Thả diều - tránh xa đường dây điện
3 tháng đầu năm 2025, lưới điện Hà Tĩnh xảy ra 7 vụ sự cố do nguyên nhân vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ), giảm 5 vụ so với năm 2024, trong đó có 6 vụ do người dân thả diều.
Các vụ sự cố do vi phạm HLATLĐ có chiều hướng giảm là nhờ vào sự nỗ lực của ngành điện cùng sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong công tác triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp chuyên môn.

PC Hà Tĩnh tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân thả diều tránh xa đường dây điện.
Tăng cường tuyên truyền
Theo PC Hà Tĩnh, thời gian qua, tình trạng vi phạm HLATLĐ cao áp như trồng cây, tự ý đào, đắp đất, thi công công trình trong HLATLĐ, trộm cắp, tháo gỡ vật tư, thiết bị trên lưới điện,… cơ bản giảm. Thời gian qua, Công ty đã tăng cường, đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng áp dụng nghiêm các chế tài xử phạt theo quy định. Song, số vụ vi phạm do người dân thả diều vướng vào đường dây vẫn chưa hết “nóng”.
Đặc biệt, giai đoạn nắng nóng (từ tháng 5-8), cũng là khoảng thời gian các cháu học sinh nghỉ hè, tình trạng thả diều phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của các em có xu hướng tăng lên, nguy cơ sự cố lưới điện do diều vướng vào đường dây thường xuyên hiện hữu. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2025, PC Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức khách hàng, người dân đối với công tác bảo vệ HLATLĐ.
Hương Sơn được biết đến là huyện có truyền thống thả diều từ bao đời nay. Với người dân địa phương, thú vui thả diều đã trở thành một nét đẹp văn hóa, nhất là trong các dịp lễ, Tết hoặc các tháng hè,.. thú vui này càng được nhân rộng.
Ông Phạm Việt Hùng - Phó Giám đốc Điện lực Hương Sơn cho biết: Những năm về trước, vào dịp hè, trên địa bàn Hương Sơn thường xuyên xảy ra các vụ sự cố mất điện do người dân thả diều gần hành lang an toàn lưới điện nên bị vướng vào đường dây.
Cụ thể, năm 2024, trên địa bàn xảy ra 5 vụ sự cố do vi phạm HLATLĐ, trong đó có 3 vụ liên quan đến thả diều gây mất điện đột ngột hệ thống lưới điện trung thế. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân mà còn ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các tai nạn điện.
Điều đáng nói, khi xảy ra sự cố lưới điện xuất phát từ hoạt động thả diều thường không tìm được chủ nhân của diều nên ngành điện đã gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, xử phạt các vi phạm, chưa kể phải mất nhiều thời gian, chi phí và nhân lực để khắc phục các sự cố.

Biển cảnh báo được PC Hà Tĩnh bố trí đầy đủ.
Để ngăn chặn và hạn chế các sự cố đáng tiếc do việc thả diều gây ra, thời gian qua, Điện lực Hương Sơn đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, các cơ quan, doanh nghiệp nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ HLATLĐ và chấp hành các quy định của pháp luật về điện. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như thả diều gần hành lang lưới điện, bắn pháo giấy tráng kim loại, ném các vật thể lên đường dây điện…
Bên cạnh đó, đơn vị còn cử CBCNV trực tiếp làm việc với các hộ dân sinh sống 2 bên hành lang lưới điện cao áp, tiến hành ký cam kết về việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ HLATLĐ; tổ chức phát tờ rơi và giải thích cụ thể để người dân hiểu rõ các hành vi bị nghiêm cấm; tích cực tuyên truyền, cảnh báo về an toàn điện trên hệ thống loa phát thanh thôn, xóm, các tổ dân phố; tiến hành treo băng rôn, poster tại nhà văn hóa, khu chợ, trường học,… nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ HLATLĐ.
Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ đầu năm lại nay, trên địa bàn Hương Sơn không để xảy ra sự cố mất điện do nguyên nhân diều vướng vào đường dây, lưới điện trên địa bàn được vận hành an toàn ổn định phục vụ nhân dân.
Không chỉ ở Hương Sơn mà các huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh,… văn hóa thả diều cũng được bảo tồn trong nhiều năm qua. Theo đó, 6 vụ sự cố nguyên nhân do diều trong 3 tháng đầu năm 2025 cũng tập trung vào 3 địa bàn này.
Ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Điện lực Cẩm Xuyên cho hay: “Chúng tôi đã tăng cường, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp đảm bảo HLATLĐ bằng nhiều hình thức, tuy vậy, một số trường hợp vẫn chưa chấp hành. Hiện tượng người dân vô tư thả diều gần đường dây điện dẫn tới nguy cơ diều vướng vào đường dây gây sự cố trên lưới là điều hết sức lo ngại, vì thế chúng tôi phải cắt cử các tổ nhóm, thường xuyên theo dõi, bám sát để nhắc nhở, thậm chí lập biên bản đối với các trường hợp cố tình vi phạm, chống đối lại các quy định của pháp luật về bảo vệ HLATLĐ.

Lực lượng chức năng cùng vào cuộc tuyên truyền, giải thích cho người thả diều.
Tránh xa đường dây điện
PC Hà Tĩnh khuyến cáo: Người dân hoặc trẻ em khi thả diều phải tránh xa đường dây điện, tốt nhất ngoài phạm vi 1000m tính từ mép ngoài công trình lưới điện trên không cấp điện áp 110kV hoặc 500m tính từ mép ngoài công trình lưới điện trung áp điện áp từ 1kV đến 35kV;
Nên chọn thả diều ở những nơi có khoảng không gian rộng, không có đường dây, trạm điện ở gần để tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra làm hư hỏng thiết bị, hệ thống điện, gây nguy cơ mất an toàn cho chính bản thân và con em mình. Trường hợp diều hoặc dây diều bị quấn vào đường dây điện thì cần báo ngay cho ngành điện để kịp thời xử lý theo số điện thoại 190067679 hoặc Điện lực sở tại; tuyệt đối không được tự ý trèo lên cột điện, không dùng sào gỡ diều khỏi đường dây điện để tránh nguy cơ tai nạn.

Quy định của pháp luật về hành vi thả diều ảnh hưởng đến an toàn lưới điện.
Theo Quy định của Luật Điện lực số 61/2024/QH15, nghiêm cấm hành vi thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện và theo Nghị định số 62/2025/NĐ-CP ngày 04/3/2025 Quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực“Trong phạm vi 1000 m tính từ mép ngoài công trình lưới điện cao áp, siêu cao áp trên không hoặc 500 m tính từ mép ngoài công trình lưới điện trung áp ra các phía xung quanh, tổ chức, cá nhân không được thả diều, vật thể bay”.
Người dân cần lưu ý: Việc thả diều trong khu vực hành lang lưới điện là hành vi bị cấm, theo Khoản 18, Điều 2 của Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các tập thể, cá nhân thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện; đồng thời, bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố theo đúng quy định của Nhà nước. Riêng các trường hợp gây ra sự cố nghiêm trọng, gây hỏa hoạn, sự cố mất điện trên diện rộng, tai nạn điện,… sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

PC Hà Tĩnh khuyến cáo.
Để đảm bảo an toàn hành lang lưới điện trên địa bàn Hà Tĩnh, ngành điện rất cần sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương trong công tác tuyên truyền; kịp phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Sự chung tay này sẽ giúp giảm thiểu sự cố lưới điện, tránh xảy ra các tai nạn đáng tiếc, góp phần nâng cao độ tin cậy cấp điện đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của nhân dân.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tha-dieu-tranh-xa-duong-day-dien-10303059.html