Thả hồn trên quê hương Lỗ Tấn

Nhân dịp dự hội thảo các nhà thơ Đông Nam Á sử dụng tiếng Hoa lần thứ 10 (31.5 - 2.6.2019) được tổ chức tại TP Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc (TQ), quê hương đại văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn, các nhà thơ đã đến cố cư ông nghiêng mình tỏ lòng ngưỡng mộ.

Đường đến Thiệu Hưng

Đoàn Việt Nam gồm 10 người, trong đó chỉ có 5 hội viên là nhà thơ. Do không có đường bay thẳng tới Thiệu Hưng, nên chúng tôi phải trung chuyển qua phi cảng Nam Ninh, mãi đến khuya ngày 31.5 mới tới sân bay Tiêu Sơn. Đơn vị tổ chức hội thảo-Học viện ngoại ngữ Việt Tú đã cử người ra đón, nên đến khách sạn đã là 1 giờ 30 sáng 1.6.

Thiệu Hưng 2,6 triệu dân, sau các TP Hàng Châu, Ninh Ba, Ôn Châu, đứng thứ 4 tỉnh Chiết Giang. Thiệu Hưng là miền sông nước Giang Nam, là TP văn hóa lâu đời, có các di tích nổi tiếng như lăng vua Vũ (cách đây 4.100 năm), cố đô nước Việt (cách đây 2.500 năm), nơi Việt vương Câu Tiễn”nằm gai nếm mật”, quê hương “đại mỹ nhân” Tây Thi, cố cư nhà đại thư pháp biệt danh “thư thánh” Vương Hy Chi, thị trấn cổ An Xương...

Khách sạn chúng tôi ở, có tên Khách sạn Hoa viên Lang kiều, lấy tên cầu hành lang (Lang kiều) ngay cạnh đó. Cầu dài 180m, rộng 30m, 2 bên là hành lang mái cong lót tấm đá xanh dành cho người đi bộ, là cầu hành lang lớn nhất tỉnh Chiết Giang. Trên hành lang có 3 ngôi đình,trông giống cầu vòm cổ điển. Khi màn đêm buông xuống, ánh đèn lung linh, màu sắc hư ảo, như cầu vòng ngũ sắc bắc ngang sông Tắc
(hình dưới).

Khách sạn giá cũng mềm (188 NDT/đêm) và tiện nghi, chỉ có lần đầu tiên lưu trú khách sạn tôi phải đóng tiền cọc. Ở 3 ngày, tôi phải đóng trước 800 NDT, khi trả phòng được thối lại 236 NDT, thế mà khách vẫn đông (1 NDT=3.642đ).

Du lịch TQ khó chịu nhất là không có Wifi, muốn thông suốt phải mua sim TQ, nhưng vẫn không bắt được Facebook và Gmail, vì chính phủ TQ đã cấm cửa hãng Google, tôi chuyển qua sử dung Wechat thì không trở ngại gì.

Tôi như đã ngửi thấy mùi thuốc súng khét lẹt trong cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhà văn lớn với cá tính phản nghịch

Nhà văn Lỗ Tấn, một đại văn hào Trung Quốc và thế giới, người VN cũng không xa lạ gì ông qua những truyện ngắn bất hủ như AQ chính truyện, Nhật ký người điên, Chúc phúc, Khổng Ất Kỷ... Theo khảo cứu của cố học giả Phan Khôi, tác phẩm Lỗ Tấn được giới thiệu vào VN từ năm 1927 qua tờ Đông Pháp.

Lỗ Tấn, tên thật là Chu Thụ Nhân, sinh ở một gia đình nho học đã sa sút tại phủ thành Thiệu Hưng, thuộc tỉnh Chiết Giang năm 1881. Cuộc đời ông là 1 chuỗi bi kịch. Cha chết khi ông mới 16 tuổi. Hai em trai ông Tác Nhân và Kiến Nhân cũng rất tài năng, nhưng 3 anh em bất hòa đến mức không nhìn mặt nhau. Năm 25 tuổi (1906), ông sang Nhật Bản du học được 4 năm thì nhận được điện báo “Mẹ ốm về ngay”, ông tức tốc về quê, đến nơi thì thấy mẹ không hề ốm, mà trong nhà treo đèn kết hoa, thì ra bà mẹ gọi ông về bắt lấy vợ. Khi theo tục lệ, đêm tân hôn, ông lật tấm khăn đỏ che mặt mới biết mặt vợ – một cô gái thấp nhỏ, mặt dài, trán dô, bó chân, còn mù chữ và hơn ông 3 tuổi. Ứng phó với hiện tượng ép duyên phổ biến ở TQ thời đó, hầu hết các nhà văn lớn như Quách Mạt Nhược chọn con đường từ hôn, Hồ Thích là nhà văn duy nhất chịu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Lỗ Tấn không phật lòng mẹ, nhưng không chung giường với vợ ngay từ đêm tân hôn (theo Nhật ký Lỗ Tấn)

Nhà văn Lỗ Tấn

Nhà văn Lỗ Tấn

Năm 1925, ông lấy bà Hứa Quảng Bình, học sinh kém ông 17 tuổi. Năm1932, ông bà sinh hạ con trai duy nhất Chu Hải Anh. Năm 1936, ông chết ở Thượng Hải do bệnh lao phổi.

Nhà văn Lỗ Tấn và người vợ sau

Nhà văn Lỗ Tấn và người vợ sau

Lỗ Tấn đổ lỗi toàn bộ những bất hạnh mà ông gặp phải cho nền văn hóa truyền thống. Dưới tầm bao quát của chủ nghĩa dân tộc hư vô, thuyết tiến hóa, thuyết vô thần luận, Lỗ Tấn cảm thấy Trung Quốc “hết thuốc chữa”. Ông viết, lật lại lịch sử 5.000 năm TQ, ông chỉ thấy 3 chữ “ăn thịt người”( Nhật ký người điên). Ô từng nói:”Nghệ thuật vĩ đại nhất cũng như vĩnh cửu nhất của TQ chúng ta chính là gái giả trai”(Bàn về chup ảnh)(?).

Lỗ Tấn cũng phủ định trung dược, trung y, còn tuyên bố: “Quyết không bao giờ đi coi bệnh trung y”. Ông thậm chí còn muốn triệt để phá bỏ chữ viết Trung Quốc, hô hào những thứ cực đoan như: “Trung văn không bị hủy diệt, thì Trung Quốc không có hy vọng”.

Một nét đặc sắc của Lỗ Tấn là tạp văn vơi ngòi bút hài hước và chua cay. Sống vào thời Dân Quốc, khi quốc gia gặp nạn, Tưởng Giới Thạch đã trở thành lãnh tụ kháng Nhật. Lỗ Tấn không những không kêu gọi người Trung Quốc đoàn kết kháng Nhật, lại còn phơi bày những điểm yếu của người dân Trung Quốc, những mặt trái của xã hội, thật không đúng lúc, chẳng khác gì đâm sau lưng chiến sĩ. Những tác phẩm châm biếm chửi chính phủ Quốc Dân Đảng của ông vẫn được tự do phát biểu trên báo chí, thế mà ông vẫn gọi đó là nền “ngụy tự do” (Ngụy tự do thư). Ông cũng chủ trương truy sát đến cùng, đánh kẻ sa cơ (Bàn về”fair play”phải hoãn thực hiện).

Thời trung học, đọc tạp văn Lỗ tấn, tôi từng khâm phục lòng dũng cảm của ông, viết trước họng súng kẻ thù. Sau này tôi mới hiểu, suốt thời gian ở Thượng Hải, tuy không còn là công chức nữa, nhưng ông vẫn nhận lương thiêm sự Bộ Giáo dục (tương đương vụ trưởng) với mức hậu hĩ 600 đồng bạc/tháng, ông chỉ gủi 10 đồng về quê đã đủ gia đình chi tiêu.

Nhiều đoạn văn Lỗ Tấn được người TQ trích dẫn như cách ngôn, chẳng hạn “Đường, trên trái đất này vốn không có, người ta đi lại nhiều, sẽ thành đường” (Cố hương,LK tạm dịch). Bên cạnh đó, ông cũng để lại nhiều giai thoại, phản ánh một nhà văn rất cá tính.

Năm 1925, ông đã được đề nghị giải Nobel văn chương với tác phẩm “Nhật ký người điên”, đã được lọt vào TOP 5 thì ông bỗng dưng rút lui với lí do:”Nếu truyện tôi viết hay thì chẳng cần giải cũng đủ để đời; nếu tôi viết dở thì dù được giải Nobel cũng nhanh chóng đi vào quên lãng”(?).

Ông từng để lại di chúc cho Chu Hải Anh:”Khả năng viết lách không thể qua giao hợp truyền lại cho con. Tao coi mày chẳng có 1 tế bào văn chương nào, nên chọn nghề thợ mộc”(!).

Khi ông đã bệnh nặng, bạn bè giới thiệu cho ông 1 B/S danh tiếng Mỹ đến chữa trị. Khám xong, B/S tỏ ra hết sức kinh ngạc:”Ông là điển hình người châu Á chống chọi với bệnh tật; nếu là người Mỹ, ông đã chết từ 2 năm trước rồi”. Ông từng học ngành y tại Nhật, nên rất phản cảm với nhận định trên, đã từ chối uống thuốc do B/S Mỹ kê toa. Ông nói:”B/S học nghề ở Mỹ, chắc chắn thầy của ông ta chưa từng dạy cách chữa trị người đã chết 2 năm” (!).

Người TQ đã tôn xưng bằng 2 chữ Tiên Sinh. Tôn xưng này không phân biệt giới tính, theo hiểu biết nông cạn của tôi, ngoài Lỗ Tấn Tiên Sinh, chỉ có 3 người khác được hưởng tôn vinh đó: Quốc phụ Tôn Trung Sơn, Quốc mẫu Tống Khánh Linh, nữ danh họa Hà Hương Ngưng.

Nhà xưa Lỗ Tấn

Sau khi dự hội thảo xong, chúng tôi được Ban tổ chức đại hội hướng dẫn tham quan thắng cảnh TP, điểm đến đầu tiên là Cố cư Lỗ Tấn

Cố cư Lỗ Tấn (LT) nằm ngay trung tâm TP Thiệu Hưng, trên con đường mang tên ông. Đây là 1 quần thể di tích, xếp hạng 5A, có diện tích 4.000m2 và 80 căn phòng. Mỗi năm thu hút 2 triệu lượt khách đến tham quan , vào cổng miễn phí, chỉ cần xuất trình passport hoặc căn cước. Nhìn dòng người tất nập, tôi nghĩ đến bên mình đang rộ lên vụ “BOT chùa”, nếu “di thực” qua bên mình, chắc thu khẳm tiền.

Nhà xưa

Nhà xưa (tổ cư) LT với diện tích 580m2, là chủ thể cụm di tích. Ông đã sinh sống ở đây từ khi lọt lòng (1881) đến khi du học Nhật (1906), chiếm 1/3 cuộc đời ông.

Nhà xưa LT đậm màu sắc sông nước vùng Giang Nam, 1 dãy phòng ốc rêu phong, đằng trước đằng sau đều có sông ngòi bao quanh, trên có thuyền mui đen đi lại như thoi đưa (hình dưới), muốn đi thuyền trải nghỉem cảnh sông nước phải trả 30 NDT.

Nhà xưa LT gồm 6 gian, phản ánh Chu gia từ vọng tộc đến suy tàn, nhưng vẫn giữ gia phong. Dưới đây là tấm hình tôi chụp ở tiền sảnh có tên Tư nhân đường (nơi nhớ về điều nhân nghĩa), tiếc là do nhu cầu gìn giữ vật xưa, ánh đèn tù mù, chụp không rõ...

Vườn Bách thảo nghe tên thiệt đẹp, nhưng chỉ là vườn rau bỏ hoang. Trong bài tản văn“Từ vườn Bách thảo đến thư phòng Tam vị”, ông hồi tưởng như sau:”Đằng sau nhà tôi có vườn rất lớn, đa số là cỏ dại, nhưng là thiên đường của tôi thời thơ ấu”. Vườn Bách thảo ngày nay ngoài trồng bí rợ, còn có cây dâu, cây bồ kết, có giếng xưa... khiến tôi nghĩ đến cảnh LT thiếu thời từng đi bắt dế, đào hà thủ ô...

Từ vườn Bách thảo qua chiếc cổng tò vò, đi chừng trăm mét là đến Thư phòng Tam vị, là trường tư thục vỡ lòng của ông, cũng lá nơi ỏ của thầy đồ Thọ Kính Ngô đã ngồi gõ đầu trẻ suốt 60 năm. Thư phòng tuy không lớn, chỉ có 35 m2, nhưng bên cạnh có vườn hoa nhỏ, hoàn cảnh thanh nhã, đặc biệt còn giữ được bộ bàn ghế LT từng ngồi học. Thư phòng đã được quây lại, du khách không được tự tiện vào trong.

Cũng trong bài tản văn “Từ vườn Bách thảo đến thư phòng Tam vị”, ông mô tả như sau: "Ra cửa theo hướng đông, chưa tới nửa dặm, qua 1 cây cầu đá, đó là nhà của thầy tôi. Qua cánh cửa tre sơn đen bóng láng, gian thứ 3 là thư phòng, giữa treo tấm hoành biển Tam vị thư ốc ...”. Từ năm 12 tuổi, ông tổng cộng học ở tư thục này 5 năm.

Cách cố cư LT nửa dặm đường là đền Thổ cốc, thờ ông bà thổ địa. Đây chỉ là ngôi đền nhỏ, nhưng nhiều người viếng vì là nơi nương thân AQ (AQ chính truyện).

Nhà hàng Hàm Hanh dưới ngòi bút của ông cũng tiếng nổi như cồn, vì nhân vật Khổng Ất Kỷ thường xuyên đến uống rượu nhắm đậu hồi hương rồi khất lần (Khổng Ất Kỷ, hình dưới), ai qua nhà hàng xưa cũng phải mua rượu vàng Thệu Hưng và gói đậu hồi hương về làm kỷ niêm.

Suốt đời, chủ tịch Mao chỉ khen ngợi 2 nhà văn: Lỗ Tấn và nhà báo Trâu Thao Phấn. Sau khi nước CHNDTH thành lập (1949), ông đã hưởng vinh quang tột độ: tạc tượng, đặt tên đường, tác phẩm được ưu tiên chọn vào sách giáo khoa…

Đứng trước cổng vào Cố cư, dưới bức hình lớn ông đang ngậm điếu thuốc, như đang chăm chăm nhìn các nhà thơ vãn bối đến từ thập phương. Tôi thầm nghĩ, may là ông đã chết trước đó 16 năm, nếu không, với cá tính phản nghịch và nói năng bộc trực, chắc chắn ông sẽ khó qua nổi các kiếp nạn như bị bêu diếu, nhốt chuồng bò, tù đầy hoặc buộc phải “im lặng mãi mãi” như nhà văn Lão Xá (xem bài Cố cư Lão Xá, cùng tác giả, từng đăng trên KTNN).

Lữ Khách

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/du-lich-c-82/tha-hon-tren-que-huong-lo-tan-116371.html