Thả chó pitbull và bécgiê cắn người: Chủ sở hữu vật nuôi chịu trách nhiệm thế nào?
Một số luật sư cho rằng, việc chủ sở hữu vật nuôi không rọ mõm, lùa chó dữ sang nhà hàng xóm cắn người thương tích là hành vi cố ý, tùy theo tính chất mức độ mà có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách hình sự, nếu có thương vong.
Liên quan đến việc thả dữ cắn người để giải quyết mâu thuẫn xảy ra tại Đà Nẵng, ngày 14/7, thông tin từ Công quận Công an quận Sơn Trà (Đà Nẵng) cho biết đang củng cố hồ sơ để xem xét, xử lý trách nhiệm của những người liên quan.
Theo xác minh ban đầu, trưa 29/5, ông Đặng Văn Ngọc (36 tuổi, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) và ông Trương Anh Tâm (39 tuổi) ngồi nhậu với nhau tại nhà của ông Ngọc. Trong cuộc nhậu, ông Tâm biết được trước đây giữa ông Ngọc và ông Trần Đình Thảo (46 tuổi), hàng xóm của ông Ngọc xảy ra mâu thuẫn.
Chó pitbull là những loài chó dữ. Ảnh minh họ
Đến 15h30 chiều cùng ngày, ông Tâm qua nhà ông Thảo gọi đến nhà ông Ngọc để giải quyết mâu thuẫn. Tuy nhiên, sau hồi nói chuyện, giữa 3 người này lại xảy ra mâu thuẫn, lớn tiếng cãi vã. Lúc này, ông Ngọc và ông Tâm lao vào đánh ông Thảo.
Bị đánh, ông Thảo chạy về nhà cầm xẻng quay lại nhà ông Ngọc đánh trả. Ông Tâm đã giật được cái xẻng, đánh vào đầu ông Thảo, khiến ông này ngã xuống đất, thương tích ở mắt trái. Chưa dừng lại, ông Tâm và ông Ngọc tiếp tục dùng xẻng đánh vào người ông Thảo gây thương tích sau gáy.
Bị đánh, ông Thảo chạy về thả 2 con chó nhà mình ra, gồm một con Pit bull và một con Berger, 2 con chó đều không được rọ mõm lao qua nhà ông Ngọc. Con Pit bull xông vào cắn ông Ngọc gây thương tích ở mặt, tay và chân. Sau đó, ông Thảo mới dẫn chó về nhà.
Vụ việc sau đó được đưa lên mạng xã hội khiến dự luận bức xúc. Nhiều người cho rằng, việc chủ sở hữu vật nuôi thả chó pitbull và béc-giê tấn công người khác là hành vi vi phạm pháp luật có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho người khác. Vậy trong vụ việc này, chủ sở hữu vật nuôi chịu trách nhiệm thế nào?
Nêu quan điểm về vụ việc trên, luật sư Kiều Trang (đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, vụ việc trên được chia ra làm hai giai đoạn chính gồm giai đoạn ba người xô xát tại nhà của ông Ngọc và giai đoạn 2 con chó cắn ông Ngọc. Bởi vậy, cơ quan điều tra cần phải làm rõ, trong từng giai đoạn, ai có hành vi tác động vật lý lên người ai, bằng hung khí gì, để lại vết thương tại vị trí nào để xác định hành vi và hậu quả của từng hành vi, từ đó mới có căn cứ xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Nếu trong giai đoạn xô xát lần đầu, cả ba người đều bị thương tích, đều có đơn yêu cầu khởi tố, thì rất có thể cả ba cùng đều là bị can, cũng đều là bị hại trong cùng một vụ án. Trường hợp trong lần xô xát đầu tiên, Tâm và Ngọc đánh Thảo nhưng không để lại thương tích, rồi Thảo chạy về nhà thả chó ra cắn Ngọc, tạo nên thương tích, Thảo có đơn yêu cầu khởi tố vụ án, thì có thể Tâm và Ngọc sẽ bị xử lý hành chính, còn Thảo sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Cơ quan cảnh sát điều tra cần phải tiến hành trưng cầu giám định để xác định thương tật của những người liên quan trong vụ án. Từ tỷ lệ thương tật để xác định trách nhiệm của những người liên quan”, luật sư Trang nhấn mạnh.
Trường hợp sử dụng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có thể gây nguy hại cho nhiều người với mức thương tật từ 1% trở lên, bị hại có đơn yêu cầu khởi tố vụ án, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội cố ý gây thương tích theo điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
Trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do tỷ lệ thương tật không đạt thì người thực hiện hành vi cố ý gây thương tích cho người khác có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng; người thực hiện hành vi để động vật nuôi gây thương tích cho cá nhân khác có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định tại điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 31/12/2021 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn, xã hội.
Còn luật sư Khương Tân Phương (đoàn luật sư TP Hà Nội) Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và các văn bản có liên quan đều không định nghĩa chó dữ là “hung khí nguy hiểm”. Tuy nhiên thực tế cho thấy pitbull, becgie... là những loài chó dữ, có thể cắn người, gây thương tích hoặc chết người. Việc chủ sở hữu vật nuôi không rọ mõm, lùa chó dữ sang nhà hàng xóm dẫn đến việc người này bị chó cắn thương tích là hành vi cố ý, tùy theo tính chất mức độ mà có thể bị xử lý hành chính hay xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật hình sự hoặc tội giết người theo quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự.