Thả đèn trời uy hiếp an toàn bay: Xử lý sao?

Trước việc phi công liên tục phát hiện đèn trời, diều, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã đề nghị UBND các xã khuyến cáo người dân không thả vật thể uy hiếp an toàn bay.

Theo Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, trước thềm Tết Trung thu, nhiều phi công phản ánh vật thể bay không người lái và đèn trời có nguy cơ uy hiếp an toàn bay. Riêng ngày 23/9, có 4 trường hợp tổ lái các chuyến bay thông báo phát hiện đèn trời và các vật thể không người lái trong quá trình tiếp cận hạ cánh, cất cánh lấy độ cao ở khu vực thuộc huyện Đông Anh và Sóc Sơn, gây uy hiếp an toàn bay.

Qua kiểm tra xác minh, công an các xã phát hiện phía đầu Tây đường cất hạ cánh (khu vực xã Thanh Xuân) tổ chức Tết Trung thu cho các cháu có thả đèn trời và phía đầu Đông đường cất hạ cánh (thuộc xã Xuân Nộn) có thả diều. Lực lượng Công an khu vực đã quán triệt, nhắc nhở và tịch thu diều. Để phòng ngừa trường hợp tương tự gây rủi ro mất an toàn, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đề nghị UBND các xã lân cận sân bay chỉ đạo các đơn vị liên quan truyền thông đến toàn bộ người dân (đặc biệt là các cháu nhỏ) về mức độ nguy hiểm của; diều, đèn trời, vật thể bay không người lái và các loại bóng bay bơm khí nhẹ hơn không khí đối với hoạt động bay để có biện pháp phòng tránh.

Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho biết thêm, tính từ đầu năm đến ngày 25/9, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài ghi nhận 3 trường hợp đốt rơm rạ, 7 trường hợp chiếu đèn laser và 10 trường hợp thả diều, bóng bay gây nguy hiểm.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc Sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc thả đèn trời dần trở thành thú vui hay thậm chí là biểu tượng cho sự cầu nguyện may mắn, bình an, ấm no hạnh phúc cho gia đình. Tuy nhiên, với những hoạt động tưởng chừng như lành mạnh này lại tiềm ẩn nguy cơ lớn về rủi ro mất an toàn, đặc biệt là đối với hệ thống giao thông đường hàng không. Mặt khác, người chơi còn có thể phải đối diện với các chế tài nghiêm khắc của pháp luật.

Luật sư Hùng cho hay, đối chiếu với quy định của pháp luật, khi thực hiện các hành vi này người chơi có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về hành vi Thả diều, bóng bay, các loại đồ chơi có thể bay ở khu vực cấm, khu vực mục tiêu được bảo vệ; Đốt và thả “đèn trời”. Hoặc sẽ bị phạt tiền lên đến 20.000.000 đồng về hành vi Sử dụng đèn laser, thiết bị chiếu sáng khác trái quy định gây ảnh hưởng đến hoạt động bay theo Điều 21 Nghị định 163/2018/NĐ-CP.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Ngoài ra, nếu việc thả đèn trời gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe hoặc tính mạng của người khác và xem xét đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người chơi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường không theo Điều 278 Bộ luật Hình sự, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo luật sư Hùng, hiện nay, để đảm bảo an toàn nhất cho hoạt động bay, cơ quan chức năng cũng đã có những chỉ đạo, khuyến cáo người dân không được thả đèn trời, các vật thể bay không người lái, các loại bóng bay bơm khí nhẹ hơn không khí đối với hoạt động bay ảnh hưởng đến đường bay và đưa ra các biện pháp phòng tránh. Như vậy, người dân cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, các phương hướng chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền để có một ngày Tết Trung thu an toàn và ý nghĩa nhất.

Gia Đạt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/tha-den-troi-uy-hiep-an-toan-bay-xu-ly-sao-1904505.html