Thạc sĩ chạy Grab được đào tạo 'kiểu Đông Đô'

ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cho rằng, không phải thạc sĩ, tiến sĩ đã là nhân tài, còn việc thạc sĩ làm Grap thực ra số liệu tôi không có trong tay nhưng nói như thế chắc thạc sĩ Grap là thạc sĩ đào tạo kiểu Đông Đô (tức đào tạo chui), không phải là thạc sĩ theo đúng nghĩa.

Nhân tài muốn phát triển phải có môi trường tốt

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, sáng 24/10, Quốc hội nghe giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức trước khi tiến hành thảo luận tại hội trường. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Tại Dự thảo Luật Cán bộ công chức và Luật viên chức có nội dung Chính sách đối với người có tài năng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, người có tài năng nói chung là một khái niệm rất rộng, tương ứng với mỗi ngành, lĩnh vực thì các tiêu chí và yêu cầu đối với người có tài năng là không giống nhau. Vì vậy, việc xây dựng một khái niệm chung về người có tài năng trong luật này là khó khả thi.

Toàn cảnh phiên họp ngày 24/10.

Toàn cảnh phiên họp ngày 24/10.

Trong phạm vi của Luật Cán bộ, công chức, xin Quốc hội cho bổ sung khái niệm "người có tài năng trong hoạt động công vụ" và quy định về chính sách trọng dụng, đãi ngộ, cơ quan có thẩm quyền quy định về khung chính sách, quyết định áp dụng chế độ, trọng dụng đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn.

Thảo luận tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) cho biết: "Có nhiều tỉnh rải thảm đỏ mời thạc sĩ, tiến sĩ về làm việc. Có nhiều tỉnh, thành phố đã có chương trình đào tạo nhân tài, cử đi nước ngoài đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Xin hỏi có bao nhiêu % thạc sĩ, tiến sĩ đó phát triển được, đóng góp được cho tỉnh, thành phố đó. Chúng ta biết có rất nhiều thạc sĩ, tiến sĩ nước ngoài về đang thất nghiệp. Hỏi những người đó được đào tạo tốt như vậy, họ có phải nhân tài hay không? Câu trả lời là không, họ là người giỏi, người có khả năng. Nhân tài muốn phát triển cần có một môi trường thật tốt. Giống như hạt giống tốt phải gieo đất tốt thì mới đơm hoa kết trái".

Đại biểu Quang Tuấn cũng băn khoăn: "Hạt giống tốt, đất tốt nhưng tâm không tốt thì sao, có rất nhiều người giỏi, môi trường rất tốt nhưng họ lại không có đủ nhiệt huyết cống hiến, họ không thể đưa ra sáng kiến, đưa ra những đề tài tốt cho xã hội, thậm chí có người có cả 3 yếu tố đó, vừa giỏi, vừa có môi trường, vừa có nhiệt huyết, nhưng tâm đóng góp của họ không cho đất nước, cho cá nhân, cho quyền lợi ích nhóm thì liệu họ có là người tài chúng ta công nhận hay không".

Làm sao phát hiện người tài trong dân

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) lại lấy ví dụ cụ thể: "Xưa kia thì cha ông ta gọi là hiền tài, Bác Hồ thời kỳ đầu gọi là hiền năng và chúng ta ngày nay gọi là người có tài năng, bản chất cũng chỉ là một nhưng phương pháp chọn của Bác Hồ theo tôi tìm hiểu thì có ba tiêu chí rất giản dị như phong cách của Bác. Một là hỏi bạn học xem ngươi có giỏi không, những người "cạnh tranh tiếng gáy" mà thừa nhận người ấy giỏi thì người đó giỏi thật.

Thứ hai là hỏi hàng xóm xem người ấy có hiếu nghĩa với cha mẹ, hiếu đễ với anh em, có tình nghĩa với hàng xóm không, người ấy là người có đức. Thứ ba là vấn đáp xem người ấy hiểu biết về tình hình thế giới, trong nước, chính sự thế nào, lòng dân ra sao, giao trọng trách có đảm nhận được không, nếu như hoàn thành thì người ấy là người có tài. Ba tiêu chí của Bác Hồ chính là hiền tài mà chúng ta đang cần và chính vì lẽ đó mà Bác Hồ đã lựa chọn được một thế hệ cán bộ đầu tiên từ khi "phôi thai" cho cách mạng cho đến khi lập ra Chính phủ lâm thời và thế hệ cán bộ đấy đã đi vào lịch sử của chúng ta".

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, thạc sĩ Grap là thạc sĩ đào tạo kiểu Đông Đô. Ảnh: LB.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, thạc sĩ Grap là thạc sĩ đào tạo kiểu Đông Đô. Ảnh: LB.

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nêu ý kiến: "Tôi đã nói một ý của Bác Hồ tại Kỳ họp thứ bảy: "Người tài ở trong dân". Bác đã từng kêu gọi các tỉnh, các địa phương phải cung tiến, phát hiện và tiến cử người tài. Chính Bác cũng là người thu hút người tài về, Bác mời cụ Bùi Bằng Đoàn, cụ Huỳnh Thúc Kháng, kỹ sư Phạm Ngọc Lễ, bác sĩ Phạm Hồng Đức, v.v. vào trong bộ máy nhà nước. Vấn đề là người dân chúng ta phát hiện thế nào? Làm sao để tạo cơ hội cho họ được đóng góp vào xây dựng nhà nước. Quy định tại khoản 1 Điều 6 chỉ mới là quy định trong bộ máy nhà nước. Bởi vì Điều 6: "Người tài năng trong hoạt động công vụ", bây giờ những người tài khác ngoài bộ máy thì sao? Vấn đề ở chỗ làm sao phát hiện người tài trong dân như Bác Hồ đã làm".

Riêng đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) phản biện lại một số ý kiến: "Tôi tranh luận với đại biểu Nguyễn Quang Tuấn ở chỗ chính sách trọng dụng nhân tài là đúng đắn nhưng việc tổ chức thực hiện là chưa chuẩn và chưa có tiêu chí chung để chúng ta thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý và thực hiện chính sách cho người tài.

Tôi nghĩ, không phải thạc sĩ, tiến sĩ đã là nhân tài, còn việc thạc sĩ làm Grab thực ra số liệu tôi không có trong tay nhưng nói như thế chắc thạc sĩ Grab là thạc sĩ đào tạo kiểu Đông Đô (tức đào tạo chui), không phải là thạc sĩ theo đúng nghĩa của chúng ta. Nếu nói như thế thì rất nhiều đại biểu cũng hơi phân vân về bằng thạc sĩ của mình. Tôi xin đề nghị vấn đề này có lẽ chúng ta cũng nên bám sát vào phạm vi, đối tượng và phạm vi sửa đổi của luật này để thảo luận".

Lê Bảo

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/thac-si-chay-grab-duoc-dao-tao-kieu-dong-do-20191024145117094.htm