Tết Trường Sa
Một mùa xuân mới lại về trên mọi miền Tổ quốc. Trong niềm hân hoan ấy, ai cũng tất bật hoàn thành những công việc cuối năm để được đón mừng năm mới bên gia đình, người thân. Nhưng ở Trường Sa, xuân đến thật bình dị, song cũng rất tự hào…
Ấn tượng khó phai
Gần 15 năm làm báo, tôi may mắn được 2 lần đến các đảo, điểm đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Chuyến đi nào cũng để lại trong tôi nhiều kỷ niệm với những trải nghiệm đáng nhớ. Song ấn tượng nhất phải kể đến chuyến hải trình cùng Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân khi thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa – phần biển đảo thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc.
Cán bộ chiến sĩ ở Trường Sa chào đón đoàn công tác từ đất liền.
Chuyển quà tết từ đất liền lên đảo.
Có cả hàng trăm thùng quà, nhưng tất cả đều được bao gói cẩn thận. Quà có nhiều loại, bên cạnh ti vi, đầu thu vệ tinh còn có các loại thực phẩm như: mứt, gạo nếp, lá dong, đậu xanh, mì, miến, bầu, bí, hành, bánh kẹo, các loại hạt giống rau xanh... Đặc biệt, những cành đào miền Bắc, những chậu quất, chậu mai vàng miền Nam cũng “theo” tàu ra đảo. Những phần quà ấy hầu hết do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước đóng góp, gửi tặng. Đó cũng là tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cả nước gửi đến cán bộ, chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa. Không chỉ mang giá trị vật chất, đây là những món quà tinh thần góp phần tạo động lực, cổ vũ động viên các cán bộ, chiến sĩ Hải quân yên tâm công tác và đón tết cổ truyền của dân tộc thêm đủ đầy, vui tươi, ấm áp.
Trang trí cây xanh chuẩn bị đón xuân.
Vịt được nuôi ở đảo Thuyền Chài, thuộc quần đảo Trường Sa.
Ở Trường Sa, các đảo thuộc quần đảo này có hình dáng và mang những đặc trưng riêng. Tuy nhiên, trên mỗi đảo, dù đảo lớn hay nhỏ thì lá cờ đỏ sao vàng vẫn luôn ở vị trí trang trọng nhất. Nơi đây, thời tiết thường khắc nghiệt, nhất là độ cuối năm với những đợt sóng ngút ngàn, bão triền miên, với cái nắng chói chang và biển mặn bao quanh nhưng đảo nào cũng trồng được các loại rau xanh, nuôi được heo, gà, vịt.
Vui xuân không quên nhiệm vụ
Khi tết đến xuân về, cán bộ, chiến sĩ luôn tận dụng những thứ hiện có để làm cho đảo đẹp hơn. Ở các đảo nổi như: Trường Sa, Song Tử Tây, An Bang, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, những người lính hải quân dùng lá bàng vuông, lá phong ba để gói bánh chưng, hoa của cây đại tướng quân dùng để trang trí trên bàn thờ. Khắp mọi nơi từ phòng giao ban của chỉ huy đảo đến phòng họp của các phân đội chiến đấu đâu đâu cũng được trang trí lộng lẫy, đẹp mắt. Bữa cơm tất niên của lính đảo tươm tất và ấm cúng hơn ngày thường. Rau xanh, thịt cá tươi thay chỗ cho đồ hộp và măng khô thường ngày trên đảo.
Tết ở đảo chìm cũng vui và ấm áp không kém đảo nổi. Hiện nay, các đảo chìm đã có các phương tiện nghe nhìn hiện đại, sóng điện thoại phủ khắp nên cán bộ, chiến sĩ Hải quân dễ dàng gọi điện chúc tết gia đình và ngược lại. Đêm giao thừa, các đảo sẽ tổ chức cho bộ đội liên hoan chào năm mới. Chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” luôn sôi nổi với các tiết mục ca ngợi Đảng, Bác Hồ, Quân đội, ca ngợi quê hương đất nước Việt Nam cứ vang vọng dưới ánh điện giữa biển cả bao la.
Làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió, cán bộ, chiến sĩ Hải quân ai cũng nhớ gia đình, nhớ quê hương. Song, với phương châm “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, giữa muôn trùng sóng gió, những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam luôn chủ động vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, nỗ lực hết mình để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Vui xuân vẫn không quên nhiệm vụ, họ vẫn ngày đêm canh gác, luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu cao cho biển trời Tổ quốc được bình yên…
Ở Trường Sa dù đảo lớn hay nhỏ thì lá cờ đỏ sao vàng vẫn luôn ở vị trí trang trọng nhất. Bữa cơm tất niên của lính đảo tươm tất và ấm cúng hơn ngày thường. Rau xanh, thịt cá tươi thay chỗ cho đồ hộp và măng khô thường ngày trên đảo.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tet-truong-sa-116503.html