Tết Việt trong lòng những người con xa xứ
Sống ở những miền đất lạ, dịp Tết đến xuân về, những người con xa xứ vẫn phải bộn bề lo toan công việc nơi xứ người. Thế nhưng, trong sâu thẳm tất cả những người Việt xa quê hương hình ảnh hoa đào, hoa mai, bánh chưng, bánh tét… đã ăn sâu vào máu thịt.
Nhớ những món ăn quê hương da diết
Từng là tiếp viên hàng không tại Đài Loan (Trung Quốc), hiện sinh sống ở New York (Mỹ), gần 42 năm sống ở nước ngoài, mỗi khi Tết đến xuân về, chị Hương Linh lại rưng rưng. Chị chia sẻ: "Lúc nào cảm xúc về quê hương cũng đầy tim. Ngày ở Trung Quốc, tôi vẫn đón Tết theo truyền thống của Việt Nam, nhưng khi sang Mỹ thì ít có điều kiện hơn. Bởi muốn ăn những món Việt Nam, tôi sẽ cùng chồng chạy xe ô tô cả ngày mới mua được thực phẩm nên khi ở Mỹ chủ yếu là tưởng nhớ".
Chị Hương Linh cho biết, không khí đón Tết của người Việt ở Mỹ đơn giản vì nhiều người làm trong các công sở không được nghỉ như tại Việt Nam. Tuy nhiên, không khí Tết vẫn nhộn nhịp hơn ngày thường. Dù có những trở ngại nhất định, nhưng vào dịp Tết, cộng đồng người Việt tại Mỹ vẫn gặp gỡ nhau tổ chức gói bánh chưng, làm giò chả, nem... các món ăn truyền thống.
Mặt khác do lệch múi giờ (12 tiếng) nên một số người Việt vẫn phải làm việc trong thời khắc giao thừa. Sau giờ làm, họ về nhà thường dành thời gian xem không khí Tết trong nước, nói chuyện với người thân, bạn bè qua các phương tiện liên lạc hiện đại.
Xa quê lâu nhưng nỗi nhớ quê với chị Hương Linh lúc nào cũng vẹn nguyên như mới ngày hôm qua. Những món ăn mà chị nhớ nhất, đó là "phở, bánh xèo, bún mắm, bún riêu, cơm sườn, nem bì, chả giò… Chị bảo: "Những món này, ngày xưa hay được ăn lắm đến bây giờ vẫn nhớ mãi hương vị của nó. Thỉnh thoảng có cơ hội tôi vẫn làm những món ăn của Việt Nam post trên Facebook nhận like, comment rất thích thú. Bây giờ thỉnh thoảng vẫn nấu bún riêu hoặc làm bánh xèo, phở để cùng gia đình thưởng thức".
Nhớ dáng mẹ lom khom bên góc bếp
Anh Mai Văn Cộng (ở Berlin, Đức) lại chia sẻ nỗi nhớ về những kỷ niệm rất giản dị, rất đỗi thân quen như bếp lửa mỗi chiều của mẹ. Những ngày Tết đến xuân về, anh nhớ dáng mẹ lom khom nơi góc bếp bỗng thấy lòng ấm áp lạ thường.
"Mỗi lần có dịp về thăm quê, chỉ cần về đến hiên nhà, thấy mẹ nấu cơm bên bếp lửa, bao nhiêu buồn tủi của những ngày tháng đi xa chợt tan biến. Nhớ cả khung cửa sổ tuổi thơ quen thuộc, từng ngắm nắng, ngắm mưa quê nhà trong lúc đợi mẹ trở về", anh Cộng nói.
Thời gian đầu mới sang Đức, cứ đến dịp Tết Nguyên đán, anh thú nhận đã phải khóc vì nhớ nhà, bởi thấy mình bất lực trước nỗi nhớ. Cảm giác sống giữa những người xa lạ, không thấy "mùi vị" của Tết khiến anh cô đơn, lạc lõng. "Nhớ hoa đào, hoa mai, nhớ mùi bánh chưng, mùi giò… nhiều lắm. Nhớ cả nồi nước lá tắm mẹ vẫn thương nấu cho mỗi dịp cuối năm, mùi vỏ bưởi, lá hương nhu, lá sả thơm lừng… Nhớ đến da diết!", anh Cộng tâm sự.
Những năm sau đó, khi đã thân quen và gia nhập với cộng đồng người Việt tại Đức, anh Cộng tham gia vào các sự kiện Tết Việt được tổ chức tại nước bạn. Anh Cộng chia sẻ: "Chúng tôi cùng nhau tập trung ở một trung tâm tổ chức sự kiện Berlin tổ chức bữa cơm gặp mặt, ăn toàn món Việt. Tổ chức các chương trình văn nghệ mang đậm nét truyền thống văn hóa dân tộc như tiết mục dân ca quan họ, múa quạt, thậm chí có cả hát chèo văn… Ai cũng vui mừng vì được sống trong không khí ấm cúng của Tết Việt. Nhưng tất nhiên khi chia tay ai về nhà nấy thì cảm giác nhớ quê, nhớ nhà lại ùa về và sự bùi ngùi ấy lại trỗi dậy".
Những ngày xa quê là thức trắng đêm đón Tết
Xa quê là chuỗi ngày dài nhung nhớ, anh Hoàng Tùng (làm việc ở thành phố Gimhae, Hàn Quốc) chia sẻ: "Tết đến là nỗi nhớ nhà bùng phát giữ dội nhất vì cảm thấy lực bất tòng tâm, vì công việc không cho phép".
Theo anh Tùng, Tết đầu năm ở Hàn Quốc và Tết cổ truyền của Việt Nam trùng nhau nhưng ở Hàn Quốc, việc đón Tết chỉ gói gọn trong 3 ngày. Đêm giao thừa, các gia đình thường quây quần bên nhau, không ai ngủ mà thức luôn đến sáng vì người Hàn tin rằng ngủ trong đêm giao thừa lông mày sẽ bạc trắng. Họ thức để làm hai phong tục, một là treo một cái sàng đuổi quỷ dạ quang lên trước cửa nhà để quỷ dạ quang không bén mảng đến lấy dép trẻ em (tránh xui xẻo cho năm mới); Hai là, đón mua đấu gạo may mắn treo trước cửa nhà hoặc trong bếp để cầu mong phúc đến cả năm.
"Gia thừa năm nào em cũng thức trắng đêm. Không phải thức vì thực hiện hai phong tục đó của Hàn Quốc mà để đón hai giao thừa. Đầu tiên là thức để đón giao thừa theo giờ Hàn Quốc. Sau đó, tiếp tục thức chờ thêm 2 giờ nữa để đón giao thừa Việt Nam", anh Tùng chia sẻ.
Để đón Tết cổ truyền ở xứ Hàn, anh Tùng cho biết, cộng đồng người Việt trong khu vực cùng sinh sống thường lên kế hoạch từ trước để đến ngày 29 Tết được nghỉ sẽ gặp nhau. Mọi người cùng đi chợ, mua bánh chưng, giò chả... Còn nếu muốn chế biến những món theo đúng ý có thể đến trại người Hàn Quốc mua lợn, nhờ họ thịt sẵn để mang về chế biến, làm giò, chả, gói bánh chưng… Một số nguyên liệu không có thì sẽ dùng nguyên liệu tương tự để thay thế. Ví dụ lá dong không có để gói bánh chưng, bánh tét thì thay bằng lá chuối đông lạnh được nhập khẩu từ Thái Lan, hoặc không có lạt sẽ phải thay bằng sợi.
Sau đó, mọi người cùng nhau đợi đến giờ khắc giao thừa, mỗi người chọn cho mình một góc để gọi điện về cho người thân. Sau đó, cùng nhau ngồi chơi tám chuyện về quê hương hoặc đi hát cho tới sáng. Sáng mùng 1 vẫn theo phong tục của Việt Nam, đến nhà người thân, người quen chúc Tết, rồi đón tiếp bạn ở xa đến chơi, đi siêu thị, công viên, đến các địa điểm giải trí...
"Mặc dù đón Tết tại Hàn Quốc vật chất không thiếu thốn, nhưng cái Tết xa nhà rất buồn, vì không khí xung quanh vẫn như mọi ngày. Tết đến nhớ hoa đào, hoa thược dược mà mẹ vẫn mua; nhớ không gian quê nhà nhộn nhịp những ngày xuân sang. Có không ít cái Tết gọi điện về cho gia đình đã phải cầm nước mắt vì cảm xúc bùi ngùi cứ trào dâng…", anh Tùng ngậm ngùi.
Muôn vàn tâm sự ẩn đằng sau nỗi nhớ nhà của những người con đất Việt sống nơi xứ người. Nỗi nhớ nhà có thể bị khỏa lấp bởi bao bộn bề cuộc sống nhưng nó vẫn âm ỉ trong lòng, chỉ đợi thời cơ để trỗi dậy. Chỉ có phút giây được trở về bên gia đình, hưởng ấm áp của tình thân mới làm nỗi nhớ cồn cào ấy tan biến.
Dù sống trong điều kiện nào thì cộng đồng người Việt ở các nước trên thế giới vẫn hướng lòng mình về với Tổ quốc. Điều đó giống như những sợi dây kết nối Việt Nam với kiều bào nước ngoài trên toàn thế giới, người Việt có đi muôn phương vẫn không quên được cội nguồn dân tộc.
Người Việt có đi muôn phương vẫn không quên được cội nguồn dân tộc, vẫn hướng lòng mình về với Tổ quốc.