm, thắt ngang lưng một sợi rơm nếp xanh vẫn vương mùi lúa chín, điệu đà, duyên dáng như thiếu nữ quan họ mặc áo mớ bảy mớ ba, thắt ngang eo dải lụa màu thiên lý.

Nếu như hoa quả có lỡ thiếu đi một hai loại cũng không sao thì có một thức quà nhất định không được thiếu. Thứ quà làm nên hồn cốt của rằm tháng tám ấy chính là bánh Trung Thu, là bánh dẻo, bánh nướng. Cũng giống như Tết Nguyên đán xưa, người ta cả năm chỉ chờ đến Tết mới được ăn miếng bánh chưng xanh, rền, đậm đà hương vị gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ thì Tết Trung Thu thuở ấy, người ta cũng phải trông chờ cả năm mới được ăn miếng bánh nướng, bánh dẻo ngọt ngào, thơm thảo. Hồi đó, bánh truyền thống chủ yếu chỉ có nhân thập cẩm gồm lạp sườn, mứt bí, mỡ phần, mứt sen, vừng, hạt dưa bóc nõn và lá chanh xắt nhỏ chứ không phong phú như bây giờ. Mẹ nhẹ tay xếp từng thức vào giỏ, không quên mua thêm vài quả thị vàng ươm màu nắng về cho cô con gái nhỏ đan rọ chơi Tết Trung Thu và một ông tiến sĩ giấy.

Tối hôm ấy, cả nhà ăn cơm thật sớm rồi trải chiếu ra giữa sân, chỗ nhìn ngắm chị Hằng Nga được dễ nhất. Ngoài hoa quả, bánh trái thắp hương tổ tiên trên ban thờ, mẹ bày một mâm ngũ quả thật to ở ngoài sân. Tất cả những món mẹ mua ở chợ ban sáng được bố, mẹ và các con xếp bày thật khéo léo, thành một mâm có tầng, có ngọn. Trên cùng là trái bưởi vàng ươm còn nguyên cành lá xanh tươi, đặt trên một nải chuối tiêu hồng cũng vàng không kém. Hồng ngâm, hồng đỏ, lựu… xếp xung quanh. Gói cốm xanh được mở ra đặt cạnh nải chuối. Đèn ông sao được cắm vào giữa mâm, thắp nến sáng lung linh. Bố đặt ông tiến sĩ giấy ngồi nghiêm ngắn bên cạnh mâm để mong cho các con học giỏi, đỗ đạt. Nến được thắp lên trong đèn lồng bằng vỏ hộp sữa. Những xâu hạt bưởi bắt đầu được bọn trẻ châm lửa đốt, nổ lép bép nghe thật vui tai. Mùi tinh dầu hạt bưởi tỏa ra khiến cho không gian đêm rằm càng trở nên đặc biệt.

Tiếng trống tùng dinh bỗng rộ lên ngoài ngõ. Bọn trẻ vội vàng xin phép bố mẹ rồi cầm đồ chơi của mình chạy ra xem, hòa vào đám rước đèn và đội múa lân - sư của xóm. Đội múa vào những nhà ven đường để biểu diễn, xong mỗi tiết mục, gia chủ vui vẻ tặng cho đội một chút tiền để cảm ơn và lấy may.

Trăng đã lên cao chênh chếch ngọn tre, bọn trẻ kéo nhau quay trở về nhà để phá cỗ. Mẹ lấy dao nhẹ nhàng cắt bánh, cắt chuối và gọt hoa quả bày ra các đĩa. Bố đã pha sẵn một ấm trà sen. Các con ngồi quây quần quanh bố mẹ, bên mâm cỗ Trung Thu sum vầy, no ấm. Cả nhà chậm rãi thưởng thức từng món một, hoa quả nhạt trước, bánh trái vị ngọt đậm sau. Thi thoảng, chiêu một ngụm trà sen thơm ngát, chan chát đầu lưỡi mà ngọt ngào nơi cuống họng.

Thật may mắn làm sao, sau bao nhiêu năm đã trôi qua kể từ những Tết Trung Thu ấu thơ ấy, khi cuộc sống ngày càng khá giả, đủ đầy, hiện đại hơn, Tết Trung Thu vẫn được xem là một cái Tết được cả người lớn lẫn trẻ em mong đợi. Trong các thành phố hay các khu đô thị với những tòa nhà cao chọc trời, để “trông trăng” được là rất khó nên người ta hay kéo nhau ra phố đi bộ, trung tâm thương mại để chơi rằm. Đồ chơi dành cho trẻ em cũng thêm nhiều đồ hiện đại, nhập ngoại, nhưng đồ chơi truyền thống vẫn giữ được vị thế riêng của nó, vẫn được trẻ em yêu thích. Các con cháu mua những hộp bánh Trung Thu và hoa trái mùa thu thật ngon về thăm ông bà, cha mẹ mình. Và ở rất nhiều nơi, các tổ chức thiện nguyện vẫn âm thầm quyên góp tiền bạc, hiện vật để tổ chức cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn những tiệc “Vầng trăng cho em” thật ấm áp và giàu lòng nhân ái.

Phố Hoa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/tet-trung-thu-tet-cua-tinh-than-tintuc446747