Tết về trên khúc sông quê

Những ngày cuối năm, trời thường trở lạnh. Cái lạnh đưa tôi về những ký ức Tết quê…

Hồi ấy, nhà tôi day cửa về hướng Bắc. Mỗi năm, từ lúc lập đông kéo dài tới Tết, cái lạnh mặc sức ùa vào. Có năm, nhà tôi đón giao thừa trong cái lạnh sắt se.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ba tôi đốt một đống lửa giữa sân. Cúng kiếng xong, anh em tôi ra ngồi quanh đống lửa, vừa hơ cho ấm vừa nghe ba kể chuyện, toàn những chuyện hay. Kể tới sáng mùng Một mà vẫn chưa hết chuyện.

Năm nay gần Tết, tiết trời miền Nam cũng lạnh. Tôi nằm trong căn phòng trọ ở trung tâm thành phố mà cứ nghĩ là đang nằm trong căn nhà vách lá vạt tre ngày nào. Giật mình, dáo dác tìm mùi khói đống hun.

Tết miền Nam không thể thiếu hoa mai. Hồi trước, ba tôi cũng trồng mai. Tết đến, dù mai nở rất nhiều, rất đẹp nhưng má không cho đem ra chợ bán. Ai nỡ bán mai chớ! Má vẫn thường bảo thế.

Chỉ chờ đến những ngày cận Tết, ba tôi mới chiết từng cành mai vàng ươm, sai anh em tôi đem biếu người quen trong xóm. Má tôi ngồi nhìn theo, cười đôn hậu. Mãi sau này tôi mới hiểu, có những cái rất đáng quí, không thể nào bán mua đổi chác, chỉ để dành tặng cho nhau.

Mỗi lần nhớ về ba má, những điều dung dị ấy lại hiện về trong tôi. Tết quê, bàn thờ gia tiên chắc không thể nào thiếu nhành mai thắm.

Hồi nhỏ, những ngày cận Tết, thế nào tôi cũng được đi chợ với má và mấy chị một buổi. Nói là đi chợ chứ thực ra hầu hết thời gian tôi chỉ ngồi... giữ xuồng.

Trước đây, từ nhà tôi đi chợ huyện chỉ đi được bằng xuồng, chưa có đường bộ. Nhưng dù đi bằng gì, tôi cũng rất háo hức. Đêm đó, tôi trằn trọc lăn qua lăn lại suốt, có khi không chợp mắt được tí nào. Tôi tưởng tượng cái cảnh chợ búa tấp nập, tưởng tượng những món đồ mới sẽ được má mua cho mà lòng khấp khởi lạ lùng.

Tiếng gà gáy canh một vọng lên cuối xóm, tim tôi cũng nhói lên những cảm giác sung sướng. Đến khi gà gáy canh hai, má thức dậy kêu mọi người chuẩn bị. Tôi liền ngồi bật dậy như đã chờ đợi điều này từ lâu.

Tôi tự động đi đánh răng rửa mặt mà không cần ai hối thúc. Xong đâu đó, tôi ra cửa nhà ngồi chờ. Tôi sợ, nếu không ngồi ngay cửa, biết đâu mọi người quên tôi, không kêu tôi đi chợ.

Ba má và mấy chị soi đèn đi bắt gà để đem ra chợ bán, xong đâu đấy mới lục tục kéo xuống xuồng. Tôi được xếp cho ngồi giữa vì sợ lóc chóc lọt xuống sông. Thật ra mọi người lo xa, chứ những lần như thế tôi ngoan lắm, ngồi im re từ đầu đến cuối. Bơi xuồng tới bến chợ là tờ mờ sáng, má và mấy chị xách gà lên bán, tôi coi chừng xuồng.

Tôi ngồi một mình, ban đầu hơi sợ nhưng dần dần thấy quen. Tôi bắt đầu quan sát mọi thứ diễn ra xung quanh. Có mấy chị xuống sông vo gạo hay nếp gì đó trong cái thúng. Tôi đoán chắc họ chuẩn bị làm bánh tét bánh ít gì đây. Mấy chị khác thì mang quần áo, mùng mền ra bến sông ngồi giặt. Tiếng nói cười lanh lảnh một khúc sông.

Tôi nhìn ra dòng sông, nước chảy không nhanh lắm. Mấy đám lục bình trôi nhởn nhơ. Ánh nắng sáng chiếu vào làm cái sắc xanh của lá như mượt mà thêm. Những chiếc xuồng, chiếc ghe chở bông ra chợ bán, làm cho bến sông rực rỡ sắc màu.

Càng ngày ghe xuồng đậu vào bến chợ càng đông. Có mấy đứa nhỏ khác cũng ngồi coi chừng như tôi. Mặt đứa nào cũng ngơ ngác. Tôi đoán chắc bọn chúng cũng từ một con rạch, một con kênh nào đó vừa mới tới đây. Cũng như tôi, cái bến chợ đông đúc này làm chúng choáng ngợp.

Bán gà xong, chị tôi đổi xuống canh xuồng cho tôi lên sắm đồ Tết. Má dẫn tôi đi vào nhà lồng chợ. Tôi nắm chặt tay má, cứ sợ vuột tay ra là tôi sẽ bị lạc, không bao giờ về nhà được nữa.

Những món đồ Tết trưng bày la liệt khiến tôi say sưa dòm ngó. Má tôi dẫn đến chỗ bán dép, lựa cho tôi một đôi dép mới, loại nhựa cứng màu trắng. Tôi mang thử, thấy vừa vặn, thế là mua.

Mua dép xong má dẫn tôi đi mua một bộ quần áo, loại sọc ca-rô to, quần cụt áo ngắn tay. Tôi mặc thử, thấy rất thích, tính mặc luôn nhưng má tôi la. Má nói đồ này mua Tết mặc, mặc bây giờ tới Tết là cũ hết, không có hên. Tôi nghe lời.

Bộ đồ và đôi dép là tất cả những gì dành cho tôi trong một năm. Tôi nhớ rõ lời má dặn, là khi mặc Tết xong thì đồ mới, dép mới chỉ được mặc, mang đi học. Ngày thường ở nhà thì mặc mấy bộ đồ cũ. Điều đó đã quá quen thuộc với tôi.

Mua sắm xong mọi người lại lục đục xuống xuồng về nhà. Buổi chợ Tết vẫn thấp thoáng trong tâm trí tôi. Tôi nằm dài trên xuồng, tay vân vê bộ đồ còn thơm mùi vải mới, nghe tiếng dầm đều đều khua nước...

Với tôi, Tết luôn bắt đầu như thế, trên con sông quê yên ả, thanh bình.

Nhà văn Trương Chí Hùng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tet-ve-tren-khuc-song-que-d579591.html