Tết Việt trong lòng người xa xứ

Với những người con xa quê, việc trở về với gia đình những ngày cuối năm để cùng nhau sum vầy, chuẩn bị đón Tết có lẽ là điều được mong chờ nhất. Tuy nhiên, khoảng cách địa lý, những công việc còn dang dở và khiến nhiều người Quảng Trị đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài không thể về quê đón Tết. Tuy vậy, ở nơi xứ người bằng những tình cảm hướng về quê hương, đất nước mỗi kiều bào đều chủ động tâm thế đón Tết cổ truyền theo phong tục, tập quán của người Việt bằng cách riêng của mình.

 Trẻ em Việt Nam đón Tết cổ truyền tại Trường Việt ngữ Tokyo (Nhật Bản) - Ảnh: NVCC

Trẻ em Việt Nam đón Tết cổ truyền tại Trường Việt ngữ Tokyo (Nhật Bản) - Ảnh: NVCC

Những ký ức đong đầy

Với chị Trần Thị Bốn quê ở thôn Hảo Sơn, xã Gio An, huyện Gio Linh hiện đang sống ở thành phố Puteaux (Pháp), Tết Nguyên đán trong lòng người con xa Tổ quốc rất thiêng liêng và đặc biệt. Mỗi khi nhắc đến Tết, chị lại thấy bồi hồi, xúc động.

“Tết trong tôi là sáng 30 thức dậy thật sớm để mẹ dẫn mấy chị em đi chợ, là nhìn thấy sự vui vẻ, hạnh phúc giản đơn trên gương mặt cha tôi khi xong xuôi công việc đồng áng để trở về dọn dẹp nhà cửa và tất bật chuẩn bị cho mâm cỗ tất niên. Khi còn ở Việt Nam, mỗi lần Tết đến, chị em tôi được mẹ phân công rửa lá dong và ngồi đãi hàng chục lon nếp, đậu xanh để chuẩn bị nguyên liệu cho cha tôi gói bánh chưng. Có năm làm công việc ấy vào lúc trời rét buốt, với chúng tôi quả là một “cực hình”. Nhưng bây giờ xa quê, tôi ao ước được sống lại cảm giác đó! Tất cả những điều ở nhà trước kia tưởng bình thường, thậm chí có lúc chán ghét giờ lại trở thành nỗi nhớ khôn nguôi. Kỷ niệm về những cái Tết ở quê hương vẫn luôn đong đầy trong tôi…”, chị Bốn chia sẻ.

Hơn 10 năm xa quê nhưng chỉ mới một lần chị Bốn cùng chồng và các con về thăm quê hương vào đúng dịp Tết Nguyên đán 2016. Những năm sau này, các con chị bắt đầu đi học, chồng chị cũng không được nghỉ làm vào thời điểm Tết cổ truyền ở Việt Nam nên gia đình chị không thể về quê ăn tết được. Vì thế, chị luôn cố gắng để được đón Tết cổ truyền dân tộc nơi xứ người một cách tươm tất nhất. Vùng chị Bốn sinh sống rất ít người Việt nên mỗi lần muốn có nguyên liệu nấu món ăn truyền thống quê hương, chị Bốn đều phải lặn lội hàng trăm cây số đi đến khu chợ người Hoa để mua sắm. Dù vậy, năm nào đến tết, chị cũng đi đến khu chợ người Hoa để tự tay lựa chọn nguyên liệu, chuẩn bị bữa cơm tất niên với nhiều món ăn Việt Nam như bánh chưng, bánh lọc, nem cuốn, cá kho hay làm dưa giá, thịt luộc…để ăn với cơm nấu bằng gạo tẻ. Dù không thể cảm nhận được một cách trọn vẹn không khí vui tươi, rạo rực của ngày Tết như ở quê hương nhưng điều đó cũng khiến chị phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ quê. Chị Bốn cẩn thận hướng dẫn hai cô con gái nhỏ năm nay học lớp 4 và lớp 1 cách sắp xếp mâm ngũ quả, cắm hoa để cúng tất niên. Gia đình chị cũng thường xem các chương trình VTV4 của Đài Truyền hình Việt Nam trong đêm giao thừa.

 Gia đình chị Trần Thị Bốn thường đi chùa Khánh An (ở Pháp) vào sáng mồng 1 Tết Nguyên đán - Ảnh: NVCC

Gia đình chị Trần Thị Bốn thường đi chùa Khánh An (ở Pháp) vào sáng mồng 1 Tết Nguyên đán - Ảnh: NVCC

Gia đình anh Lê Tiến Triển và chị Lê Thị Hằng, quê ở thôn Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong đã có 6 năm sống ở thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa (Nhật Bản). Anh Triển hiện là kỹ sư nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật của Tập đoàn Hitachi, chị Hằng là giáo viên dạy tiếng Việt cho người Nhật ở Trường Đại học Ferris. Hiện vợ chồng anh Triển có một con trai lên 5 tuổi nhưng kể từ khi kết hôn đến nay chưa một lần vợ chồng anh được về quê ăn tết. Lý do đơn giản là vì người Nhật đón tết dương lịch nên dịp Tết cổ truyền của Việt Nam ở Nhật Bản vẫn làm việc bình thường. Vì thế, để có một cái tết ở xứ người, gia đình anh thường tham gia các hoạt động của cộng đồng người Việt ở Nhật Bản. “Năm nay do COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở Nhật nên các hoạt động tụ tập đông người đều tạm dừng, vì thế chúng tôi sẽ không được đón tết với bạn bè đồng hương như những năm trước. Cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản luôn có những lễ hội vui xuân, đón tết vào những ngày cận kề Tết Nguyên đán của người Việt bằng các chương trình âm nhạc, ẩm thực, trang phục và các trò chơi dân gian của người Việt. Sau phần lễ nghi, chúng tôi sẽ cùng nhau đến một nhà hàng ẩm thực Việt ở Nhật Bản để thưởng thức các món ăn truyền thống của quê hương. Cũng có năm chúng tôi lại tụ tập ở một khu vực tập trung để sinh hoạt tập thể. Mỗi gia đình sẽ tự chế biến một vài món ăn trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc rồi cùng mang đến góp vui để mọi người cùng quây quần thưởng thức…”, chị Hằng cho hay. Điều thuận tiện nhất là bây giờ muốn thưởng thức một món ăn hay tìm mua một nguyên liệu để nấu món Việt trên đất Nhật tương đối thuận lợi, các cửa hàng cung cấp đồ ăn, thực phẩm Việt phục vụ trực tuyến luôn đáp ứng mọi nhu cầu.

Gìn giữ nguồn cội qua tiếng Việt

Ngoài vai trò là giáo viên dạy tiếng Việt cho người Nhật ở Trường Đại học Ferris, từ tháng 7/2016 đến nay chị Hằng còn dạy học tại Trường Việt ngữ Tokyo – ngôi trường duy nhất dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam sinh ra, lớn lên ở đất nước mặt trời mọc.

Không chỉ giảng dạy tiếng Việt bằng việc chú trọng kỹ năng đọc, viết chị Hằng và các giáo viên Trường Việt ngữ Tokyo còn sáng tạo đưa các hoạt động như múa hát, diễn kịch, tìm hiểu văn hóa và lịch sử của đất nước Việt Nam qua các trò chơi dân gian vào chương trình dạy học. Bên cạnh các lớp học tiếng Việt cho trẻ từ 4 đến 13 tuổi, trường cũng có các buổi chia sẻ kiến thức với các bậc phụ huynh người Việt sinh sống ở Nhật Bản về kinh nghiệm chọn trường và thi vào cấp 2 cho con, cân bằng việc nhà và việc công ty, trẻ em và công nghệ thông tin, đọc sách và thư giãn… giúp cha mẹ gần gũi với con cái hơn. Với cách truyền đạt lôi cuốn, dễ hiểu, chị Hằng và các giáo viên của trường đã tạo được không khí tươi mới, hứng thú để trẻ em Việt Nam sinh sống trên đất Nhật được học tiếng Việt một cách tự nhiên, nhẹ nhàng từ những nét chữ đầu tiên cho đến khi các bạn trẻ biết đọc và viết lưu loát. Điểm đặc biệt của ngôi trường này là ngoài chương trình giảng dạy chính khóa trên lớp, có nhiều bố mẹ Việt còn dành thời gian cùng tham gia các hoạt động ngoại khóa về văn hóa Việt với các bạn nhỏ như cắm trại hè, vui Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, tham gia festival Việt Nam tại Nhật Bản…Chị Hằng chia sẻ: “Động lực để tôi gắn bó với ngôi trường này đó là xem trường như một chiếc cầu nối gần hơn Nhật Bản với quê hương Việt Nam. Chúng tôi muốn nhắn nhủ với các phụ huynh, giữ tiếng “mẹ đẻ” và văn hóa Việt Nam là gìn giữ cội nguồn. Đến nay, nhiều em học sinh đã ra trường vẫn về lại trường tham gia các hoạt động kết nối cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản. Ngôi trường này khiến chúng tôi thấy quê nhà gần mình hơn”.

 Gia đình anh Lê Tiến Triển và chị Lê Thị Hằng ở Nhật Bản - Ảnh: NVCC

Gia đình anh Lê Tiến Triển và chị Lê Thị Hằng ở Nhật Bản - Ảnh: NVCC

Đối với chị Bốn, vì chồng chị là người Pháp, công tác trong lĩnh vực khí đốt nên thường xuyên xa nhà. Do đó, chị Bốn dành phần lớn thời gian chăm sóc các con. Cũng nhờ gần gũi mẹ nên dù sống trong môi trường văn hóa châu Âu nhưng các con chị đều nói được tiếng Việt và biết khá nhiều về văn hóa Việt. Chị Bốn cho hay: “Thời điểm giao thừa ở Việt Nam, ở Pháp khoảng 18 giờ, đều đặn hơn 10 năm qua, thời khắc này tôi luôn dành thời gian để cùng các con gọi điện về chúc năm mới ông bà ngoại, các dì, cậu ở Việt Nam qua messenger, sau đó tôi sẽ lì xì cho các con để ông bà ngoại chứng kiến. Sáng mồng 1 Tết, tôi thường đánh thức các con dậy sớm, mặc áo quần đẹp và cả gia đình cùng nhau đi chùa Khánh An – một ngôi chùa lớn tại Pháp. Đây là cách tôi dạy con mình biết phong tục truyền thống và ghi nhớ tiếng mẹ đẻ. Bây giờ, hai cô con gái nhỏ của tôi cũng nói được kha khá tiếng Việt. Tuy các con được sinh ra, lớn lên ở Pháp nhưng tôi muốn con mình luôn ghi nhớ Việt Nam là quê hương, tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ của cháu. Mỗi lần gọi điện về Việt Nam cho bà ngoại, thấy cháu nói được tiếng Việt, mẹ tôi mừng và xúc động lắm!”.

Với mỗi người Việt xa quê, ký ức, tình yêu quê hương khiến họ càng trân trọng những giây phút bình yên bên gia đình, người thân; nâng niu những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương mỗi dịp Tết đến xuân về. Anh Lương Văn Giảng, quê ở thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt, huyện Gio Linh hiện đang sống ở thành phố Eskilstuna (Thụy Điển) chia sẻ: “Xa quê nhớ tết, mỗi lần như vậy tôi thường tranh thủ dẫn các con đi đến những khu chợ người Việt. Tuy không tấp nập như ở Việt Nam, nhưng những khu chợ này giúp kiều bào cảm thấy ấm lòng nơi xa xứ vào dịp lễ, tết. Đến đây, chúng tôi có thể ngắm những tà áo dài tung bay, tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm của doanh nhân Việt ở Thụy Điển, xem múa lân, ca nhạc…Các con tôi cũng thích thú với các trò chơi vui nhộn như đu quay, ném lon, ném tiền cắc, bắn thú bông...Và đặc biệt là mọi người có thể thoải mái giao tiếp, chuyện trò với nhau bằng tiếng Việt. Không khí ấy khiến chúng tôi cảm thấy ấm áp, gần gũi với nhau hơn vì có thể tìm lại được bản sắc, truyền thống quê hương qua tiếng mẹ đẻ.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=155420