Tết vọng tổ tiên

Quê tôi thuộc miền Trung, cư dân, họ mạc sống quần cư sau lũy tre làng nên vẫn còn lưu giữ một số phong tục cổ truyền, nhất là trong những ngày Tết. Nhân dịp năm mới, tôi xin kể lại một số phong tục gắn với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, ngõ hầu phục vụ quý độc giả trong lúc 'trà dư tửu hậu'.

“Sửa nhà” cho các cụ đón Tết

Ấy là cách gọi vui của con cháu, chứ thực ra là việc tu tảo phần mộ ông bà, tổ tiên để đón năm mới. Ở quê tôi, các dòng họ thường chọn một ngày trong tháng Chạp để thực hiện hoạt động tâm linh này.

Sáng sớm, khi hơi sương vẫn còn quấn lấy những cành cây, ngọn cỏ thì đàn ông, con trai trong họ đều tập trung đông đủ tại nhà thờ, từ đường. Sau khi mọi người đứng nghiêm cẩn trước ban thờ, bác trưởng họ với áo dài khăn đóng cầm 3 nén nhang kính cáo xin phép ông bà, tổ tiên được phép tiến hành tu tảo phần mộ. Nghi lễ kết thúc, mọi người khởi hành hướng về khu vực nghĩa địa. Dụng cụ gồm có dao rựa, cuốc xẻng để dọn cỏ, đắp đất, phát quang bụi rậm. Riêng các cụ cao niên thì mang theo thẻ nhang, chai rượu để cúng kiếng. Tại khu mộ tổ, trước sự chứng kiến của mọi người, bác trưởng họ thành kính đọc bài cáo với nội dung: “Hôm nay ngày… Chúng con thành kính dâng hương đăng trà quả trước khi tiến hành tu tảo phần mộ để đón năm mới! Kính mong hương linh chư tổ phù hộ cho dòng họ được an khang, hạnh phúc; con cháu tiến bộ, sum vầy”. Trong lúc mọi người cùng chung tay tu tảo khu mộ tổ, bác trưởng họ kể lại công lao khai khẩn đất đai, lập làng, lập miếu và những câu chuyện thú vị liên quan đến người đứng đầu dòng họ.

Sau khi xong việc ở khu mộ tổ, bác trưởng họ trịnh trọng mở tấm sơ đồ mộ chí hướng dẫn mọi người biết được vị trí các phần mộ để tiến hành tu sửa. Mặc dù con cháu mỗi người một ngành nghề, công việc khác nhau nhưng tất cả đều tham gia lao động rất khẩn trương, nhiệt tình nhằm thể hiện tấm lòng thành đối với người đã khuất.

Gói bánh chưng, bánh tét ngày Tết. Ảnh: Hoàng Hải

Gói bánh chưng, bánh tét ngày Tết. Ảnh: Hoàng Hải

Mặt trời lên cao thì công việc tảo mộ cũng hoàn tất. Mọi người trở về nhà để sửa soạn mâm cỗ dâng cúng ông bà, tổ tiên. Sau đó tất nhiên là bữa tiệc giao lưu giữa những người họ hàng quanh năm đầu tắt mặt tối, những đứa con xa quê nay mới có dịp đoàn tụ gia đình.

Mừng tuổi ông bà

Người Việt có câu: “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”. Ở quê tôi, vào mùng một Tết, con cháu dành toàn bộ sự cung kính và tình cảm cho phía nội của mình. Tuy vậy, mọi người rất ngại xông đất vào buổi sáng đầu năm. Thay vào đó, mọi người chỉ đến thắp hương ở đình, chùa, miếu mạo. Đầu giờ chiều mùng một, con cháu họ mạc tập trung tại nhà thờ, từ đường để thắp hương cụ tổ. Sau đó, mọi người tập trung thành đoàn đến từng nhà trong họ để mừng tuổi ông bà. Gần như luật bất thành văn, đại diện mỗi gia đình đều mang theo bầu rượu để dâng cúng và ít tiền mới để lì xì cho trẻ con.

Theo thông lệ, khi bước vào cổng, trưởng đoàn thường chọn một cái gì đấy để khen ngợi, trầm trồ với ý muốn tạo sự vui vẻ, thoải mái nơi chủ nhà. Sau khi an tọa, người đại diện đứng lên nói với chủ nhà đại loại: “Thưa bác/chú! Nhân dịp năm mới, anh em trong họ đến để mừng tuổi ông bà và chúc Tết gia đình”. Chủ nhà tươi cười bảo: “Bà con dòng họ mình nay đông đủ, vui vẻ ghê ha! Các cháu cứ tự nhiên”. Nói đoạn, chủ nhà liền bảo con cháu trong nhà đốt nhang, lên đèn và trải chiếu hoa để mọi người thực hiện nghi lễ mừng tuổi. Trong lúc chủ nhà chuẩn bị nhang đèn thì các thành viên trong đoàn rót những ly rượu đầy cung kính đặt lên ban thờ. Sau đó, lần lượt từ lớn đến bé thắp hương và vái lạy ông bà, tổ tiên. Cuối cùng, mọi người mang những ly rượu đã cúng để mời chủ nhà và chúc mừng năm mới. Ngược lại, chủ nhà cũng rót rượu và mang ra những hộp bánh mứt ngon nhất để mời những người có quan hệ huyết thống.

Trong câu chuyện đầu năm, những mâu thuẫn, hiềm khích trong quá khứ được mọi người chậc lưỡi bỏ qua để hướng đến một năm mới tốt đẹp hơn.

Lòng thành từ mâm cúng

Là cư dân nông nghiệp, cuộc sống đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, song người dân quê tôi lại rất thảo thơm với ông bà, tổ tiên. Điều đó thể hiện ở mâm cúng trong những ngày Tết.

Mâm cúng trong ngày Tết được người dân quê tôi chuẩn bị trước đó rất lâu. Ngoài hoạt động sản xuất bình thường, những tháng cuối năm, các gia đình thường nuôi thêm con heo, đàn gà, đàn vịt; chuẩn bị buồng chuối, khóm hoa; trồng trỉa hoặc trao đổi thúng gạo nếp, lít rượu… để dâng lên ông bà. Trong đó, “mâm cao cỗ đầy” nhất là lễ cúng rước ông bà diễn ra vào ngày 30 Tết. Dù có nghèo khổ, thất thế đến mấy thì mâm cúng rước phải có đủ các món truyền thống như: nem chả, thịt cá, bánh tét, bánh ngọt… Đặc biệt, các món ăn được chế biến rất công phu. Dường như các bà nội trợ không chỉ làm ra để phục vụ những người trong gia đình mà hướng nguyện về một điều gì đó rất cao xanh. Bởi lẽ, họ không muốn ông bà, tổ tiên mình buồn vì thua kém người khác. Thậm chí, có người còn chuẩn bị những thức món mà lúc sinh thời, người đã khuất rất yêu thích.

Vì quan niệm “Sống sao thác vậy” nên trong suốt những ngày Tết, người dân quê tôi chỉ cúng, cúng và cúng. Sáng, trưa, chiều, 1 ngày 3 bữa cúng như sợ người đã khuất đói lòng. Đặc biệt, trong lễ cúng đưa vào tối mùng ba Tết, ngoài đồ ăn, thức uống, áo quần, tiền bạc… con cháu còn “gửi” theo cả thạp gạo, thùng bánh, buồng chuối… Đại loại là gửi tất những gì mình có với mong muốn ông bà, tổ tiên phù hộ, độ trì cho gia đình được an khang, hạnh phúc trong năm mới.

DUY LÊ

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12525/202201/tet-vong-to-tien-5765032/