Thạc sỹ khoa học 28 tuổi và câu chuyện 'bỏ phố về làng' để trồng dâu tây
Đoàn Thu Trà (Cao Bằng) khởi nghiệp bằng mô hình trồng cây dâu tây và hoa hồng, với doanh thu hơn 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 20 lao động. Nữ Thạc sỹ nông nghiệp là một trong 34 nhà nông trẻ xuất sắc nhất được trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2019.
Đoàn Thu Trà sinh năm 1991, quê ở xóm Đà Quận, xã Hưng Đạo, Tp. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Sau khi tốt nghiệp Khoa Giống, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Thu Trà được tuyển vào làm cán bộ địa chính tại UBND xã Hưng Đạo; vừa đi làm, vừa hoàn thành xong chương trình Thạc sỹ ngành khoa học cây trồng.
Năm 2015, Trà bén duyên với anh Đào Duy Trường – giảng viên và chủ vườn hồng ngoại tại Thường Tín, Hà Nội. Hai người quyết định về chung một nhà vào năm 2016.
Năm 2017, Thu Trà quyết định xin nghỉ làm cơ quan nhà nước để theo đuổi đam mê của mình là phát triển kinh tế bằng mô hình trồng cây dâu tây và hoa hồng.Cô gái trẻtriển khai mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Cao Bằng: “Sản xuất dâu tây công nghệ cao và hoa hồng gắn với du lịch tâm linh - lịch sử Chùa Viên Minh”.
Từ 500m2 năm 2017, sau 2 năm Trà đã mở rộng trang trại của mình lên tới 2,5ha (2500m2) trồng dâu tây và 2ha hoa hồng với gần 7000 gốc hoa hồng nội, ngoại, lớn nhỏ. Với tổng doanh thu: 2.18 tỷ đồng /năm và lợi nhuận đạt 600 - 700 triệu đồng/năm. Tạo việc làm thường xuyên cho 20 công nhân (cả ở Cao Bằng và Hà Nội).
Nhân được trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2019, cô Thạc sỹ trẻ tuổi đã chia sẻ với tạp chí Phụ nữ Mới về câu chuyện khởi nghiệp và niềm đam mê nông nghiệp của mình
PV: Được biết, bạn và gia đình có trang trại trồng hoa hồng có tiếng tại Hà Nội, tại sao bạn không tiếp tục đầu tư, phát triển trang trại hoa hồng này mà quyết định trở về khởi nghiệp tại Cao Bằng?
- Đoàn Thu Trà (ĐTT): Nhu cầu về chơi và trồng hoa hiện nay ngày càng cao, mà nguồn cung cấp hoa ở Hà Nội không nhiều, chất lượng cũng không đảm bảo, nên mình đã có ý định tự nhân giống hoa để cung cấp cho nông trại của mình và để kinh doanh. Tuy nhiên ở Hà Nội, mặt bằng không có, đi thuê đất giá lại cao nên mình đã nảy ra ý tưởng về Cao Bằng để khởi nghiệp.
Quỹ đất ở Cao Bằng nhiều, người dân lại chưa biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, mình đưa cây dâu tây và hoa hồng về đầu tiên là để phát triển kinh tế cho gia đình mình, sau đó là để phát triển kinh tế cho địa phương, quê hương mình.
Cao Bằng có mùa đông lạnh và chênh lệch nhiệt độ giữa ngày - đêm cao. Thời tiết, khí hậu Cao Bằng rất phù hợp cho sự phát triển của dâu tây và hoa hồng. Với điều kiện đó, hoa hồng có mùa bật mầm, cây bật mầm rất tốt, có cây bật tới 2 – 3m, nhưng ở Hà Nội thì cây lại không đạt độ bật mầm như vậy. Với dâu tây, thì khí hậu mát và mùa đông lạnh ở Cao Bằng giúp cây cho quả lâu hơn.
Năm 2013, mình thử đưa vài trăm cây dâu tây về trồng chậu chơi thôi. Sau đó mình thấy cây dâu sống qua cả mùa hè và phát triển rất tốt. Nên mình mở rộng ra 300m2. Nhận thấy thị trường dâu tây tại Cao Bằng và Hà Nội có nhiều tiềm năng, mình quyết định mở rộng dần và đến nay diện tích trồng dâu của trang trại mình là 2ha.
Là người đầu tiên đưa cây dâu tây về Cao Bằng bạn đã gặp phải những khó khăn gì?
Lúc đầu đưa dâu tây về Cao Bằng cũng khó khăn lắm, bởi kỹ thuật mình chưa có. Dâu tây là một loại cây trồng mới mà ở Việt Nam thì cũng chỉ có Đà Lạt là trồng nhiều. Còn ở những vùng miền Bắc thì mới chỉ xuất hiện 5 – 7 năm trở lại đây.
Vào mùa hè, sâu bệnh rất nhiều: mốc, sương mai, nấm, côn trùng.Mình đã phải thử trồng rất nhiều giống dâu để lựa chọn được giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở đây. Có những năm, mình bị chết gần hết cả vườn dâu.Mìnhphải đặt mua lại và chuyển từ Hà Nội lên.
Đến khi nắm được chút ít về kỹ thuật, tìm được giống phù hợp cho năng suất ổn định, mình quyết định mở rộng,làm nhà kính và đầu tư trang thiết bị hiện đại như hệ thống tưới tự động thì lại gặp phải những khó khăn lớn hơn. Ngoài việc phải quay vốn đầu tư, thì ở Cao Bằng hầu như không thể mua được những trang thiết bị, vật tư mình cần. Mình phải đặt mua tất cả mọi thứ từ Hà Nội đưa lên, thợ cũng phải thuê từ Hà Nội lên lắp đặt, chi phí vô cùng cao. May mắn là bố mình có biết chút ít về cơ khí, nên nhờ ông hỗ trợ trong việc cắt hàn mà mình có thể tiết kiệm chút ít chi phí.
Rồi trong quá trình chăm sóc cây còn gặp muôn vàn tình huống khó khăn, như thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh... mình phải cố gắng tìm cách khắc phục.Năm đầu tiên sau khi mở rộng diện tích tới 2ha, mình đưa lên trồng thử 4 giống: dâu Nhật, dâu Hàn, dâu Newzealand và dâu Pháp, thì chỉ có 2 giống phát triển tốt và cho thu hoạch, 2 giống còn lại mình bị mất và không cho thu hoạch gì. Trồng 5000 cây thì chỉ có 2000 cây cho thu hoạch. Dâu Nhật và Hàn thì hợp và phát triển tốt, còn dâu New và dâu Pháp không ra trái sai, và lắm sâu bệnh hơn nên mình phải loại bỏ.Maymắn làluôn có gia đình ủng hộ và hỗ trợ mình.
Bí quyết gì khiến bạn vượt qua được những khó khăn trên để có được thành quả như ngày hôm nay?
Mình chẳng dám nói đến từ “bí quyết đâu” chỉ là mình phải tự tìm tòi, học hỏi, khi thất bại, thì tìm cho ra nguyên nhân để khắc phục.
Mình kết bạn với rất nhiều người bạn là chủ các trang trại trồng dâu ở Nhật Bản, Hàn Quốc, theo dõi họ và học hỏi từ những kinh nghiệm của họ. Mình không biết tiếng Hàn, tiếng Nhật, nên mình chủ động nhắn tin qua facebook và giao lưu với họ bằng vốn tiếng Anh ít ỏi. Ngoài ra, mình cũng tìm kiếm thêm các thông tin trên mạng internet để học tập.
Kế hoạch của bạn trong năm 2020 là gì?
Mình muốn làm nông nghiệp bền vững, và vẫn giữ định hướng đó từ khi mới bắt đầu cho tới sau này.Mình đầu tư khá nhiều về công nghệ cao và giống. Thì 2 năm nay mình gần như là đầu tư vào dâu tây và chưa có lãi. Tính trên diện tích, sản lượng thu được thì mình có lợi nhuận, nhưng cứ mỗi năm có thêm tiền, mình lại đầu tư thêm vào hoàn thiện công nghệ, gần đây nhất là mình đầu tư trang bị hệ thống tưới tự động cho nông trại.
Nếu mình không đầu tư vào công nghệ cao, mỗi năm mình sẽ mất rất nhiều chi phí cho các mục: chi phí nhân công làm đất, công tưới, rồi những chi phí khác như hao hụt phân bón do việc định lượng không được chính xác. Khi mình đầu tư vào công nghệ cao, mình chấp nhận lỗ trong 2 năm đầu, đầu tư hệ thống tưới, máy móc để tính toán được chính xác lượng phân bón đầu vào và lượng nước đi ra. Từ đó mình tiết kiệm được rất nhiều.Ngoài ra, bộ hệ thống tưới sử dụng công nghệ 4.0, nên mình có thể lập trình và điều khiển trên máy tính, điện thoại.
Hệ thống tưới này cũng có thể cung ứng được cho diện tích tới 50ha. Do vậy, trong năm tới mình muốn mở rộng nông trại hơn nữa, trồng thêm rau sạch, cà chua, dưa lưới...
Ngoài ra, mình muốn mua thêm máy sấy để sấy hoa hồng, chiết xuất nước cất, tinh dầu hoa hồng... Mình rất tự tin về sản phẩm hoa hồng của farm mình. Thực sự 3 năm nay, mình không hề sử dụng bất cứ loại hóa chất nào trên diện tích trồng hoa hồng. Cây hoàn toàn tự phải chống chọi với các điều kiện tự nhiên, khi qua mùa sâu bệnh, cây tự rụng lá và bật chồi mới.
Ngoài ra, mình muốn xây dựng thêm một chốn dừng chân cho khách tới thăm quan farm, nơi đó sẽ cung ứng các sản phẩm từ nông trại của mình như sinh tố dâu tây, mứt dâu, nước ép cà chua, hoa quả...Mình có lợi thế gần trung tâm thành phố. Gần nhà mình có di tích chùa Viên Minh có lịch sử lâu đời, nhưng chưa có nhiều người biết tới. Nên mình muốn kết hợp gữa việc tới thăm quan chụp ảnh dâu tây, hoa hồng tại farm cùng phát triển du lịch tâm linh.
Cảm ơn bạn và chúc bạn ngày càng gặt hái được nhiều thành công!
Giải thưởng Lương Định Của - phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng hằng năm cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, có đóng góp tích cực vào hoạt động Đoàn, Hội ở địa phương và đơn vị. Giải thưởng nhằm động viên, cổ vũ thanh niên nông thôn xung kích tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực, hiệu quả vào quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của đất nước.