Tết xưa ở Trường Sa!

Tết trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa những năm cuối thập kỷ 80 đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước còn rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng trong hoài niệm của những người lính mà cuộc đời binh nghiệp gắn liền với quần đảo này thì đó là những tháng ngày tươi đẹp của tuổi trẻ không thể nào quên.

Vị chát lạ của bánh chưng Trường Sa

Quần đảo Trường Sa có rất nhiều đảo lớn, nhỏ, chìm nằm ở giữa Biển Đông mênh mông sóng nước như những chuỗi ngọc lung linh khoác lên mình Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Trường Sa rất đẹp và đẹp nhất là trong trái tim của những cựu binh mà cả tuổi trẻ bám biển, bảo vệ chủ quyền.

“Nhiều đêm, tôi vẫn mường tượng tiếng sóng vỗ, tiếng gió thổi rít từ biển vào như thể đang sống ở đảo vậy” - đó là tâm sự của ông Nguyễn Đức Cung (SN 1968) ở Yên Phong, Bắc Ninh, một cựu binh Trường Sa có 14 năm gắn bó với đảo tâm sự. Hay với ông Vũ Quang Tiệp (1974) ở Tiên Du, Bắc Ninh, quảng thời gian ở Trường Sa với ông đã trở thành kỷ niệm đẹp nhất của tuổi trẻ.

Gói bánh chưng bằng bàng vuông đã đi vào ký ức của những người lính Trường Sa những năm khó khăn.

Với những cựu binh gắn bó với quần đảo này trên 10 năm như ông Cung, ông Tiệp thì có rất nhiều kỷ niệm. Vào những dịp cuối năm, khi những chuyến tàu từ đất liền bắt đầu khởi hành ra đảo mang theo sản vật quê hương tiếp tế cho các chiến sĩ Trường Sa ăn Tết thì trong lòng những người lính năm xưa lại trào dâng nỗi nhớ da diết đến lạ.

Kể chuyện với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận về những tháng ngày không thể nào quên của cuộc đời mình, ông Nguyễn Đức Cung cho biết, cái Tết đầu tiên trên đảo Nam Yết (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) năm 1988 là kỷ niệm khiến ông nhớ mãi.

Thời đó, gần Tết các chuyến tàu chở các sản vật từ đất liền ra đảo để tiếp tế, hành trình kéo dài trên biển gần một tháng trời. Những lá dong từ đất liền gửi ra sau hành trình dài bị nước biển ngấm vào, khi lên đảo lại không có cách nào để bảo quản nên đến Tết đã bị mục nát.

Nhưng Tết không thể thiếu bánh chưng, nên anh em bộ đội trên đảo Nam Yết đã lấy lá dừa làm khung, lấy lá bàng vuông luộc kỹ rồi đem gói bánh.

Theo ông Cung, bánh chưng gói bằng lá bàng vuông trở thành một nét riêng đặc biệt của Tết Trường Sa xưa, một điểm nhấn có lẽ không nơi nào có được.

“Gói bánh chưng bằng lá bàng vuông tương đối khó. Bởi lá bàng vuông không có độ dai như lá giong hay lá chuối.

Nhưng anh em bộ đội gói vẫn đẹp. Chỉ có điều hương vị không được như bánh cổ truyền vì lá bàng đắng chát” – ông Cung chia sẻ.

Giờ không còn ở quần đảo Trường Sa nhưng mỗi khi Tết đến xuân về nhóm cựu binh người Hà Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang) vẫn tổ chức họp mặt để ôn lại kỷ niệm xưa.

Có những các Tết khi chưa có COVID-19, các đồng đội của ông lại tụ về gặp nhau, gói bánh chưng bằng lá bàng vuông như một cách để ôn lại kỷ niệm thời tuổi trẻ của họ trên đảo.

Ông Vũ Quang Tiệp và 1000 quả bưởi gửi Trường Sa.

Cũng như ông Cung, ông Vũ Quang Tiệp gắn bó với các đảo ở Trường Sa hơn 10 năm trời và có 7 cái Tết ở trên đảo.

Ra đảo từ năm 1994, với ông Tiệp thì thời gian đó đời sống trên quân đảo Trường Sa vẫn còn rất khó khăn. Tết đầu tiên ở Đảo của ông Tiệp là năm 1994, năm đó ông mới tròn 20 tuổi.

Cái Tết đầu tiên xa gia đình, nên nhiều điều với ông còn rất bỡ ngỡ. Để có các Tết vui nhộn, ngoài đó hay tổ chức nhiều phong trào. Các chiến sĩ bộ đội như anh thường lấy cây phi lao gãy, khô héo, bẻ về rồi trang trí làm cành đào, cành mai.

Bưởi, chuối thì lấy xốp sơn lên để làm mâm ngũ quả đặt lên bàn thờ Tổ quốc. Ông Tiệp nhớ lại: “Từ 28 Tết, bắt đầu vệ sinh doanh trại, 29 Tết làm cổ, chấm thi đua.

Tết đầu tiên ở đảo, 20 tuổi đầu tiên xa nhà nên rất nhớ. Anh em chiến sĩ, cứ chiều 30 Tết lại ra ngồi ở bãi đá, mặt nhìn về hướng Tây, rồi cầm đàn hát nghêu ngao. Các anh lính cũ thì không sao chứ lính mới thì khóc rưng rức”.

Giây phút giao thường thiêng liêng đứng gác bên cột mốc chủ quyền

Khó khăn, gian khổ, thiếu thốn nhưng với ông Cung, ông Tiệp và các cựu binh Trường Sa khi đã trải qua những cái Tết ở quần đảo Trường Sa đều thừa nhận được cảm giác rất thiêng liêng đặc biệt mà khó nơi nào có được, đặc biệt ở những thời khắc giao thừa khi cầm súng đứng gác nơi cột mốc chủ quyền.

Ông Tiệp kể, khi đứng gác bên cột mốc chủ quyền vào thời khắc giao thừa, nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết trong lòng rất xúc động. “Cảm giác đó không phải ai cũng được trải qua mà chỉ những người lính được vinh dự đứng gác giao thừa mới có. Vinh dự đó thực tế rất ít người may mắn có được” – ông Tiệp tự hào kể.

Ông Tiệp nhớ lại, khi ăn Tết ở đảo Nam Yết, ông vinh dự được gác ca giao thừa. Hôm đó còn một điều đặc biệt nữa, khi đang đứng gác thì thấy một bóng đen bò từ biển vào.

“Lúc đầu tôi cứ tưởng người nhái đột nhập lên đảo, nhưng khi soi đèn xuống thấy một chú rùa biển – con “vích” bò lên bờ đẻ trứng.

Cả ca gác hôm đó, mọi người rất vui khi được theo dõi, quan sát, xem con vích đẻ, từ cách nó bới cát và ngụy trang tổ. Đó là kỷ niệm không thể nào quên” – ông Tiệp kể.

Cả ông Tiệp và ông Cung khi về đất liền vẫn có nhiều đóng góp cho Trường Sa. Tại nhà ông Cung ở Yên Phong, ông có ươm cây bàng vuông ở Trường Sa để trồng và tặng các đơn vị, trường học.

Ông cũng đã mang cây bàng vuông đến trồng tại đền thờ của Chu Văn An, đền thờ Lý Thường Kiệt bên dòng sông Như Nguyệt. Còn với ông Tiệp ông còn được nhiều người biết đến với danh xưng “vua bàng vuông” – vì đã ươm trồng và tặng cho nhiều đơn vị, địa phương.

Theo ông Tiệp, trên quần đảo Trường sa có nhiều loài cây như cây phong ba, cây bàng vuông và hiện nay có cả cây dừa. Tất cả đều là những báu vật và ăn sâu vào tâm hồn của những người lính đảo.

Khi xa đảo về với đất liền nhớ quần đảo Trường Sa nên ông Tiệp đã đem cây bàng vuông về theo.

Trên đảo Nam Yết có một cây bàng vuông tám nhánh rất đẹp, hiện nay nó được phong tặng là cây di sản.

Những năm khi còn trên đảo Nam Yết, đảo nhỏ này còn ít bóng cây, đồng đội ông Tiệp hằng ngày được bàng vuông che mát nhờ đó mà át đi cái nắng gió khốc liệt trên đảo.

“Chúng tôi coi cây như đồng đội. Mỗi sáng, mỗi tối, anh em vẫn dành cho cây bàng một cốc nước ngọt mặc dù nước ở đảo được ví như máu.

Tôi sống trên đảo Nam Yết ba năm, hình ảnh của cây bàng vuông là một biểu tượng rất mực thiêng liêng trong mỗi người lính đảo” – ông Tiệp kể.

Mỗi lần nhắc đến Tết, ông Tiệp lại nghĩ về cây bàng vuông và vị chát lạ của bánh chưng gói bằng chính lá bàng.

Cũng từ nhiều năm nay, ông Tiệp và nhiều đồng đội mỗi dịp gần Tết họ lại đi vận động các doanh nghiệp, các cựu binh Trường Sa gửi tặng sản vật cho các chiến sĩ ngoài đảo.

Hai năm nay, dịch COVID-19 ai cũng vất vả nhưng những cựu binh vẫn không quên những người đồng đội còn ngoài đảo xa. Ông Tiệp thông tin năm nay ông quyên góp được 1 nghìn quả bưởi để gửi ra cho các chiến sĩ ngoài Trường Sa đúng vào dịp Tết.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tet-xua-o-truong-sa-post179639.html