Thả 4 cá thể thú quý hiếm về lại với rừng

Đơn vị cứu hộ đã phục hồi thành công các chức năng sinh tồn của 4 cá thể culi, khỉ đuôi lợn, khỉ mốc và tiến hành thả về vùng rừng tự nhiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn.

Ngày 9-7, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định phối hợp với Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) cùng các đơn vị chức năng tiến hành bàn thả 4 cá thể động vật rừng quý, hiếm về rừng tự nhiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn.

Cá thể culi được thả về với rừng tự nhiên

Cá thể culi được thả về với rừng tự nhiên

Cả 4 cá thể động vật quý được thả về rừng tự nhiên, gồm: 2 cá thể culi nhỏ, 1 cá thể khỉ mốc và 1 cá thể khỉ đuổi lợn. 4 cá thể động vật này trước đó được người dân ở tỉnh Bình Định tự nguyện giao nộp cho Chi cục Kiểm lâm từ năm 2019 đến 2020.

Thời điểm người dân giao nộp cả 4 cá thể động vật trên đều có sức khỏe yếu nên được đưa đến chăm sóc, nuôi dưỡng và cứu hộ để phục hồi lại bản năng sinh tồn, tìm kiếm thức ăn tại một công viên dã ngoại ở ngoại ô TP Quy Nhơn.

Quá trình chăm sóc, cứu hộ tất cả các cá thể động vật quý trên đều đã phục hồi lại các bản năng sinh tồn của tự nhiên nên được bàn giao lại cho đơn vị chức năng để thả về lại với tự nhiên theo đúng quy định.

Hai cá thể culi được thả về rừng tự nhiên

Hai cá thể culi được thả về rừng tự nhiên

Đơn vị chức năng thả 4 cá thể động vật quý về rừng tự nhiên

Đơn vị chức năng thả 4 cá thể động vật quý về rừng tự nhiên

Tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định cho biết, 2 cá thể culi nhỏ có tên khoa học là Nycticebus pygmaeus là động vật quý và cổ trong bộ linh trưởng Primates, thuộc nhóm quý hiếm IB. 2 cá thể culi này do anh Huỳnh Văn Hóa, xã Nhơn Hạnh (TX An Nhơn) và chị Trảo Chung Thủy Tiên, ở phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn) tự nguyện giao nộp.

Đơn vị chức năng vào sâu trong rừng để thả những cá thể động vật quý

Đơn vị chức năng vào sâu trong rừng để thả những cá thể động vật quý

Còn cá thể khỉ đuôi lợn có tên khoa học là Macaca leonina, thuộc bộ khỉ hàu là động vật rừng quý hiếm thuộc nhóm IIB do Khu du lịch Trung Lương nằm trên địa bàn xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) bàn giao. Riêng cá thể khỉ mốc có tên khoa học là Macaca assamensis, thuộc bộ khỉ hàu, nằm trong nhóm IIB do anh Mai Thanh Lộc ở xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn) bàn giao.

NGỌC OAI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tha-4-ca-the-thu-quy-hiem-ve-lai-voi-rung-672036.html