'Thà nằm nhà thất nghiệp còn hơn chọn bừa một công việc sau dịch'

Quyết 'không chọn bừa', nhiều người thất nghiệp 'lánh nạn' về quê, sống nhờ bố mẹ, trong khi số khác cố bám trụ thành phố, chờ cơ hội việc làm.

Hơn một tháng rồi, Thu Uyên (25 tuổi, trú ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) nhận được hàng chục email thông báo từ công ty. Đầu tiên là cắt tiền ăn trưa, tiếp đến là cắt tiền gửi xe, vài bữa lại cắt lương thưởng hiệu quả…

Mỗi email gửi đến là một lần Uyên thấy ví tiền mình một vơi đi và tương lai mờ mịt hơn ở vài tháng tới.

Làm việc tại một công ty bất động sản ở TP.HCM, năm ngoái, thu nhập trung bình mỗi tháng của Uyên là khoảng trên dưới 15 triệu đồng. Không quá dư thừa, nhưng đủ sống và hết lòng vì công việc.

Tuy nhiên, sau vài tháng bùng phát đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản chững lại, doanh thu công ty giảm liên tục, lương thưởng của nhân viên cũng chẳng còn lại bao nhiêu. Thu nhập giảm nhưng tiền nhà vẫn vậy, ăn tiêu vẫn phải ăn tiêu.

Sau nhiều đợt đắn đo, cuối cùng, Uyên quyết định dứt áo ra đi, tìm một công việc khác với mức lương tốt và ổn định hơn. Tuy nhiên, thủ tục thôi việc đã hoàn tất từ một tháng trước nhưng công cuộc tìm việc của cô vẫn chưa đâu vào đâu. Nói cách khác, giờ đây cô thất nghiệp.

 Phần lớn người lao động bị ảnh hưởng mất việc làm hoặc giảm thu nhập vì dịch Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Phần lớn người lao động bị ảnh hưởng mất việc làm hoặc giảm thu nhập vì dịch Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Câu chuyện mất việc, thất nghiệp, chật vật tìm việc làm mới sau mùa dịch Covid-19 cũng không phải là chuyện của riêng Thu Uyên.

Kết quả khảo sát của VietnamWorks trên 400 doanh nghiệp và 3.400 người tìm việc cho hay, trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và sau giãn cách xã hội, hơn 40% doanh nghiệp cho biết đã phải cắt giảm nhân sự và giảm lương nhân viên để duy trì hoạt động qua cơn khủng hoảng.

Trong tình cảnh khó khăn, một số người trẻ thất nghiệp, sinh viên vừa ra trường tìm đường về quê, sống nhờ trợ cấp bố mẹ, số khác quyết tâm bám trụ thành phố, hồi hộp chờ từng tin nhắn, cuộc gọi hồi âm từ các trung tâm giới thiệu việc làm, doanh nghiệp.

"Lánh nạn" với gia đình

Gần 1 tháng trụ lại Sài Gòn bằng tiền tiết kiệm, Thu Uyên vẫn không tìm được việc làm. Không phải là hoàn toàn không có nơi nào nhận Uyên nhưng 9X chia sẻ sau vài lần đi phỏng vấn cô vẫn không tìm được nơi "hạ cánh" ưng ý.

"Được cái này, mất cái kia. Mình thà nằm nhà chờ tiếp còn hơn chọn bừa một công việc sau dịch", Uyên nói chắc nịch.

Sau vài lần tự nhủ "không được chọn bừa", 9X rút ra kết luận đây có lẽ không phải mùa để tìm việc. Cuối cùng, Uyên quyết định khăn gói về quê, sống nhờ nhà bố mẹ chờ đến mùa, nhưng cụ thể là mùa nào, tháng mấy thì cô chưa biết.

Chung cảnh ngộ với Thu Uyên, Quốc An (sinh năm 1999, quê Bình Dương) cũng phải về quê “lánh nạn” với gia đình trong vài tháng sau Tết Nguyên đán. Khi TP.HCM dỡ lệnh cách ly, An trở lại đây để xin việc làm nhưng chưa có bên nào nhận.

 Nguồn: VietnamWorks.

Nguồn: VietnamWorks.

Nghỉ ở nhà dài ngày nên suốt 2 tháng nay, An phải “cầu cứu” tiền trợ cấp của bố mẹ. Nhắc đến hai chữ “xin việc” khiến 9X cảm thấy mệt mỏi, hoang mang khi số tiền hỗ trợ từ gia đình cũng không đủ chi trả phí sinh hoạt đắt đỏ tại thành phố.

Trong khi đó, các công ty lại đưa ra một mức lương quá thấp nhưng lại yêu cầu sinh viên nhiều nghĩa vụ không hợp lý như ép buộc làm ngoài giờ, đặt chỉ tiêu công việc ngang ngửa nhân viên chính thức...

Rải CV khắp nơi, trông chờ từng cuộc gọi

Từ khi TP.HCM dỡ cách ly đến nay, Hà Trúc (sinh viên năm 3, ĐH Sư Phạm TP.HCM) đã gửi hồ sơ xin việc đi khắp nơi nhưng chưa nhận được hồi âm từ công ty nào. Không xin được việc, mỗi ngày cô phải chắt chiu từng đồng trong khoản tiền tiết kiệm để trang trải cuộc sống.

“Gần cả tháng nay không xin được việc, mình cảm thấy hơi nản và bí bách một chút. Quá trình xin việc vốn đã khó xưa giờ, nhưng vì dịch Covid-19 mà còn khó hơn gấp nhiều lần”, Hà Trúc tâm sự.

Mỗi ngày chờ email phản hồi từ nhà tuyển dụng giống như “cực hình” với Trúc. Từ hy vọng, mong chờ nhanh chóng chuyển sang chán nản, lo âu khi chờ hơn cả tuần cũng không thấy thư hồi âm từ phía công ty.

Chia sẻ với Zing, 9X cho biết không chỉ Trúc mà nhiều bạn bè của cô cũng đang lâm vào tình trạng tương tự. Ước mơ của Trúc là trở thành chuyên viên truyền thông nên cô mong muốn tìm được một công việc trong lĩnh vực này để tích lũy kinh nghiệm về sau.

Tuy nhiên, với tình hình như hiện tại, khi số tiền dành dụm ngày càng ít ỏi, cô dự định sẽ khởi động lại công việc bán bánh tạm thời như xưa để cầm cự tới khi tìm được việc.

Hàng triệu người trẻ trên khắp thế giới cũng đang lao đao vì mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.

Hàng triệu người trẻ trên khắp thế giới cũng đang lao đao vì mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.

Tương tự như Hà Trúc, khá nhiều sinh viên, người mới ra trường cũng đang nỗ lực tìm kiếm việc làm và chờ hồi âm từ các nhà tuyển dụng. Nhiều sinh viên cho biết, dù cố gắng “rải CV” khắp nơi nhưng chỉ nhận được những câu trả lời rất chung chung như “phản hồi sau”, “khi nào cần người sẽ báo lại sau”, “cần xem xét thêm”...

Trước đây, Xuân Linh (sinh năm 1999, TP.HCM) thường nhận làm CTV sự kiện cho các công ty, trung tâm, hội thảo… với mức lương cũng ổn để trang trải chi tiêu trong tháng mà không cần đến tiền chu cấp của bố mẹ. Nhưng từ lúc dịch bệnh bùng phát, các sự kiện lớn, nhỏ đều bị hủy phút chót hoặc bị cấm nên 9X đành tạm nghỉ.

Cứ tưởng sau dịch là có thể đi làm lại nhưng do tình hình chưa ổn định nên nhiều đơn vị tổ chức sự kiện quyết định dời qua một khoảng thời gian khá xa hoặc chuyển sang làm trực tuyến để an toàn, đỡ tốn chi phí vào nhân sự. Điều này khiến Linh thấy lo lắng nhưng cũng không biết nên “cầu cứu” với ai.

Để có tiền trang trải học kỳ còn lại của năm học, 9X dự định mở rộng tìm kiếm việc làm sang các lĩnh vực khác. Hiện cô đang liên hệ với nhiều trung tâm hỗ trợ xin việc, dò la các trang tuyển dụng trên mạng để gấp rút tìm được công việc mới.

“Giờ mình chỉ mong mọi thứ nhanh chóng ổn định lại có thể sớm đi làm”, 9X bày tỏ.

Lê Vy - Phương Thảo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tha-nam-nha-that-nghiep-con-hon-chon-bua-mot-cong-viec-sau-dich-post1085936.html