Tết về hay ở - những lựa chọn và nỗi niềm: Tết xa, tết gần, chỉ cần con cháu có áo mới
Dẫu về quê đón tết hay ở lại thành thị tìm công việc làm thêm dịp tết để có thêm thu nhập, hay vì lý do gì đi chăng nữa, đó là một lựa chọn. Và khi đã lựa chọn thì ta cần tìm niềm vui ngày tết trong lựa chọn ấy.
LTS: Tết là đoàn viên, sum vầy với người thân, gia đình. Dẫu mưu sinh chốn nào, xa quê bao lâu, người ta cũng ngóng trông và cố gắng trở về. Tuy nhiên, cũng có người không thể trở về. Về để đoàn tụ, không về vì điều kiện khó khăn, ở lại để tìm việc mong kiếm thêm chút tiền - muôn lý do để những đứa con xa quê đặt lên bàn cân “Tết về hay ở?”. Và dù ở đâu, ai nấy đều nỗ lực để có được cái tết an lành, ấm cúng.
Có người bảo, tết ở đâu cũng vậy, thấy cây mai, cây đào, nghe những bài nhạc xuân là thấy tết. Thế nhưng, khi nghe hỏi “Tết có về quê không”, ai mà chẳng chạnh lòng, nhất là những người vì mưu sinh phải xa quê, xa cha mẹ, con cái nhiều năm. Dẫu về quê đón tết hay ở lại thành thị tìm công việc làm thêm dịp tết để có thêm thu nhập, hay vì lý do gì đi chăng nữa, đó là một lựa chọn. Và khi đã lựa chọn thì ta cần tìm niềm vui ngày tết trong lựa chọn ấy.
Cả nhà về quê
Chiều những ngày cuối năm, vựa phế liệu Thu Thủy trên đường Lạc Long Quân, phường 9, quận Tân Bình (TPHCM) nhộn nhịp, hối hả. Từ 17 giờ, nhiều chiếc xe đẩy chở đầy phế liệu, đồ tái chế đã về đến cửa vựa để bắt đầu cho buổi cân hàng, nhận tiền sau một ngày vất vả.
Nhấc chồng giấy báo cuối cùng trong xe đẩy để lên chiếc cân, bà Huỳnh Thị Huyền Trâm, quê tỉnh Bình Định (trọ tại phường 8, quận Tân Bình, TPHCM) kéo vạt áo cũ mèm lên lau khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi. 85.000 đồng là số tiền bà nhận được cho thành quả một ngày lao động vất vả với hơn chục kilômet đẩy xe qua các tuyến đường, con hẻm ở các quận Tân Bình, Tân Phú, 11, 10… để thu mua phế liệu. Theo bà Trâm, số tiền này dù ít, nhưng vẫn đỡ hơn nhiều hôm đi cả ngày mà chỉ thu được hơn 40.000 đồng. Hơn 23 năm qua, ngày nắng cũng như mưa, bà Trâm đều đặn đẩy chiếc xe ra khỏi cửa nhà trọ lúc trời vừa hừng sáng và quay về nhà khi ông mặt trời đã lặn. Có hôm bà Trâm đi xa, mua được nhiều hàng, để cuối ngày bà ì ạch đẩy không nổi chiếc xe đầy ắp giấy, sắt, lon bia, lon nước ngọt, bìa carton….
“Nhưng hôm nào được vậy là mừng dữ lắm, vì biết bữa đó thu nhập sẽ cao hơn”, bà Trâm bày tỏ. Dù đang mệt nhưng khi được hỏi tết này về quê hay ở lại thành phố, gương mặt bà Trâm sáng bừng lên, giọng hồ hởi: “Về chứ. Tết này cả gia đình tôi gồm 4 người sẽ về quê. Tôi đã mua vé xe rồi. Tính cả vé về quê và trở lại TPHCM hơn 10 triệu đồng. Có tốn kém, nhưng 26 Tết là cả nhà được lên xe về quê đón tết”. Từ năm 2019 đến nay, gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, gia đình bà không về quê đón tết. 10 ngày trước, khi bà Trâm điện thoại báo tin cho người mẹ già năm nay 85 tuổi ở quê biết cả nhà về ăn tết, mẹ con bà Trâm đã cùng khóc trong niềm vui mong chờ tết này mau đến. “Tôi chỉ dám mua cho 2 đứa nhỏ mỗi đứa 2 bộ quần áo mới, mua một khúc vải may áo dài và 1 bộ đồ mới cho mẹ tôi. Còn vợ chồng tôi thì có gì mặc nấy. Quan trọng nhất là năm nay cả nhà tôi được đoàn tụ, ăn bữa cơm đoàn viên cùng mẹ và các anh em ở quê nhà”, bà Trâm chia sẻ.
Cùng tâm trạng chờ ngày về quê đón tết, bà Nguyễn Thị Sư (85 tuổi) và bà Hoàng Thị Thanh Tuyết (cùng quê Quảng Ngãi) đều khẳng định tết là phải về quê. Bà Tuyết tâm sự, dù khó khăn cỡ nào cũng phải về để dọn dẹp nhà cửa, nấu mâm cơm đón ông bà, và nhất là được “hít cái không khí quê” sau bao tháng ngày vất vả mưu sinh nơi thành thị. Trong căn nhà nhỏ ở phường 5, quận 8 (TPHCM), mẹ con chị Trần Thị Thảo (quê tỉnh Bến Tre) đang cùng ăn bữa cơm chiều đạm bạc với ít cá kho, dĩa rau luộc và tô canh cải. Từ ngày chồng mất do dịch Covid-19, gánh nặng gia đình một mình chị Thảo lo toan. Đều đặn mỗi ngày, cứ 4 giờ 30 sáng chị Thảo ra khỏi nhà để đi lấy thơm rồi chở về bày bán ở lề đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh). Tất cả tiền lời kiếm được, chị dành dụm lo cho con ăn học.
Những ngày cuối năm, dù việc buôn bán ế ẩm, nhưng chị Thảo cho biết với số tiền tích cóp, dành dụm được, tết này mẹ con chị sẽ về quê đón tết cùng người mẹ già. “Cách đây hơn 10 tháng, mẹ tôi té nhưng tôi chưa về thăm được. Năm trước khó khăn quá nên tôi không về, nhưng tết này thì phải về”, chị Thảo nói. Chị cũng đem chiếc xe máy cũ ra tiệm nhờ kiểm tra lại, để sau chuyến hàng ngày cuối năm, mẹ con chị sẽ chạy xe về quê sum họp gia đình.
Tết đâu cũng là tết
Chọn ở lại TPHCM đón tết, với ông Trần Văn Bảy (quê tỉnh Tiền Giang) là điều khó khăn. Bắt chuyến xe đi hơn 2 tiếng là ông có thể về đến quê đón tết cùng vợ và 3 đứa cháu mồ côi mẹ, nhưng ông không về. “Tụi nhỏ trông tôi về. Tôi cũng nghĩ nhiều đến niềm vui của ông cháu khi năm hết tết đến, nhưng gia đình còn thiếu trước hụt sau nên tôi chọn không về. Ở lại, tôi có thể kiếm thêm được ít tiền để ra tết lo cho tụi nhỏ”, cầm chiếc nón phe phẩy quạt để xua cái nóng buổi ban trưa, ông Bảy trải lòng.
Con gái mất do dịch Covid-19, để lại cho vợ chồng ông Bảy 3 đứa cháu nheo nhóc. Vợ chồng ông đưa 3 cháu về quê sinh sống. Vợ ông theo cháu về quê để tiện chăm sóc, còn ông bám trụ lại TPHCM để làm lụng, kiếm tiền lo cho các cháu ăn học. Ban ngày, ông Bảy rong ruổi đi bán vé số từ quận này qua quận kia; ban đêm ông xin làm bảo vệ ở một kho hàng tại quận 6 để có chỗ ngả lưng, tắm giặt. Vừa ăn phần cơm từ thiện, ông Bảy vừa nhẩm tính phần tiền kiếm được mấy hôm nay để nói vợ mua sắm quần áo mới cho các cháu mặc dịp tết. “Giờ công nghệ phát triển nên tôi có thể điện thoại thấy hình tụi nhỏ. Miễn thấy tụi nhỏ vui thì dù ở đâu, với tôi cũng là tết”, ông Bảy cười hiền, nói. Tan ca vào một ngày giáp tết, chị Huỳnh Thanh Nhã (quê tỉnh Quảng Nam, công nhân may tại KCX Tân Thuận) tấp xe vào một cửa hàng trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) đang bày bán quần áo trẻ con. Sau một hồi lựa chọn, chị mua 2 chiếc đầm hoa xinh xắn cho cô con gái đang học lớp 3.
“Hôm Công đoàn các KCX-KCN thành phố tổ chức chương trình “Ngày hội nghĩa tình - Tết đoàn viên”, tôi được nhận phiếu mua hàng 500.000 đồng và đã mua sắm cơ bản đồ dùng trong nhà những ngày tết. Nay mua thêm bộ quần áo cho con nữa là tết cũng tạm đủ. Năm nay, tôi và con ở lại thành phố đón tết để tiết kiệm tiền gửi về quê lo bệnh tình cho ba tôi”, chị Nhã chia sẻ. Hơn 2 tháng trước, bệnh tim của ba chị Nhã tái phát, mấy anh em chị Nhã đã cùng gom góp tiền để lo điều trị cho ba. Số tiền chị dành dụm để tết này về quê cũng vì thế không còn. Vậy là chị quyết định năm nay 2 mẹ con đón tết xa quê, dù với hoàn cảnh mẹ đơn thân, chị được xét trao tặng tấm vé nghĩa tình để về quê đón tết. Chị Nhã tâm sự, dù có buồn, nhưng đó là sự chọn lựa của chị. Mẹ con chị vẫn sẽ đón tết vui với các hoạt động nơi thành phố náo nhiệt và tràn đầy sức sống này.
“Tôi sẽ đưa con đi chơi Công viên Đầm Sen bằng phiếu tặng của tổ chức Công đoàn Thành phố. Rồi mẹ con tôi sẽ đi đường hoa Nguyễn Huệ. Tôi nghe nói về đường hoa nhiều rồi nhưng năm nay mới có cơ hội được đi”, chị Nhã vui vẻ khi nói về những dự tính sắp tới khi đón tết xa quê.
Nhìn 2 con háo hức soạn quần áo vào ba lô để chờ ngày về quê đón tết, lòng chị Trần Thị Thanh Ngà dâng lên bao cảm xúc khó tả. Tết năm ngoái, vì muốn kiếm thêm ít tiền trong những ngày tết, chị chọn ở lại TPHCM để làm việc. Công việc của chị là giúp việc theo giờ. Ngày tết, nhiều gia đình cần người giúp việc cần mẫn và nhanh nhẹn như chị nên sẵn sàng trả lương hậu hĩnh. Quê không xa, chỉ ở tỉnh Vĩnh Long, nhưng chị để chồng và 2 con về. Tết năm nay, chị Ngà chọn về quê dù có tiếc phần tiền công làm trong 3 ngày tết. 10 tháng trước, ba chị Ngà mất sau một cơn đột quỵ. Chị bàng hoàng và tiếc nuối cái tết cuối cùng căn nhà nhỏ còn bóng dáng ba. Hồi còn sống, tết nào ba chị cũng tự tay xuống bếp nấu món thịt kho trứng và làm mứt dừa để dành phần cho chị, bởi ông biết đây là 2 món chị ưa thích từ khi còn bé xíu. “Tết này tôi về, các anh chị cũng sẽ về đông đủ, nhưng quê nhà đã thiếu tiếng cười nói của ba. Năm nay, tôi sẽ tự tay làm mứt và kho thịt để đón ba về ăn tết với con cháu. Tôi sẽ nằm cái võng ba thường nằm ở hiên nhà để hóng cơn gió mát từ con sông nhỏ thổi vào”, chị Ngà tâm sự. Với chị, được về quê sống với kỷ niệm tuổi thơ là điều vô cùng quý giá.