Tết xưa thương nhớ
Nghe trong không gian tháng Chạp sương mờ giăng lối, trong làn gió thoảng hơi ẩm của chút hương xuân, là ta biết cái Tết đã cận kề và trong tim lại náo nức những ký ức về Tết xưa thương nhớ.
Tết những ngày xa xưa ấy với người nông dân chân chất quê tôi là những lo toan tất bật thức khuya dậy sớm. Tết nhất, khẩu ngữ quen thuộc nghe khô khan, xõng xượt vậy thôi mà chất chứa trong đó những bề bộn, cố gắng cắt đặt công việc, tiền nong, sắm sửa để đón Tết thật tươm tất, đủ đầy. Người quê tôi gom góp, tích cóp, chắt chiu từ nải chuối, buồng cau, từ cót thóc, mớ rau, quả na, quả ổi… những sản vật được làm ra từ thấm đẫm giọt mồ hôi một nắng hai sương, từ bàn tay tần tảo và cánh đồng, mảnh vườn thân thuộc chốn quê.
Qua rằm tháng Một (tháng 11 âm lịch), chớp mắt tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) đã cận kề. Ông nội đã giục tôi tuốt lá hai cây mai trắng ngay bậc cửa bên mái hiên để cây ra hoa đều và đúng vào dịp Tết. Nếu như đào tượng trưng cho sự nồng nàn, rực rỡ thì mai lại thể hiện sự thanh tao, tinh khiết mỗi xuân về.
Ông nội tôi vốn là thế hệ ông đồ cuối cùng trước Cách mạng Tháng 8, giã từ bút nghiên để tham gia hoạt động cách mạng, sau này trở thành lớp cán bộ cốt cán đầu tiên giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền hàng tỉnh.
Ông có cốt cách của ông đồ và khí chất của nhà cách mạng lão thành nên sự nho nhã, chuẩn mực là điều mà dân làng luôn quý trọng, điều đó khiến cả gia đình tôi vô cùng tự hào. Cây mai trắng được tuốt lá xong, sáng nào thấy trời rét quá ông lại giục tôi tưới một chút nước ấm vào gốc để giữ cho độ mãn khai của hoa đúng vào những ngày Tết. Hai cây mai trắng trước cửa như ngọn đèn tinh khôi báo hiệu mùa xuân trước hiên nhà.
Bước sang tháng Chạp, những người lớn trong nhà đã bắt đầu tính toán để cắt đặt cho một cái Tết sum vầy, no ấm. Cũng như nhiều miền quê khác, quê tôi có tục đụng lợn trong dịp Tết Nguyên đán. Đụng lợn là để nói đến tục lệ vài nhà chung nhau thịt một con lợn ra rồi chia nhau để ăn Tết.
Tầm 27-28 Tết, một con lợn béo được nuôi từ giữa năm của một nhà để đem ra thịt, rồi chia ra thành những phần bằng nhau, bày ra trên những tàu lá chuối cho mỗi nhà một mô. Mỗi mô thịt lợn được chia khéo léo và đều nhau, nhà nào cũng có cả phần xương, phần thịt, cả thịt đùi, thịt mông, chân giò, thịt thăn, ba chỉ, thịt vai…
Rồi thịt ấy về mỗi nhà chế biến thành chả, nem, ninh, mọc và các món giò nào giò nạc, giò mỡ, giò bì, giò xào thơm nức, để mâm cỗ Tết nhà nào cũng sang trọng, đầy đủ đúng kiểu “mâm cao, cỗ đầy”. Và những ngày xa xưa ấy cũng chỉ có dịp Tết bọn trẻ chúng tôi mới được ăn giò thỏa thuê như thế. Mâm cơm ngày Tết đầm ấm, sum vầy thường có giò, có xôi, thịt mỡ, dưa hành, canh măng, canh mọc, bát mắm tiêu thơm phức và đĩa bánh chưng xanh trời đất giao hòa, chén rượu mơ, rượu chanh nồng nàn xuân sắc.
Với lũ trẻ con quê tôi ngày ấy, Tết là nhất, là dịp mong chờ, vui vẻ nhất của năm. Tuổi thơ chúng tôi được mẹ, được bà cho đi chợ Tết mua quần áo, giày dép mới. Ôi nhớ sao những phiên chợ Tết náo nhiệt, rực rỡ sắc màu, không chỉ bán mua hàng hóa mà dường như là nơi người ta giao lưu, trò chuyện, trao nhau những niềm vui. Sau này lớn lên, tôi được đi nhiều nơi, dự nhiều phiên chợ nhưng quả thật chưa có phiên chợ nào để lại ấn tượng sâu đậm như phiên chợ Tết đình làng trong ký ức tuổi thơ tôi…
Sớm mùng một Tết, ông tôi đã khăn áo chỉnh tề nghiêm trang thắp nén hương trên bàn thờ tổ tiên và thành tâm khấn vái trong không gian mùi hương trầm ngan ngát, mùi pháo nồng nàn, mùi bánh chưng thơm gạo nếp, mưa bụi lất phất bay giắc những hạt li ti lên xác pháo giăng kín trước sân. Sau đó chị em chúng tôi sẽ được ông bà, cha mẹ mừng tuổi và theo cha mẹ đi chúc Tết.
Bao năm rồi tôi vẫn nhớ như in như thế. Vậy nên cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, tôi lại thấy tuổi thơ tôi trong hình ảnh lũ trẻ con xúng xính trong những bộ quần áo mới, tay cầm phong bao lì xì náo nức theo chân bố mẹ, ông bà đi chúc Tết, má đỏ hây hây trong tiết xuân thì…
Tết những ngày xa xưa ấy với người nông dân chân chất quê tôi là những lo toan tất bật thức khuya dậy sớm. Tết nhất, khẩu ngữ quen thuộc nghe khô khan, xõng xượt vậy thôi mà chất chứa trong đó những bề bộn, cố gắng cắt đặt công việc, tiền nong, sắm sửa để đón Tết thật tươm tất, đủ đầy. Người quê tôi gom góp, tích cóp, chắt chiu từ nải chuối, buồng cau, từ cót thóc, mớ rau, quả na, quả ổi… những sản vật được làm ra từ thấm đẫm giọt mồ hôi một nắng hai sương, từ bàn tay tần tảo và cánh đồng, mảnh vườn thân thuộc chốn quê.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/tet-xua-thuong-nho-571488.html