Tết về
Năm nào cũng vậy, cứ gần tết, những người xa quê lại thấy bồn chồn, nhớn nhác chuyện tàu xe về tết. Vì sao cứ phải về quê dịp tết nhỉ? Vì tết được nghỉ, có thời gian về thăm quê. Chưa hẳn. Vì nhiều người, nhiều gia đình, quãng thời gian di chuyển đã chiếm mất gần như hết thời gian ở nhà, ở quê. Rồi còn phải chen chúc, bị nhồi nhét, tăng giá xe, tàu… và ngổn ngang trăm mối. Phải chăng tết đồng nghĩa với về?
Người xa quê, trong những ngày gần tết, câu hỏi khi gặp nhau là: Có về quê ăn tết không? Ăn tết đây là ăn - cả - cái - tết, cái hương cái vị, không khí, kỷ niệm xưa. Ngày xưa, thời đói kém, người ta chỉ đợi tết để được “no 3 ngày” theo đúng nghĩa đen của nó. Nhưng vì sao bây giờ cuộc sống đã đủ đầy hơn, xu hướng nghiêng nhiều về chơi tết, mà sao cái câu cửa miệng, cái tâm thức vẫn cứ là “ăn tết”?
Một năm xoay vần về cái tết. Và cái tết như được “đơm” vào trong cái bát. Bát cơm với người Việt như là biểu trưng của thành quả lao động, chất chứa nỗi đầy vơi, yên vui, buồn tủi. Suy cho cùng, làm lụng cả năm, không chỉ lo miếng cơm, manh áo hàng ngày, mà cuối cùng là để tết đến có được “bát cơm đầy” với người thân của mình hay không. Có lẽ, người người muốn về quê ăn tết cũng vì lẽ đó.
Trong tâm thức người Việt, đi xa là để trở về, như loài cá hồi hương, như chim nhớ tổ. Không ít người - gia đình thừa điều kiện, có nhà cửa đàng hoàng ở thành phố, nhưng tết đến là đóng cửa, “bầu đoàn thê tử” dắt díu nhau về quê. Phải chăng cái chất phiêu dạt của con người cũng như cánh diều vậy, dù bay xa đâu đâu cũng cột mình với quê nhà. Từ một anh “giang hồ” như nhà thơ Phạm Hữu Quang, nhưng: “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”. Cho đến tướng quân Huỳnh Văn Nghệ, trong khi chinh Nam lòng vẫn luôn đau đáu nhớ Bắc: “Ai về xứ Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…”. Và như “ông già Nam bộ” Sơn Nam, dù “phong sương mấy độ qua đường phố” giữa Sài Gòn đô hội, nhưng hồn vẫn luôn là “hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”.
Và đâu đó, đau đáu, thấm đẫm nỗi buồn lìa quê, để những uẩn ức ấy tuôn ra ngòi bút của nhà văn Vũ Bằng trong Thương nhớ Mười Hai: “Ôi những đêm giao thừa xa xôi, những đêm giao thừa cực lạc, đi không bao giờ trở lại, ta chẳng còn thấy thần thánh xuống trần để vui cuộc đời trần tục, ta chẳng còn thấy Đức Tin ngời lên trong ánh mắt của muôn người… Cố nhân ơi, cố nhân đem theo biết bao nhiêu hương vị đậm đà của kiếp sống khiến cho những giao thừa còn lại chỉ là thừa mà thôi…”.
Ấy thế mới hiểu vì sao người xa quê cứ phải tìm mọi cách về quê ăn tết. Mệt mỏi là thế, rũ rượi là thế, bơ phờ là thế, tốn kém là thế, nhưng thật kỳ lạ, chỉ cần từ trên tàu, trên xe “thả mình” xuống đất quê là ngay lập tức bao nhiêu mệt nhọc tan biến. Và qua một đêm được chìm đắm trong quê nhà, sớm tỉnh giấc mơ màng ngó ra cửa sổ, qua làn mưa bụi giăng giăng, bỗng sững người thấy như hồn thơ từ ngút ngàn năm trước của Mãn Giác Thiền sư hiển hiện về: Đêm qua… sân trước… một nhành mai!
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tet-ve-640083.html