Tết về hay ở - Những lựa chọn và nỗi niềm: Còn mình còn xuân…
Nhịp sống những ngày cuối năm có chút vội vàng để người ta kịp ca làm, buổi chợ… Nhưng cũng có chút chầm chậm và lắng đọng trong câu chuyện của mỗi người, mùa xuân mới sắp chạm ngõ nhưng chuyện về nhà đành gác lại để tiếp tục trong guồng quay công việc, kiếm thêm chút nào hay chút đó.
Chưa nghỉ tết đã tính đi làm
“Một năm kinh tế buồn” - một ý kiến có lẽ đã nghe nhiều trên các diễn đàn trực tuyến, mạng xã hội. Với nhiều người, nỗi buồn này mỗi lúc một gần khi ngày tết cận kề mà lối về nhà đành để lại sau, tranh thủ tìm việc làm thêm trong tết, gói ghém từng khoản nhỏ để dành qua Giêng.
Nhẩm đi nhẩm lại, thì ăn tết xa nhà là chuyện đành phải như vậy chứ chẳng thể nào lựa chọn khác hơn, chị Bùi Thị Thùy (38 tuổi, công nhân Khu công nghiệp PouYuen, quận Bình Tân) chia sẻ: “Công ty có hỗ trợ xe cho công nhân về quê nhưng tôi với ông xã thì được, còn hai đứa nhỏ vẫn tính tiền vé như thường. Năm nay tiền thưởng giảm cỡ 10% so với năm rồi, tính kiểu nào cũng kẹt, nên thôi tết này không về được rồi”.
Chị Thùy quê ở Hà Tĩnh, còn ông xã quê Nghệ An, đứa con lớn học lớp 8, đứa nhỏ lớp 2. Thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng gần 20 triệu đồng nhưng cuộc sống công nhân xa nhà, tiền trọ, tiền ăn uống, tiền con cái học hành… nên chuyện thiếu trước hụt sau đã quá quen.
“Mấy năm nay, ông xã tôi bệnh, nên chi tiêu trong nhà có thêm khoản tiền lo thuốc men nữa. Sau tết cũng cầm chắc là không về quê được rồi, vì còn tiền học phí cho tụi nhỏ. Tôi đang coi mấy chỗ gần phòng trọ, người ta tuyển nhân viên thời vụ thì mình tranh thủ làm trong 3 ngày tết, kiếm thêm một ít để trang trải qua Giêng, nhiều chi phí phải lo lắm”, chị Thùy chia sẻ.
Cũng như chị Thùy, tết này vợ chồng anh Nguyễn Chí Hải (33 tuổi, quê Bình Định, công nhân Công ty cổ phần Nhôm nhựa Kim Hằng, quận 8) chọn ở lại thành phố, nhưng có về sau tết được hay không thì còn phải chờ khoản làm thêm trong tết. Gọi điện thoại về quê, đầu dây bên kia là tiếng thằng nhỏ khóc đòi ba mẹ về quê ăn tết, nhưng anh Hải đành chịu: “Thằng nhỏ khóc quá trời, nghe mà thương, nhưng hai vợ chồng đi về sẽ tốn một khoản tiền vé. Năm nay, kinh tế khó khăn, mấy tháng liền đi làm 1 ngày, nghỉ 1 ngày vì công ty không có đơn hàng, tính ra một tháng làm có một nửa nên tiền lương giảm dữ lắm, giờ tiết kiệm được nhiêu hay nhiêu, sau tết tiền vé có giảm thì mình tính tiếp”.
Cái tết xa nhà, không người thân, họ hàng trong này cầm chắc là buồn, kế hoạch nghỉ tết của vợ chồng anh Hải cũng chỉ quanh quẩn trong ký túc xá của công ty chứ không dám đi chơi hay sắm sửa gì.
“Năm nay, công ty có tổ chức tết sum vầy cho anh chị em công nhân không về quê, vậy thôi cũng thấy an ủi, ấm lòng rồi. Công ty cũng hỗ trợ mọi người ở lại trực tết, không về quê được thì tôi đăng ký trực, để có thêm một khoản nữa, phần đó qua tháng Giêng vợ chồng tính chuyện về quê”.
Gồng thêm chút nữa
Tiền vé xe về Cà Mau hơn 300.000 đồng/người, nhưng Quốc Khánh (sinh viên Trường Đại học Công nghệ TPHCM) trăn trở, tiền vé xe về thì phải có tiền vé xe lên, qua tết cũng bắt đầu học kỳ mới, đăng ký môn học mới…
Quốc Khánh kể: “Năm nay là năm đầu tiên tôi tính chuyện không về quê, chưa dám nói với ba má vì sợ mọi người buồn. Tết ở lại thành phố có một mình, tôi cũng buồn nhưng tranh thủ thời gian này tôi đi làm thêm. Làm thời vụ trong tết, có chỗ tính lương gấp đôi, gấp ba ngày thường nên ráng làm thì sẽ có một khoản để dành sau tết về nhà, dư thêm chút nữa thì để lo học phí, đề cương, sách vở cho môn học mới”.
Câu chuyện tìm việc làm thời vụ trong tết tưởng chừng chỉ có cánh công nhân xa nhà, sinh viên xa quê quan tâm, nhưng với công việc ổn định của một nhân viên IT, Hồ Nguyễn Thanh Nhân (29 tuổi, quê Ninh Thuận) cũng tranh thủ tìm việc làm trong tết.
Thanh Nhân kể: “Hiện tại ở công ty tôi, mấy dự án nước ngoài đang bị tạm dừng, kinh tế khó khăn người ta ngưng lại hoặc không ký hợp đồng nữa, tiền để dành làm việc khác, nên nói IT nghe có vẻ là nghề đang “hot” nhưng ảnh hưởng lắm. Năm nay, đi làm có lương là vui rồi, công ty cũng thông báo khó khăn và không có thưởng tết. Mấy anh chị em tranh thủ kiếm thêm việc bên ngoài để làm, nhận mấy cái hợp đồng nhỏ, lập trình đơn giản theo nhu cầu khách hàng, “cày” thêm để có thêm chút đỉnh mà chi tiêu”.
Quê nhà không quá xa TPHCM, cũng không nặng tiền vé tàu hay máy bay nhưng Thanh Nhân chốt câu chắc chắn về nhà sau tết: “Tôi có nhận vài hợp đồng nhỏ nhỏ làm trong tết, chịu khó “cày” cũng kiếm thêm kha khá, nên ở lại thành phố mà làm thôi. Sau tết có chút đỉnh về quê cũng thoải mái hơn, còn phụ ba má lo học phí cho đứa em sắp vào đại học nữa. Không về nhà cũng buồn một chút, nhưng tính toán đường nào thấy lợi hơn thì mình ráng gồng thôi”.
Gồng thêm chút nữa như Thanh Nhân cũng là lựa chọn chung của nhiều bạn trẻ nán lại các đô thị lớn để kiếm việc làm thêm trong tết. Từ TPHCM về Tiền Giang chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ chạy xe máy, nhưng Huỳnh Minh Sang (30 tuổi, nhân viên truyền thông, ngụ quận Gò Vấp) lắc đầu trước chuyện về nhà đón tết. Hiện tại, vừa làm ở công ty, Sang tranh thủ buổi tối chạy xe công nghệ.
“Về quê mà kinh tế eo hẹp, mình cũng ngại. Tôi chuyển khoản một ít cho đứa em gái ở quê để phụ gia đình đi chợ, mua sắm. Ráng kiếm rồi qua tết cũng là giỗ ông già, tôi về nhà luôn. Lúc đó có thêm một khoản ráng “cày” trong tết, mua sắm trong nhà thoải mái thì mình cũng thấy vui, đỡ áp lực”, Sang tâm sự.
“Chốt đơn” một vé máy bay về nhà vào đầu tháng 3 dương lịch, Hoàng Thị Thanh Tuyền (27 tuổi, kiến trúc sư cảnh quan, ngụ quận Tân Phú) chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên tôi không về quê ăn tết, ở lại thành phố để làm thêm. Không chỉ có tôi, mà mấy anh em trong công ty cũng vậy, ai cũng tranh thủ kiếm thêm việc làm, kể cả làm trái ngành, để có thêm tiền trang trải. Một năm kinh tế khó khăn, xác định mình còn công việc, còn đi làm được là vui rồi, chuyện thưởng hay tiền tháng 13 thì thôi, hẹn lại sang năm. Lúc công ty thuận lợi cũng hỗ trợ nhân viên nhiều, nên lúc khó khăn mọi người chia sẻ, không đòi hỏi gì hơn”.
Thanh Tuyền nhận thêm việc thiết kế poster cho một số tiệm cà phê, cửa hàng quần áo để họ tung ra cho bộ sưu tập mới ngay sau tết. Công việc phải làm xuyên tết, nhưng với Tuyền, đó như là một trải nghiệm để bản thân tự vượt qua thử thách.
“Tôi gọi về nhà, ba mẹ nghe xong cũng buồn, nhưng cả nhà động viên nhau, còn người còn của còn cố gắng thì còn tết thôi. Ở lại TPHCM để “cày” thêm một chút cũng không đến nỗi buồn lắm đâu, hội bạn tôi đã lên sẵn danh sách các quán cà phê phục vụ khách làm xuyên tết, lựa chọn ở lại làm thêm cũng giúp mình trưởng thành, mạnh mẽ hơn một chút để đối mặt với khó khăn mà”, Thanh Tuyền bộc bạch.
Mùa xuân của đất trời thì theo tự nhiên mà đến, cỏ cây cứ thế mà vươn chồi… Nhưng mùa xuân của mỗi người là một lựa chọn, tết về hay ở - buồn hay vui tùy vào góc nhìn của mỗi chúng ta. Giá trị của mùa xuân sum vầy lắm lúc chỉ đơn giản như câu chuyện của Thanh Tuyền, còn người, còn cố gắng thì mùa xuân vẫn đâu đó trên những nẻo đường.
Việc làm thời vụ đắt hàng dịp tết
Từ nhu cầu mua sắm và hoạt động tiêu dùng tăng cao vào dịp tết, nhiều doanh nghiệp ngành bán lẻ, thương mại, dịch vụ có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn nhân sự để phục vụ khách hàng. Những ngày cuối năm, Công ty CP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam có nhu cầu tuyển dụng 1.000 nhân viên thời vụ tết. Còn AEON Việt Nam tuyển dụng nhiều vị trí việc làm để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Đơn vị cũng đưa ra các chế độ lương, phúc lợi rất đặc biệt, như: trong khoảng thời gian 20 ngày trước tết, nhân viên thời vụ sẽ được hưởng 150% tiền lương; khi làm việc vào các ngày tết, nhân viên được hưởng 400% tiền lương.
Công ty TNHH EB Thành Phố Mới đang có nhu cầu tuyển 175 nhân viên làm việc tại siêu thị Go! ở các vị trí: gói quà, giao hàng, quầy hàng... Nhà nghỉ khách sạn Công đoàn Thanh Đa cũng đang tuyển dụng nhiều vị trí: lễ tân, nhân viên phòng kinh doanh, kế toán, buồng phòng, nấu bếp... Phó phòng Tổ chức Nhà nghỉ khách sạn Công đoàn Thanh Đa Phạm Minh Tấn cho biết, để phục vụ chương trình Tết sum vầy do Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức, đơn vị cần rất nhiều nhân viên thời vụ để đến các quận, huyện phục vụ công nhân tham gia chương trình, chủ yếu cần nhân viên phục vụ bàn và nấu bếp.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, năm 2024, TPHCM dự kiến cần khoảng 300.000-320.000 chỗ làm việc, trong đó, nhu cầu nhân lực quý 1 cần khoảng 77.500-86.000 chỗ làm việc; quý 2 cần khoảng 75.470-77.168 chỗ làm việc. Nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ, chiếm 71,31% tổng nhu cầu nhân lực năm 2024.
HỒNG HẢI