Tết Việt và những điều khiến người nước ngoài mê mẩn

Người nước ngoài ăn Tết Việt đều ấn tượng với nét đẹp truyền thống của người Việt, thậm chí họ còn yêu không khí Tết tĩnh lặng của Hà Nội.

Những con phố rực rỡ sắc màu, đào đỏ, mai vàng, bánh chưng xanh, lì xì... và nhiều phong tục độc đáo đã để lại rất nhiều ấn tượng tốt đẹp với những người nước ngoài, nhất là đối với những người sống tại Hà Nội - thủ đô ngàn năm văn hiến, nơi lưu giữ đầy đủ nhất cái hồn của Tết truyền thống Việt Nam.

Yêu không khí tĩnh lặng của Thủ đô những ngày Tết

Anh Andrew (Scotland) đã có 2 năm sống tại Việt Nam và 2 lần đón Tết ở Hà Nội kể lại ấn tượng về cái Tết đầu tiên rằng, dù nghe nói Tết chỉ diễn ra trong 3 ngày nhưng với anh nó như kéo dài cả tháng vậy.

“Tôi thích không khí nhộn nhịp những ngày trước Tết, khi mà người dân Thủ đô nô nức đi mua sắm đồ, những con phố rực rỡ ánh đèn vàng đỏ, nhất là phố Hàng Mã. Bạn có thể thấy hoa đào và quất ở khắp mọi nơi và bắt gặp cảnh người dân chở quất và đào trên xe máy hay trên xe hơi của họ đi khắp phố phường”, Andrew nói.

Anh Andrew (Scotland) đã có 2 năm sống tại Việt Nam và 2 lần đón Tết ở Hà Nội kể lại ấn tượng về cái Tết đầu tiên rằng, dù nghe nói Tết chỉ diễn ra trong 3 ngày nhưng với anh nó như kéo dài cả tháng.

Anh Andrew (Scotland) đã có 2 năm sống tại Việt Nam và 2 lần đón Tết ở Hà Nội kể lại ấn tượng về cái Tết đầu tiên rằng, dù nghe nói Tết chỉ diễn ra trong 3 ngày nhưng với anh nó như kéo dài cả tháng.

Andrew cũng chia sẻ rằng đó là lần đầu tiên anh hiểu được ý nghĩa ngày Tết của người Việt. Anh thấy được sự quan trọng của gia đình trong nét văn hóa của người Việt khi được chứng kiến bầu không khí sum vầy của những người làm việc xa quê hương, nay trở về đón Tết với gia đình. Đó là ý nghĩa của Tết người Việt khiến cho Andrew ấn tượng nhất.

Tuy nhiên, cũng có điều anh không thích, đó là việc người Việt uống quá nhiều rượu mỗi djp Tết về. “Tôi đã được đón Tết cùng với gia đình của bạn mình là người Việt Nam. Chúng tôi đã cùng nhau ăn tất niên và đếm ngược đón giao thừa. Đó cũng là một điểm chung với quê hương Scotland của tôi. Tuy nhiên tôi thấy người Việt uống nhiều rượu và trong nhiều ngày liên tục. Bạn tôi còn bị say và khiến người nhà phải chăm sóc rất mệt mỏi. Mà những ngày vui như thế này thì rất khó để từ chối những ly rượu của người thân, bạn bè, đồng nghiệp…”

Andrew cùng bạn bè của mình đón Tết tại Việt Nam.

Andrew cùng bạn bè của mình đón Tết tại Việt Nam.

Cũng giống như những người dân Hà Nội, Andrew rất thích bầu không khí yên bình của Thủ đô trong những ngày Tết. Đối với anh, đó là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm. “Tôi yêu những đường phố vắng bóng người, vắng tiếng còi xe. 2 năm ở Việt Nam, tôi thường xuyên gặp cảnh tắc đường, xe cộ quá nhiều và âm thanh của phương tiện giao thông inh ỏi. Trước Tết, không khí nhộn nhịp hơn nhưng còn thú vị vì cảnh quan được trang trí bắt mắt, hoa đào và quất khắp nơi. Nhưng chỉ trong vài ngày Tết này, tôi mới thực sự cảm nhận được nét đẹp của Thủ đô Việt Nam, yên bình, không khói bụi, mọi bộn bề lo toan của cuộc sống như được tạm gác lại”, Andrew chia sẻ thêm.

Xiêu lòng trước những cánh đào mỏng manh và ẩm thực độc đáo

Còn với Davidson, Tết Việt đối với anh lại là những trải nghiệm vô cùng khác biệt. Ấn tượng lớn nhất với Davidson là nét độc đáo trong ẩm thực của người Việt những ngày Tết về. Davidson nói: “Ở Hà Nội thì mọi người đa phần sẽ dành thời gian để quây quần bên gia đình, cùng nhau ăn những món ăn ngon như bánh chưng, mứt, lạp sườn… Tôi đã cùng gia đình bạn mình đón Tết ở Hà Nội trong 3 ngày, cùng nhau thưởng thức rượu làm từ gạo, thứ mà tôi chưa từng được thử trước đó khi còn ở Scotland”.

Ấn tượng lớn nhất với Davidson là nét độc đáo trong ẩm thực của người Việt những ngày Tết về.

Ấn tượng lớn nhất với Davidson là nét độc đáo trong ẩm thực của người Việt những ngày Tết về.

Dù ăn Tết ở Việt Nam, nhưng Davidson vẫn cảm thấy cái Tết của người Việt gợi cho anh nhớ về ngày đón năm mới tại quê hương Scotland của mình vì có một số nét tương đồng. Davidson cho biết ở Scotland, lễ mừng năm mới không dài bằng Tết của người Việt Nam, và tất nhiên người Scotland không ăn mừng năm mới theo âm lịch giống người Việt. Chỉ có một ngày trước Tết ở Scotland được gọi là "Hogmanay". Vào ngày “Hogmanay”, cả gia đình và bạn bè của anh cùng nhau ăn tất niên và sau đó đợi đến nửa đêm để đón năm mới.

Davidson còn so sánh, vào thời khắc chuyển giao, người Scotland hát một bài hát với tên gọi "Auld Lang Syne". Bài hát này có ý nghĩa như ca khúc “Khúc giao mùa” của người Việt Nam vậy.

Davidson chia sẻ thêm rằng sau 2 năm đón Tết ở Việt Nam, anh đã bị vẻ đẹp của hoa đào làm cho mê mẩn. Cũng vì xiêu lòng trước những cánh đào mỏng manh nên có 1 năm Davidson đã rời Hà Nội đến vùng cao Mai Châu và Pù Luông để ngắm hoa đào bung nở tại rừng thay vì ngắm hoa được cắt thành cành trang trí ở Hà Nội.

Trong chuyến đi này, Davidson đã có dịp được tìm hiểu nét văn hóa đón Tết của các dân tộc thiểu số của Việt Nam. Từ chuyến đi này, anh có thêm nhiều trải nghiệm và kiến thức hơn về đất nước hình chữ S mà anh coi như quê hương thứ hai của mình.

“Sau khi đón Tết tại Hà Nội, tôi cùng bạn mình du lịch lên Mai Châu và Pù Luông để trải nghiệm Tết ở vùng cao. Thực sự cảnh vật rất đẹp khi các loài hoa đua nở vào mùa xuân, một vẻ đẹp hoang sơ và thơ mộng rất khác với Hà Nội.

Đặc biệt, tôi đã cùng đi ngắm cảnh và ăn uống với các gia đình trong khu dân tộc thiểu số. Họ có trang phục rất khác với người dân thủ đô, có vẻ cầu kỳ và màu sắc rực rỡ hơn. Cách ăn uống của họ cũng khác với người Hà Nội. Tuy nhiên tôi thấy tất cả các món ăn ở đây đều rất tuyệt vời. Tôi luôn kể lại với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp của mình rằng đó là tuần ăn ngon nhất mà tôi từng có!”, Davidson chia sẻ.

Thích được nhận phong bao lì xì đầu năm mới

Đến từ một quốc gia Châu Á có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, Miyu (Nhật Bản) đang háo hức đón Tết 2020 tại Hà Nội chia sẻ: “Năm nay là năm đầu tiên tôi đón Tết tại Việt Nam. Tôi có rất nhiều bạn là người Nhật đang sinh sống tại Hà Nội, các bạn kể cho tôi rằng vào những ngày Tết sẽ có rất nhiều các bữa tiệc, từ tiệc trong gia đình đến tiệc với bạn bè, đồng nghiệp. Tại công ty của tôi, mọi người đã lên kế hoạch để sum họp cùng nhau nên tôi thực sự phấn khích mong chờ đến Tết, có lẽ sẽ rất thú vị”, Miyu háo hức.

Miyu (Nhật Bản) đang rất háo hức được đón Tết cổ truyền của Việt Nam và nhận lì xì.

Miyu (Nhật Bản) đang rất háo hức được đón Tết cổ truyền của Việt Nam và nhận lì xì.

Khi được hỏi về ngày Tết ở quê hương mình, Miyu chia sẻ, ở Nhật Bản không chúc mừng năm mới theo âm lịch. Vì vậy, chỉ có ngày 1/1 là ngày năm mới nhưng đây lại là một ngày hết sức bình thường đối với người dân Việt Nam. Miyu đã rất ngạc nhiên vì không có lễ kỷ niệm nào đặc biệt vào ngày 1/1 ở Hà Nội, ngoài các chương trình ca nhạc. Cô đã nhiều lần thắc mắc liệu đây có phải là năm mới không khi mà người Việt Nam lại sinh hoạt như những ngày bình thường vào ngày 1/1. Ở quê hương Nhật Bản của Miyu, ngày 1/1 được gọi là ngày Hồi Gantan. Mọi người sẽ đi đến đền thờ để thực hiện một điều ước của năm và đoàn tụ gia đình. Đồng thời, 1/1 cũng là ngày Hatsuuri, có nghĩa là ngày đầu tiên bán hàng. Vì vậy, nhiều cửa hàng sẽ bán Fukubukuro, có nghĩa là túi may mắn để người mua nó sẽ có một năm thuận lợi.

Miyu cũng chia sẻ rằng cô rất mong chờ ngày Tết đến để được nhận lì xì. Với Miyu thì tiền lì xì được đựng trong bao màu đỏ rất bắt mắt, và nó thể hiện được tình cảm của người tặng lì xì dành cho mình.

“Với tôi, lì xì có lẽ là nét nổi bật nhất trong Tết cổ truyền Việt Nam, vì theo tôi biết, lì xì được coi như một điều may mắn người tặng muốn gửi tới người nhận. Người lớn lì xì con trẻ để con trẻ chăm ngoan, khỏe mạnh, nghe lời. Lì xì người lớn tuổi để họ sống lâu cùng con cháu, lì xì bạn bè để chúc nhau một năm thành công. Tết năm nay tôi cũng đã chuẩn bị lì xì để tặng cho bạn bè mình ở Việt Nam rồi”, Miyu vui vẻ.

Tết là một dịp được nhiều người Việt mong chờ, nhưng trong con mắt của người nước ngoài, việc chuẩn bị cho Tết là một việc tương đối vất vả đối với phụ nữ Việt. Miyu (Nhật Bản) cho biết cô đã từng được nghe người bạn Việt Nam của mình kể rằng vào ngày Tết, phụ nữ Việt phải làm rất nhiều việc như mua sắm, nấu nướng, chăm sóc gia đình, dọn dẹp nhà cửa. Cô nói: “phụ nữ Việt có lẽ giống phụ nữ Nhật ở việc phải chăm lo quá nhiều cho gia đình, trong khi đàn ông thì ít phải làm việc đó hơn. Tết năm nay tôi ở Việt Nam và chắc chắn tôi sẽ phụ giúp gia đình của bạn mình tất cả các công việc như dọn dẹp, trang trí nhà cửa, nấu các món ăn và có thể tôi sẽ góp vài món ăn Nhật Bản vào thực đơn Tết của gia đình”.

Anh Grant (New Zealand) đã có nhiều năm sinh sống ở Việt Nam lại có ý kiến khác. Grant cho biết: “Trước đây thì phụ nữ sẽ phải nấu nướng, làm rất nhiều các món ăn. Nhưng những năm gần đây, khi tôi đến thăm nhà bạn bè của tôi, tôi thấy phụ nữ trong gia đình cô ấy được tự do làm những việc mình muốn và rất vui vẻ trong ngày lễ Tết. Thay vì nấu ăn và làm các công việc gia đình, tôi thấy họ sử dụng dịch vụ thuê dọn dẹp nhà cửa. Cùng với đó là lưu trữ những thực phẩm chế biến sẵn chứ không nhất thiết phải vào bếp nấu nướng mỗi ngày như trước đây”./.

CTV Ngọc Mai/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tet-viet-va-nhung-dieu-khien-nguoi-nuoc-ngoai-me-man-1001574.vov