Tha thiết tiếng hát về Người

Dịp này về quê, thấy người chị họ gần 50 tuổi rồi mà vẫn say sưa tập hát cùng đội văn nghệ thôn bản. Trang phục dân tộc, sắc màu quá. Giọng hát của chị dù nhuốm màu thời gian, không còn trong trẻo như thời trẻ nhưng vẫn tha thiết giàu cảm xúc khi hát 'Bác Hồ một tình yêu bao la' của nhạc sĩ Thuận Yến. Chị chia sẻ: Hát bài này từ thời còn son rỗi, giờ sắp thành bà ngoại mà vẫn dạt dào tình cảm. Mỗi lần hát chị lại hồi tưởng lần về thăm làng Sen quê Bác, lần thăm Lăng Bác Hồ ở Thủ đô Hà Nội…Chị mong ước: Sẽ có lần thăm Bến Nhà Rồng ở TP Hồ Chí Minh…

Làm sao không có cảm xúc, bồi hồi khi hát về Bác Hồ, một con người cả đời vì nước, vì dân. ở tuổi thơ, học những chữ cái đầu tiên, đã cất cao tiếng hát cùng các bạn cùng lớp mẫu giáo: "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” (nhạc sĩ Phong Nhã). Rồi lớn lên chút nữa, vai đeo khăn quàng đỏ, mắt ngời sáng hát trong ngày khai trường: "Cho ánh nắng ban mai là những ánh bình mình/ Cho những đêm trăng rằm là chị Hằng tươi xinh/… Người cho em tất cả là Bác Hồ Chí Minh” (Bác Hồ người cho em tất cả - nhạc sĩ Hoàng Long - Hoàng Lân). Đến tuổi này, háo hức được mẹ cha thưởng cho chuyến thăm quan trong dịp hè để cùng hát "Từ rừng xanh cháu về thăm Lăng Bác” (Nhạc và lời Hoàng Long). Một tuổi thơ dào dạt cùng các chương trình hát về Bác trên Đài Tiếng nói Việt Nam của các bạn cùng trang lứa thuộc đội Họa Mi, Sơn Ca…

Những bài ca đi cùng năm tháng cũng là những bài ca hát về Người. Lớp lớp nhạc sĩ, ca sĩ và người yêu thích âm nhạc say đắm những chương trình ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, các chương trình ca nhạc "Khắp nơi ca hát”, hay nhóm ca khúc Chính trị sôi động những năm 70, 80, 90 của thế kỷ trước và nối dài đến hôm nay. Nhiều ký ức đẹp, nhiều kỷ niệm đáng nhớ vẫn vang vọng đến hôm nay. Sau năm 1975, làn sóng ca nhạc nhẹ từ miền Nam tràn ra phía Bắc. Trước đây, cứ nghĩ ca sĩ TP Hồ Chí Minh chỉ quen hát nhạc trẻ sôi động, hoặc nghiêng về lối hát "nhạc vàng”, nhưng chỉ cần nghe, cần xem ca sĩ Họa Mi, Lan Ngọc hát "Bên tượng đài Bác Hồ” (Nhạc và lời: Lư Nhất Vũ - Lê Giang) và "Viếng Lăng Bác” (thơ Viễn Phương, nhạc Hoàng Hiệp) trên nền nhạc điện tử đủ thấy sự cảm nhận, tình cảm mà họ thể hiện trong bài hát sâu đậm đến mức nào. Người anh họ có một kỷ niệm không thể nào quên trong thời sinh viên ở một trường đại học ở Hà Nội. Thời đó, vì có chương trình học ngoại khóa, nên được thưởng thức một chương trình nghệ thuật mà chủ tọa diễn đàn trước lớp chính là nhạc sĩ Trần Hoàn và nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền. Lớp học gần 30 sinh viên như "nuốt” từng câu chuyện, câu hát mà nhạc sĩ, ca sĩ trình bày về chủ đề Hồ Chí Minh. Có câu chuyện, câu hát mà người thể hiện và người nghe đều rưng rưng xúc động. Hôm đó, nghệ sĩ Thu Hiền mộc mạc, giản dị trong trang phục áo bà ba chất liệu nhung đen đã đem đến chương trình những bài hát nằm lòng bao thế hệ sinh viên: "Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm”, "Thăm bến Nhà Rồng”… Và những câu chuyện của nhạc sĩ Trần Hoàn về hoàn cảnh, sự ra đời của mỗi bài hát khiến mọi người không quên… Tình yêu đất nước, ý chí vươn lên vượt mọi khó khăn, thách thức cùng những giá trị nhân văn được lan tỏa trong mỗi người cũng từ những bài hát này…

Hàng trăm bài hát, hàng ngàn bài hát đã viết về Người. Hàng năm, mỗi dịp tháng 5, "Tiếng hát từ làng Sen” tại Nghệ An vẫn quy tụ các đội nghệ thuật từ mọi miền đất nước về đây để cùng hát, cùng nghe những bài hát thẫm đẫm tình cảm với người Cha già của dân tộc. Họ hát những bài từng sống trong lòng bao người dân đất Việt và cả ca khúc nước ngoài viết về Bác. Trong đó, có bài hát Bài ca Hồ Chí Minh của nhạc sĩ người Anh: Ewan MacColl, một bài hát mà bất cứ ở đâu trên trái đất này có những người yêu chuộng hòa bình, yêu đất nước Việt Nam, kính trọng Bác Hồ đều được cất lên tha thiết: Miền biển Đông, xa tắp nơi chân trời/ Ở nơi xa đó, người dân đói nghèo/ Từ đau thương người đi khắp năm châu/ Lòng tin mặt trời chân lý sáng soi/ Rọi chiếu sáng dân mình/ Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!.

Tản văn của Bùi Huy

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/166189/tha-thiet-tieng-hat-ve-nguoi.htm