Tết truyền thống ở Làng cổ Đường Lâm

Hòa mình vào sự phát triển của cuộc sống đương đại, phong tục Tết ở một số nơi ít nhiều đã có sự thay đổi. Thế nhưng, tại Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), những nét đẹp ngày Tết truyền thống vẫn được duy trì và giữ nguyên giá trị đến tận ngày nay, thu hút nhiều người trẻ đến trải nghiệm.

Con ngõ nhỏ rợp cờ hoa.

Con ngõ nhỏ rợp cờ hoa.

Ghé thăm làng cổ Đường Lâm những ngày giáp tết Quý Mão, khách du lịch bị thu hút bởi không gian bài trí và không khí náo nhiệt của phiên chợ Tết truyền thống diễn ra trước sân đình Mông Phụ. Cờ hoa đã được treo khắp các con đường, ngõ trong làng. Sân đình làng được trang trí bằng hoa đào, hoa cúc. Những con đường lát gạch đỏ, tường đá ong cổ kính cũng được điểm thêm những giỏ hoa vàng, đỏ tràn ngập không khí tết. Trên những con ngõ vào những căn nhà cổ, hiếm khi người ta thấy cỏ, rác. Từ đầu làng, nhiều tiểu cảnh tái hiện “Tết quê” được dựng lên.

Bước chân vào Làng cổ, yên bình, tĩnh lặng là cảm giác đầu tiên mà mỗi người cảm nhận được và ngỡ như qua cánh cổng làng là một thế giới khác. Không đông đúc, không ồn ào, du khách tới đây bởi vậy nên cũng “nhỏ nhẹ” trên quãng đường thăm thú. Chẳng ai bảo ai, mọi người đều ý thức giữ gìn sự yên bình nơi đây.

Làng cổ Đường Lâm – Biểu tượng của du lịch Sơn Tây

Nằm cách 50km về phía tây của trung tâm thành phố Hà Nội, làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây là nơi lưu giữ gần 100 ngôi nhà cổ trên 100 năm tuổi và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Vẻ đẹp của thời gian thu hút nhiều bạn trẻ tới đây thăm quan và trải nghiệm.

Hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng, tái hiện tết cổ truyền.

Hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng, tái hiện tết cổ truyền.

Làng cổ Đường Lâm mở cửa trở lại đón khách tham quan sau 2 năm dịch bệnh với nhiều hoạt động thú vị nhằm bảo tồn những giá trị truyền thống. Tiếp nối thành công của chương trình “Tết xứ Đoài” năm 2022, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch TP. Hà Nội phối hợp UBND thị xã Sơn Tây cùng các đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Tết làng Việt” 2023. Tại đây, du khách sẽ được tham quan nhà cổ, ao cổ và trực tiếp tham gia trải nghiệm không gian phiên chợ Tết truyền thống tại sân đình Mông Phụ.

Với lợi thế của một làng nghề truyền thống, người dân làng cổ Đường Lâm đã đưa những đặc sản quê như: chè lam, tương đậu… đến gần hơn với khách du lịch. Không khó để bắt gặp hình ảnh căn nhà cổ với niên đại cả trăm năm với những chum sành ủ tương, ủ rượu ở trước sân.

 Chè Lam – cái tên làm nhiều người nhầm tưởng là đồ uống nhưng lại là món ăn đặc sản tại đây.

Chè Lam – cái tên làm nhiều người nhầm tưởng là đồ uống nhưng lại là món ăn đặc sản tại đây.

Đến đây, ngoài được tận mắt chiêm ngưỡng những hoạt động sản xuất và sinh hoạt của một vùng nông thôn xưa, du khách còn được trực tiếp bắt tay vào “thử sức” trải nghiệm các công việc của chính người dân địa phương như làm tương, làm chè lam, kẹo dồi… và sau đó có thể mua các sản phẩm thủ công được sản xuất tại đây.

Nhờ mở rộng du lịch, các sản phẩm của Làng cổ Đường Lâm được quảng bá tới mọi vùng miền trong cả nước.

Nhờ mở rộng du lịch, các sản phẩm của Làng cổ Đường Lâm được quảng bá tới mọi vùng miền trong cả nước.

Hàng năm làng cổ Đường Lâm đón tiếp hàng ngàn lượt khách trong nước và quốc tế. Bác Tiến (65 tuổi, Đường Lâm) là chủ của căn nhà cổ Thể Tiến chia sẻ: “Đây là căn nhà được giữ nguyên bản truyền qua 13 đời, có niên đại 400 năm tuổi và là căn nhà cổ lớn nhất ở đây. Du khách đến đây tham quan quanh năm nhưng đông nhất là vào tháng Giêng vì có chợ phiên với hội làng”.

Du khách trải nghiệm và mua sản phẩm tại làng cổ.

Du khách trải nghiệm và mua sản phẩm tại làng cổ.

Hòa mình vào sự phát triển của cuộc sống đương đại, phong tục Tết ở một số nơi ít nhiều đã có sự thay đổi. Tuy nhiên, làng cổ Đường Lâm vẫn giữ được những nét văn hóa đặc biệt của ngày Tết truyền thống. Ông Nguyễn Thắng (68 tuổi, Đường Lâm) tâm sự: “10 năm đi lính, tôi đi dọc cả Việt Nam từ biên giới phía Bắc vào đến Cam Ranh, đón bao nhiêu cái tết với người dân tộc ở các vùng khác nhau mà vẫn thương nhớ cái tết ở quê hương. Tết năm nào nhà tôi cũng gói bánh chưng chứ không mua vì vợ tôi bảo phải tự làm mới có không khí ngày tết cổ truyền”.

Ông Nguyễn Thắng luôn tự hào về ngày Tết ở quê hương.

Ông Nguyễn Thắng luôn tự hào về ngày Tết ở quê hương.

Chợ tết, lễ tế, hội họp... bao năm qua vẫn giữ, không phải vì danh xưng “Làng cổ” mà bởi người dân nơi đây thực sự nâng niu, trân quý những giá trị nguồn cội.

Lưu giữ giá trị của Tết cổ truyền trong lòng người trẻ

Nhiều bạn trẻ đến làng cổ “check – in” vì yêu sự cổ kính và hoài niệm.

Nhiều bạn trẻ đến làng cổ “check – in” vì yêu sự cổ kính và hoài niệm.

Thế hệ trẻ chính là lớp người giữ vị trí quan trọng nhất trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống. Về làng cổ, ta dễ dàng bắt gặp các bạn trẻ chụp những bộ ảnh xuân, kỷ yếu xung quanh những con ngõ, căn nhà nhuốm màu thời gian. Các nam thanh nữ tú tìm về làng cổ Đường Lâm đa phần bởi yêu thích nét truyền thống, sự cổ xưa, cũ kỹ ở nơi đây. Bạn Hoàng Yến (18 tuổi, Phúc Thọ) cùng nhóm bạn đang thực hiện bộ ảnh Tết tại làng cổ Đường Lâm chia sẻ: “Mình cảm thấy thích thú trước không khí náo nhiệt của chợ Tết nên năm ngoái mình cũng chụp bộ ảnh Tết ở đây. Năm nay trang trí lộng lẫy hơn nhưng vẫn giữ được nét cổ xưa mà mình thích, vậy nên mình tiếp tục chọn làng cổ Đường Lâm cho bộ ảnh Tết này”. Những ngày giáp Tết, những bộ áo dài tung bày ở ngôi làng cổ như tô thắm bức tranh Tết cổ truyền và ngầm khẳng định sự trường tồn của những di sản văn hóa truyền thống giữa cuộc sống hiện đại.

Làng cổ Đường Lâm vẫn giữ nguyên sự yên bình, cổ kính nhưng các hoạt động trải nghiệm, thu hút khách du lịch không ngừng đổi mới qua từng năm góp phần không nhỏ vào việc lan tỏa những giá trị nhân văn cao đẹp, giữ gìn nét văn hóa truyền thống cho ngày Tết Việt Nam.

An Chi – Lê Vượng

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/tet-truyen-thong-o-lang-co-duong-lam-post1504828.tpo