Tha thứ
Bà Hương đi về phía cửa, run run bước lên mấy bậc tam cấp vào nhà rồi lật đật lấy mấy cây nhang, quẹt lửa mãi mới đốt cháy được. Bà lầm rầm một lúc rồi cắm lên ban thờ. Mùi nhang trầm bảng lảng bay khắp căn nhà dần giúp bà trấn tĩnh lại.
- Má ơi! Má có nhà không Hai?
- Má vừa vào trong nhà!
- Má đã hay chuyện gì chưa?
- Rồi!
- Em nghe người ta nói rần rần nên xin nghỉ sớm về liền hà! Rồi giờ má tính sao?
Bà Hương ngồi trong nhà, loáng thoáng nghe tiếng được tiếng không, lỗ tai bà lúc này cứ bùng nhùng, đầu óc bà rối u rối mù. Ông ấy vẫn còn sống. Vẫn còn sống mà đến mấy chục năm rồi không về. Bà giận, giận lắm. Giận từ cái ngày ông ấy trốn nợ bỏ xứ mà đi, để lại bà với ba đứa con thơ và món nợ tưởng như đến chết cũng không trả hết được; giận đến tận bây giờ khi còn sống mà cũng không chịu về, không một lần bắn tin. Nhưng cũng thương, thương lắm. Thương vì ở nơi đất khách quê người, mấy chục năm rồi ông ấy phải lủi thủi một thân. Bà cứ bần thần khi nghĩ đến câu hỏi của con: Giờ sao má? Giờ sao, bà cũng chưa biết.
Lúc sau, dù bà chưa gọi thì các con bà đã tập trung cả về. Dâu rể có hết. Chúng rủ rỉ to nhỏ ngoài sân. Chúng tranh luận, bàn bạc. Bà Hương gọi với ra phía ngoài:
- Vào cả đi!
Họ vào, ngồi quanh bà. Anh con trai lớn nhìn bà có vẻ sốt ruột:
- Bây giờ tính sao má?
- Bây vào đưa ông ấy về đi.
Bà vừa dứt lời, người con gái thứ hai đã vùng vằng:
- Ai đi thì đi chứ tui không đi đâu hết. Ổng có gan đi, có gan về.
- Kìa, chị Ba.
- Tui nói thật. Ngày xưa, ổng đổ nợ rồi bỏ đi, đi biệt tăm biệt tích. Mấy người biết vì sao tôi có vết sẹo này không? (Ba Tình vừa nói vừa chỉ vết sẹo đang đỏ tía lên trên mặt mình). Bữa đó, bọn đòi nợ lại đến, họ khuân hết đồ, có gì giá trị một chút là họ vét sạch, trừ chổi cùn rổ rách. Tui cõng con Hoa chạy đi gọi má về. Má sấp ngửa chạy trước, tui lếch thếch theo sau, thở không ra hơi mà vẫn ráng. Về còn giữ đồ chứ. Họ khuân đồ đi, má lao vào khóc rồi xin, xin không được thì giành giữ. Má bị đánh ngã nhào vào đống đồ, chết ngất.
Tui chạy lay má, tưởng má chết rồi, tui khóc quá trời. Ngày đó mới chín mười tuổi đầu mà gan, tui bỏ con Hoa chỗ má, chạy lại chụp tay kẻ vừa đánh má cắn nghiến. Hắn bị đau quá, hét lên rồi nhấc tui lên lẳng ra như lẳng một con nhái. Đầu tui cắm vào con rựa đang nằm lăn lóc trong đống đồ, máu loang ra. Lúc đó má mới tỉnh lại. Má nhớ không má? Lúc đó má lao đến ôm con gào khóc. Lúc đó hàng xóm mới vây đến. Người ta xì xào, người ta ùa vào. Người ta nói bọn kia giết người rồi, người đâu mà ác thế. Má còn nhớ không?
Cũng may có hàng xóm lên tiếng, bọn đòi nợ mới bỏ đi. Đồ đạc họ cũng để ngổn ngang ở sân, chén bát bể vỡ, lăn lóc… Má còn nhớ không? Họ bỏ đi, họ cho má con mình con đường sống để làm trả nợ. Má ôm con gào khóc, má kêu má hận ổng, má sẽ không bao giờ tha thứ cho ổng. Má nhớ không? Con Hoa cũng khóc quá trời, mà lúc đó nó còn nhỏ quá, giờ đâu nhớ gì… Mày chẳng nhớ gì những chuyện kinh khủng đó Hoa ạ.
Ba Tình càng nói, vết sẹo trên mặt càng đỏ, cái mũi cũng đỏ, hai con mắt cũng đỏ và ầng ậng nước. Bà Hương ngồi nghe mà chết lặng. Đúng là ngày đó khổ trần ai. Ông ấy bỏ đi mà có cõng nợ đi theo đâu. Mẹ con bà ở nhà nơm nớp lo sợ, cứ có tiếng ồn ào ngoài ngõ là giật mình thon thót. Rồi muốn yên thân thì lo làm mà trả nợ.
Thằng Hai, con Ba đứa lớp 7, đứa lớp 5 đã phải nghỉ học. Nghỉ để dồn lực trả nợ. Trả được nợ mới sống được. Chúng phụ mẹ làm tất cả mọi việc, chăn gà, chăn heo, mò cua bắt ốc. Chăn bò thuê. Tích cóp từng đồng. Có khi chúng thèm miếng bánh rán, thèm que kem mát lạnh giữa trưa hè mà đành nuốt nước miếng bảo nhau để dành tiền trả nợ. Bà thương đến thắt lòng. Bé tí tuổi đầu mà lúc nào cũng phải nghĩ đến tiền, đến nợ. Lúc đó bà lại nghiến răng nguyền rủa lão chồng tệ bạc.
Phải mất mấy năm bà mới trả hết nợ. Trong ba đứa con, chỉ có con Út được học hành đến nơi đến chốn, có công việc đàng hoàng chứ hai đứa kia thất học từ ngày đó. Bà Hương nhìn hai Tính và ba Tình, chưa đến bốn mươi mà đứa nào cũng già chát chúa, đen sạm.
- Vậy cô định sao? Má, má nói gì đi chứ!
Tiếng con trai cắt ngang suy nghĩ của bà Hương. Bà ngồi ngay ngắn lại, nhìn lần lượt từng đứa con, giọng chậm rãi mà rành rẽ:
- Chuyện cũng đã qua hơn hai chục năm rồi. Chẳng phải các con bây giờ cũng vợ chồng con cái đùm đề cả rồi sao. Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại…
Ba Tình vùng vằng cắt ngang:
- Nhưng ổng có chạy lại đâu má. Ổng bỏ đi cho yên cái thân ổng. Giờ ổng đùng cái xuất hiện, rồi nói vậy người ta lại nghĩ bọn chúng con bất hiếu, có cha già mà để lang thang, vất vả như vậy…
- Kìa chị!
- Chứ sai à.
Ba Tình càng nói càng tức. Ông già chơi bài chơi bạc đến đổ nợ rồi bỏ xứ mà đi để một đống nợ cho vợ con. Cứ nghĩ đến cái video người ta đang truyền nhau trên mạng, cả làng, cả xã này đang bán tán mà ứa gan. Một nhóm từ thiện nào đó, người ta thấy ổng già cả, khổ sở đi bán vé số nên người ta quay lại, kêu gọi lòng hảo tâm. Rồi người ta hỏi, ông già nói ông ở làng này, xã này. Đấy, có phải già đến lú lẫn không nhớ quê nhớ xứ đâu. Vẫn nhớ mà không thèm về. Không thèm về thì đừng nói ra để con cái nó mang tiếng chứ.
Ba Tình xổ một tràng. Bà Hương nhìn con mà rưng rưng. Bà không trách con. Nó nghĩ cũng có cái lý của nó. Cái lý bắt nguồn từ sự hoảng sợ, khổ sở, cơ cực trước kia. Giá kể ngày ấy ông ở nhà, lo tu chí cùng làm ăn trả nợ thì giờ này con nó đâu hằn học cay đắng vậy chứ.
Bà Hương nén tiếng thở dài nặng trĩu. Già đến tầm tuổi này rồi bà cũng chẳng còn giận hờn, trách móc chi nữa. Cũng sắp hết một đời rồi còn gì. Bà hiểu, có lẽ ông ấy cũng muốn trở về quê lắm mà không dám. Đúng rồi, ông ấy không dám về, không dám đối diện với vợ con vì cái lỗi mình gây ra. Nhưng thói đời, lá rụng về cội. Cáo dù chết ba năm vẫn quay đầu về núi. Giờ này, có lẽ ông ấy nhớ quê nhiều lắm.
- Má biết chúng bay chịu nhiều cơ cực. Nhưng giờ chẳng phải đã yên ổn cả rồi sao. Má còn được nhìn bay trưởng thành, dựng vợ gả chồng, ẵm bồng các cháu. Còn ông ấy, lủi thủi bao năm. Dù gì ông ấy cũng là cha bay. Có ông ấy mới có chúng bay chứ, phải không cái Ba? Còn cha còn mẹ vẫn hơn, không cha không mẹ như đờn đứt dây.
- Cha như ổng không có còn hơn! Con nói rồi, ai đi đón ổng thì đi, con không đi! - Ba Tình vẫn giữ thái độ khó chịu khi nhắc đến ba.
- Hai mươi bảy năm rồi phải không? Ông ấy bỏ đi từ ngày con Út mới ba tuổi. Từng ấy thời gian chắc chịu đủ dằn vặt, cô đơn rồi. Chúng ta giận vậy cũng đủ rồi. Thôi, bỏ đi. Ông trời còn muốn cho ông ấy quay về với gia đình, với quê hương nên mấy năm dịch bệnh hoành hành, biết bao người chết mà ông ấy vẫn vượt qua được.
Ba Tình nín lặng, vết sẹo lồi kéo dài từ thái dương xuống ngang má đã bớt đỏ. Không ai nói gì, không khí trong nhà như đang cô đặc lại. Ngột ngạt. Một làn gió từ ngoài ùa vào, bà Hương thở thốc ra. Bà dặng hắng, nhưng chưa biết nên nói sao. Anh con rể - chồng ba Tình lên tiếng:
- Thưa má, thưa anh Hai! Con nghĩ cuối tuần này anh Hai, dì Út với vợ con vào đó một chuyến, đón ba về. Địa chỉ con đã ghi cả đây rồi.
- Ai mướn anh quyết định vậy? Tui không đi đâu hết á.
Ba Tình đứng dậy, bỏ ra ngoài. Chồng ba Tình định đuổi theo nhưng bà Hương ngăn lại:
- Kệ nó đi. Tính nó vậy hồi giờ con còn lạ gì. Ngày đó, nó khổ quá mà. Giờ nó có vậy cũng chẳng trách được.
- Má yên tâm, để con khuyên nhủ nhà con.
Bà Hương khẽ gật đầu. Hình ảnh ông ấy lại xuất hiện. Trong video người ta quay, ông ấy đã già lắm rồi, gầy gò, xanh xao. Mái tóc đã trắng gần hết. Bộ quần áo bạc màu nhàu nhĩ. Giọng nói cũng ít nhiều thay đổi nhưng ánh mắt, cái khuôn mặt dù có nhăn nheo thì vẫn không lẫn vào đâu được.
Khuôn mặt của thằng Hai bây giờ cũng hao hao như vậy. Ông ấy vẫn nhớ quê, vẫn nhớ có vợ và ba đứa con cơ mà. Nhìn vậy, nghe vậy, bà không còn giận được nữa. Nhưng sợ chỉ có thằng Hai và con Út đi, ông ấy sẽ không về. Cảm giác tội lỗi sẽ khiến con người ta không thể nào mà cất bước được. Bà Hương thở dài thườn thượt, mệt nhọc chống gối đứng dậy đi vào trong buồng. Bà chẳng muốn nói gì thêm.
*
Buổi sáng cuối tuần, khi mặt trời còn đang ngái ngủ, gà trên chuồng còn chưa kịp gáy sáng, trong sân nhà bà Hương đã ồn ào tiếng người, tiếng xe. Mấy người chở nhau ra bến xe cho kịp chuyến vào thành phố. Hai chiếc xe máy với bốn người chuẩn bị xuất phát.
- Má yên tâm, chuyến này tụi con sẽ đón được ba về.
Bà Hương gượng cười, mắt vẫn hướng ra phía ngoài ngõ như chờ đợi điều gì đó. Chiếc xe máy ào vào sân:
- Chờ với!
Chồng ba Tình làm một vòng trong sân, quay đầu xe ra phía ngoài. Ba Tình đeo chiếc ba-lô nhỏ trên vai ngoái nhìn bà Hương:
- Hay má đi luôn với tụi con?
- Thôi, má còn coi nhà. Mấy đứa đi sớm về sớm.
Ba chiếc xe máy chầm chậm rời ngõ hướng về phía thị trấn, nơi có chuyến xe khách đang chờ. Ánh bình minh bắt đầu nhô lên khỏi ngọn núi cuối làng, hồng rực.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/tha-thu-post66793.html