Thả trên 8 tấn cá giống phát triển nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà
Sáng 12/12, tại bến cảng Ruby, huyện Yên Bình, Công ty Cổ phần Nuôi trồng và Chế biến thủy sản Việt Nam (Vietfood VN) đã tổ chức thả cá giống phát triển vùng nguyên liệu gắn với bảo vệ, khai thác và liên kết thủy sản tại hồ Thác Bà.
Dự và chứng kiến thả cá có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Chi cục Thủy sản tỉnh và lãnh đạo huyện Yên Bình.
Tại buổi lễ, Công ty Vietfood Việt Nam đã thả trên 8 tấn cá giống xuống lòng hồ Thác Bà với các loại cá như: trắm đen, trôi, chép, mè hoa với trị giá khoảng 500 triệu đồng. Cá giống được thả là cá khỏe, có kích thước đồng đều, không xây xát, không dị tật, không mang mầm bệnh, được luyện ép kỹ trước khi vận chuyển.
Đại diện Công ty cho biết, theo kế hoạch Công ty sẽ thả xuống lòng hồ Thác Bà khoảng gấn 1.000 tấn cá giống với mẫu cá từ 1-3 lạng/con. Chương trình này sẽ góp phần bổ sung tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản tại hồ Thác Bà nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu với sản lượng khai thác hàng năm đạt từ 7.000 đến 10.000 tấn cá các loại; thành lập được các tổ chức đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các địa phương vùng ven hồ Thác Bà, duy trì hoạt động quản lý, bảo vệ, khai thác thủy sản theo quy định của pháp luật.
Đồng thời tạo ra việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương thông qua hoạt động khai thác thủy sản tự nhiên gắn với hoạt động hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm của Công ty Vietfood Việt Nam; tạo vùng nguyên liệu sạch hướng đến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm thủy sản phục vụ xuất khẩu tại địa phương.
Hồ Thác Bà là 1 trong 4 hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, được hình thành khi Nhà nước xây dựng hồ thủy điện Thác Bà vào năm 1970. Diện tích vùng hồ 23.400 ha, diện tích mặt nước 19.050 ha, chiều dài của hồ là 80 km, chiều rộng từ 5-15 km, mực nước dao động từ cốt 46 đến cốt 60, chứa được 3 đến 3,9 tỉ mét khối nước; có diện tích lưu vực 6.430 km² (trên lưu vực sông Chảy) với nguồn nước chủ yếu từ vùng rừng núi đổ về kết hợp với lòng sông dốcđã tạo cho hồ Thác Bà có nguồn thức ăn tự nhiên cho thủy sản rất phong phú và ổn định.
Hiện trên vùng hồ Thác Bà có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, 11 tổ hợp tác và trên 300 hộ dân tham gia các hoạt động nuôi trồng thủy sản với hai hình thức nuôi phổ biến là nuôi cá trong lồng và nuôi cá trong eo ngách. Các loài thủy sản nuôi trên hồ Thác Bà đa dạng phong phú, hiện nay một số loài đang được nuôi phổ biến và có giá trị kinh tế cao như: cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng, cá lăng, trắm đen, trắm cỏ, cá chép, cá ngạnh, cá tầm... Năng suất cá nuôi lồng đạt trung bình từ 20-25 kg/m³/năm, một số giống cá nuôi đạt từ 30-35 kg/m³/năm như cá lăng đen, lăng hồng góp phần vào tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân và doanh nghiệp.