Thà cam chịu văn hóa '996' độc hại chứ không dám lên tiếng

Dù ngày càng bị nhiều người lên án, việc loại bỏ văn hóa làm việc '996' ở Trung Quốc rất khó khăn và không thể chỉ trong ngày một ngày hai.

Zing trích dịch bài đăng trên VICE, đề cập đến văn hóa làm việc "996" khắc nghiệt, khó xử lý ở Trung Quốc.

Ngày 29/12 năm ngoái, nữ nhân viên 23 tuổi của nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo đột ngột qua đời sau khi làm việc trong văn phòng đến 1h30 sáng.

Ngày 9/1, việc một kỹ sư họ Tan của Pinduoduo cũng nhảy lầu tự tử tại nhà riêng sau khi xin nghỉ phép càng dấy lên cơn thịnh nộ. Nhiều người cho rằng cái chết của anh liên quan đến văn hóa làm việc độc hại, khắc nghiệt trong công ty.

Ngày hôm sau, một nhân viên cũ của Pinduoduo đăng tải đoạn video tố cáo một số nhân viên công ty thường phải làm việc ít nhất 380 giờ/tháng - tức là ít nhất 12 giờ/ngày. Anh kể lại lần chứng kiến một đồng nghiệp được đưa lên xe cấp cứu trong khi làm việc.

Mặc dù thông tin nhân viên đó phải đi cấp cứu do làm việc quá sức chưa được xác thực, đoạn video đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Weibo, hút gần 300.000 lượt chia sẻ.

Cựu nhân viên này còn nói anh đã bị yêu cầu từ chức sau khi đăng tải về vụ việc trên mạng xã hội.

Đáp lại, phía Pinduoduo giải thích trong một bài đăng trên Weibo rằng nam nhân viên đã bị sa thải vì “đăng tải ý kiến cực đoan trên một cộng đồng trực tuyến ẩn danh", vi phạm quy tắc ứng xử của nhân viên công ty.

Sau loạt sự kiện, văn hóa "996" ngày càng bị nhiều người lên án. Cụm từ này ám chỉ người lao động làm việc một ngày từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần, không tính lương làm thêm giờ.

 Các công ty công nghệ có môi trường làm việc khắc nghiệt, cạnh tranh gay gắt. Ảnh: Reuters.

Các công ty công nghệ có môi trường làm việc khắc nghiệt, cạnh tranh gay gắt. Ảnh: Reuters.

Một lý do giải thích cho tình trạng lao động quá sức tràn lan ở đất nước tỷ dân là việc thực thi pháp luật yếu kém. Theo luật lao động của Trung Quốc, nhân viên không được làm việc quá 8 giờ/ngày hoặc trung bình 44 giờ/tuần. Thời gian làm thêm cũng được giới hạn trong 3 giờ/ngày hoặc 36 giờ/tháng.

Tuy nhiên, "996" xuất hiện ở khắp nơi, đặc biệt là trong ngành công nghệ.

Trong một bài đăng gây tranh cãi trên Weibo, ông trùm kinh doanh Jack Ma thậm chí còn tán thành cách làm này, nói "nếu chúng tôi tìm thấy những thứ mình thích, làm việc '996' không phải là vấn đề".

Việc cạnh tranh gay gắt giữa các công ty công nghệ Trung Quốc cũng góp phần hình thành văn hóa làm việc độc hại này.

“Mọi doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty thương mại điện tử, đang phải cạnh tranh gay gắt với nhau. Vì vậy, về cơ bản, làm việc ngoài giờ là chuyện bình thường”, Aidan Chau, nhà nghiên cứu tại tổ chức phi chính phủ China Labour, nhận định.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, văn hóa "996" còn được nhiều người dùng để mô tả sự cạnh tranh gay gắt trong hệ thống giáo dục và lực lượng lao động ở đất nước tỷ dân.

Khó xử lý

Đối với Yeming (không phải tên thật), sinh viên đang có ý định tìm việc trong ngành công nghệ cao, văn hóa "996" là mối lo không thể tránh khỏi.

“Sự cạnh tranh trong nước quá cao. Vì vậy tôi định ra nước ngoài làm việc", Yeming nói, cho biết sẽ tránh văn hóa "996" nếu có thể.

Theo Mimi Zou, nghiên cứu viên về luật thương mại Trung Quốc tại Đại học Oxford, môi trường tranh giành, cắn xé lẫn nhau đã trở nên đặc trưng tại các công ty Trung Quốc, dẫn đến sự thay đổi đáng kể trên thị trường lao động nước này trong những năm gần đây.

Trong bối cảnh này, kỳ vọng của người sử dụng lao động và người lao động, bao gồm cả cam kết với công việc hoặc công ty, cũng đã thay đổi trong nền kinh tế định hướng thị trường.

“Nền kinh tế khu vực tư nhân của Trung Quốc có nhịp độ nhanh, năng động và cạnh tranh gay gắt. Đặc biệt, lĩnh vực dịch vụ Internet sinh lợi nhanh chóng, khuếch đại những đặc điểm này, đưa chúng lên một cấp độ hoàn toàn khác”, Matthew Brennan, nhà phân tích công nghệ tại Trung Quốc và đồng sáng lập công ty tư vấn China Channel, nói.

 Nhân viên một công ty thương mại điện tử lớn ở Trung Quốc làm việc đến nửa đêm trong đợt mua sắm 11/11/2020. Ảnh: VCG.

Nhân viên một công ty thương mại điện tử lớn ở Trung Quốc làm việc đến nửa đêm trong đợt mua sắm 11/11/2020. Ảnh: VCG.

Văn hóa làm việc độc hại của ngành công nghiệp công nghệ trở nên phổ biến cũng kéo theo nhiều sự phản đối trong lực lượng lao động.

Năm 2019, một số nhà phát triển phần mềm tạo ra trang web 996.ICU để cho thấy sự khắc nghiệt của văn hóa này. Trên trang web, mọi người đã chia sẻ những trải nghiệm, vạch trần đòi hỏi vô lý và kêu gọi các công ty phải tuân thủ luật lao động địa phương.

Dù có một số hoạt động mang tín hiệu tích cực, Brennan cho rằng văn hóa làm việc quá sức ở Trung Quốc khó có thể sớm biến mất.

“Hoạt động kinh doanh trong ngành công nghiệp Internet của Trung Quốc được tiến hành giống như một cuộc chiến tranh du kích tàn bạo. Trong đó, các nhà phát triển, kỹ sư và nhân viên vận hành làm việc đến chết theo lịch trình mệt mỏi, tốc độ quyết định tất cả", ông nói.

 Việc làm thêm giờ trong môi trường căng thẳng là điều bình thường ở nhiều công ty công nghệ Trung Quốc. Ảnh: IC.

Việc làm thêm giờ trong môi trường căng thẳng là điều bình thường ở nhiều công ty công nghệ Trung Quốc. Ảnh: IC.

Không chỉ trong các công ty công nghệ, những nhân viên làm việc kém hiệu quả ở các ngành khác cũng thường phải chịu những hình phạt kỳ quái, trong đó có việc bị sỉ nhục nơi công cộng.

Ví dụ, những nhân viên làm việc kém hiệu quả tại một công ty nội thất gia đình ở tỉnh Thiểm Tây đã bị buộc phải chụp ảnh trong khi cầm những tấm biển lớn ghi “giải thưởng cho kẻ ăn bám” và đăng lên mạng xã hội.

Ở trường hợp khác, các nhân viên nam tại một công ty tại Chiết Giang được cho là đã phải nhảy xung quanh văn phòng với quần tất đen. Một nhân viên từ chối chịu phạt đã bị sa thải. Nhiều hình phạt kinh khủng khác cũng được áp dụng như uống nước bồn cầu, ăn mướp đắng sống hay thậm chí cả giun sống.

Bất chấp các quy định được đặt ra để bảo vệ quyền của người lao động, việc bảo hộ lao động thực tế vẫn còn thiếu ở nhiều nơi làm việc của Trung Quốc.

“Người Trung Quốc cũng cho rằng văn hóa '996' là tiêu cực nhưng có xu hướng chịu đựng trong im lặng hơn là lên tiếng”, Yeming nhận định.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tha-cam-chiu-van-hoa-996-doc-hai-chu-khong-dam-len-tieng-post1172859.html