Thác Tà Puồng

Chuyến du lịch khám phá thác Tà Puồng của chúng tôi rơi vào cuối xuân, đầu hạ. Trường Sơn lúc này đã chớm vào mùa khô. Đoàn bắt đầu xuất phát lúc 10 giờ trưa, từ bản Trăng Tà Puồng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, đi bộ vào thác. Bản Trăng Tà Puồng là một bản nhỏ của người Vân Kiều nằm ngay sát bên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, cách cầu Sê Băng Hiêng không quá xa, khoảng chừng 1 cây số.

 Thác Tà Puồng đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình -Ảnh: H.N

Thác Tà Puồng đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình -Ảnh: H.N

Chúng tôi được một người dân ở bản Trăng Tà Puồng phổ biến trước một số thông tin cơ bản: Thác Tà Puồng nằm sâu trong rừng già, có hai con thác chính, dân địa phương đặt tên là Tà Puồng 1 và Tà Puồng 2 để phân biệt. Muốn đến hai thác này thì phải đi xuôi theo dòng suối Tà Puồng, cần phải vượt qua nhiều dốc núi với khoảng hơn 1 giờ đồng hồ mới đến được thác thứ hai. Cả đoàn mười người nai nịt gọn gàng, ba lô trên vai mang theo nước uống, ít thức ăn nhẹ. Ai nấy đều hăm hở dấn thân vào những trải nghiệm đang chờ phía trước.

Chúng tôi đi theo lối mòn dưới tán rừng một đoạn thì gặp dòng suối nhỏ Tà Puồng, nước trong xanh, mát lạnh và tương đối nông, dưới làn nước lững lờ từng đám rong rêu và đá cuội. Đoạn đầu đường mòn tương đối bằng phẳng dễ đi, đi một quãng thì đến đoạn đường toàn đá phong kín lối. Từ đây, cả đoàn bắt đầu chinh phục một địa hình hoàn toàn mới, đi dọc theo suối đá gập ghềnh và vượt qua những con dốc hiểm trở.

Khi ngang qua những khối đá lớn hình thù kỳ lạ nằm cạnh bờ suối, một thành viên trong đoàn đoán có thể là lối vào động Tà Puồng. Leo lên các khối đá, thấy đúng là một cái hang ăn sâu vào lòng núi, trần cao, có nhiều khối thạch nhũ đẹp. Bên trong hang không sâu lắm nhưng vì thời gian có hạn, không có chuẩn bị đèn pin nên chúng tôi không dám mạo hiểm đi vào mà quay ngược trở ra đi về hướng thác nước.

Tiếp tục băng qua những con đường đá hộc ven suối về hạ nguồn khoảng 10 phút nữa đã nghe tiếng thác nước ầm ào vọng lại, chúng tôi biết đã đến thác nước thứ nhất. Nhìn từ xa, thác Tà Puồng 1 đổ theo một vách đá dựng đứng, cao chừng 20 - 25 mét. Phải lùi sâu, đẩy ống kính xa mới có thể thu hết cột nước vào trong khuôn hình. Từ trên đỉnh thác cao chót vót, một cột nước trắng dốc thẳng xuống đã gây bào mòn, xói lở tạo ra một hồ nước nhỏ tựa như bể massage ngay dưới chân thác. Lưu lượng nước từ trên cao đổ xuống lớn và chảy mạnh đến mức dù đứng cách xa chân thác nhưng vẫn cảm nhận được những tia nước bắn vào đá và vào người mát lạnh. Chúng tôi dò dẫm từng phiến đá trơn nhẵn để đến thành hồ, thò đôi chân ngâm một lát trong nước đã thấy mát lạnh tê người dù đang giữa trưa nắng.

Xung quanh chân thác Tà Puồng 1 là một quần thể đá đủ dáng, đủ cỡ sắp đặt ngổn ngang, khiến nước phải tìm cách lèn lách qua các tảng đá. Nhiều tảng đá bị nước bào mòn tạo thành những hình thù kỳ dị, trông rất lạ mắt. Địa thế hiểm trở ở khu vực chân thác này sẽ hấp dẫn những ai ưa mạo hiểm, muốn thử cảm giác mạnh với các pha lộn nhào từ trên đá xuống lòng hồ. Nhóm chúng tôi quyết định không hạ trại ở đây. Sau khi dừng chân ngắm cảnh và hào hứng lưu lại những bức ảnh kỷ niệm với thác thứ nhất, cả nhóm tiếp tục lên đường chinh phục thác thứ hai.

Cũng là quãng đường vất vả nhất của hành trình. Càng đi sâu, núi rừng càng hoang vu. Những con dốc chênh vênh chính là thử thách vất vả nhất trên đường vào thác Tà Puồng 2 của chúng tôi, nhất là với những người đi rừng lần đầu. Khi leo dốc hay xuống dốc, chúng tôi phải quay ngược lưng theo tư thế bò, tay bám vào gốc cây, chân đạp vào những hốc đất, tảng đá. Nhiều đoạn phải băng qua suối với đá lởm chởm, phải đu hoặc vịn dây... Bù lại, trong quá trình đi, chúng tôi biết thêm nhiều loại cây, hoa rừng mà lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy.

Sau khoảng nửa giờ bám theo từng con dốc xuyên rừng rậm, cuối cùng đoàn cũng đến được thác thứ hai. Hiện ra trước mắt chúng tôi là một con thác ẩn trong lòng rừng núi rậm rạp, còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ. Thác này đẹp hơn thác thứ nhất. Cũng hiền lành hơn, dòng thác tuôn chảy qua các ghềnh đá tựa như suối tóc mây của nàng tiên nữ buông xõa giữa đại ngàn xanh thẳm. Lâu nay, chúng tôi đã thấy hình ảnh của nó xuất hiện trên các trang báo, mạng xã hội và trong những thước phim, nhưng vào đây rồi thì thấy thác còn đẹp hơn trên phim ảnh rất nhiều. Núi, đá, cây, nước và dòng thác tuôn trắng xóa giữa bao la mây trời... thật không khác cảnh tiên.

Ngọn thác Tà Puồng 2 cao khoảng 10 mét. Trên đỉnh thác có nhiều cụm đá nhấp nhô tạo nên những con đập tự nhiên, ngăn dòng thác đổ khiến dòng suối chảy đến đỉnh thác gặp cụm đá cản thì rẽ thành nhiều nhánh, tạo thành nhiều dòng thác nhỏ đổ về các hướng khác nhau và hợp lại ở cuối dòng là một hồ nước rất rộng, biếc xanh màu ngọc bích. Mặt hồ phẳng lặng, cũng không quá sâu, đủ để cho du khách ngâm mình thư giãn trong làn nước mát lạnh. Bao quanh hồ nước là những “bức tường xanh” của cây cối, những rặng cây tỏa bóng bên những bãi đá, vươn cành thả tán che rợp một khoảng nước như mái nhà tự nhiên.

Chúng tôi chọn bãi đá tương đối bằng phẳng cạnh hồ nước bỏ tư trang. Nhiều người lập tức nhảy ngay xuống hồ tắm. Ai không tắm thì vào rừng, khám phá thảm thực vật với nhiều loài hoa rừng đương nở rộ. Một thành viên trong đoàn lên góc flycam cho thấy được toàn cảnh thác, hồ nước, rừng cây và con suối ở thượng nguồn của thác…, đẹp không khác gì một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Vui chơi, phim ảnh thỏa thuê, chúng tôi vào rừng tìm cành cây khô nhóm lửa nướng những thứ mà mình mang theo. Mọi người thưởng thức bữa ăn nhẹ trên chiếc bạt dã chiến trải ngay chỗ bãi đá bên hồ nước mát, dưới tán cây rừng không nắng, cảm giác rất bình yên, thư thái.

Chuyến trekking Tà Puồng đem đến cho các thành viên trong đoàn những trải nghiệm vô cùng thú vị. Cả nhóm hạ quyết tâm phải trở lại Tà Puồng lần nữa vào mùa hoa dã quỳ nở rộ trên đỉnh Trường Sơn. Tà Puồng cũng là một điểm trekking hấp dẫn với những ai ưa khám phá mạo hiểm và thích rèn luyện bản thân. Toàn bộ khu vực thác nước, hang động và rừng nguyên sinh ở Tà Puồng rất có giá trị cho khai thác, phát triển du lịch trekking kết hợp du lịch sinh thái.

Đến Tà Puồng, ta như được hòa mình vào thiên nhiên.

Hạnh Nguyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=167342&title=thac-ta-puong