Thác Tà Puồng - Động Prai: Vẻ đẹp hoang sơ giữa đại ngàn
Nhắc đến Quảng Trị, người ta sẽ nghĩ đến vùng đất ghi dấu những lịch sử hào hùng, thế nhưng nơi đây còn nhiều điểm đến du lịch cuốn hút và đáng để trải nghiệm. Một trong số đó chính là thác Tà Puồng - động Prai, địa điểm hấp dẫn dân phượt.
Thác Tà Puồng nằm ở thôn Trăng Tà Puồng của xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Từ thành phố Đông Hà, du khách sẽ đi dọc theo Quốc lộ 9 (Hành lang kinh tế Đông - Tây) lên đến thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa), rẽ vào đường Hồ Chí Minh khoảng 50km mới đến được trung tâm xã Hướng Việt, rồi đi khoảng vài km nữa để vào thôn Trăng Tà Puồng.
Cung đường từ Khe Sanh lên Tà Puồng đi qua nhiều địa điểm được du khách ưa khám phá dãy Trường Sơn hùng vĩ rất yêu thích, như: sân bay Tà Cơn, thác Chênh Vênh, đèo Sa Mù…
Mặc dù cung đường hơi xa nhưng trên suốt quãng đường dài, du khách sẽ cảm nhận được vẻ hoang dã, hùng vĩ của núi rừng cũng như vẻ sầm uất, hội nhập của đất nước đang trong thời kỳ hợp tác quốc tế qua những đoàn xe tấp nập trên Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Quả thực không sai khi nói đây là một trong những địa điểm “khiêu khích” sự mạo hiểm của những người đam mê phượt. Từ đường Hồ Chí Minh đi vào thác Tà Puồng, du khách sẽ đi qua thôn Trăng Tà Puồng với những nếp nhà sàn yên bình của đồng bào Pa cô, Vân Kiều. Từ thôn Trăng Tà Puồng, đi đến thác Tà Puồng, du khách sẽ đi qua một cánh rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ vài người ôm không xuể.
“Tà Puồng” trong tiếng Bru-Vân Kiều có nghĩa là “Nơi có dòng thác từ núi cao đổ xuống”. Khu danh thắng Tà Puồng có một hang động và ba thác nước mà cư dân bản địa đặt tên là: động Tà Puồng, thác Tà Puồng 1, Tà Puồng 2 và Tà Puồng 3.
Đứng trước khung cảnh trên, anh Tiến Thanh (khách du lịch) bộc bạch: “Không hề ngoa khi nói danh thắng Tà Puồng là một bảo tàng thiên nhiên trưng bày kiến trúc của “nước” và “đá”. Tà Puồng lưu giữ những gì tinh túy nhất của tạo tác thiên nhiên, của trời-đất, hòa quyện nhau một cách quyến rũ khó giải thích”.
Mặc dù đã được tìm hiểu về con thác này qua internet thế nhưng đến đây nhóm phóng viên chúng tôi may mắn được gặp anh Võ Nhật Huy người dân bản địa, anh chia sẻ cho chúng tôi về con thác Tà Puồng này.
“Động Tà Puồng nằm ở trên cao, nằm sâu vào lòng núi khoảng 200 mét. Chiều rộng của động khoảng 10 mét, cửa động rộng, trần cao và lòng rộng. Vào phía bên trong động bạn có thể được chiêm ngưỡng những thạch nhũ vô cùng đẹp mắt, dù số lượng không nhiều những có nhưng lại có những hình thú rất đặc sắc. Một bên động là dòng sông ngắn, một bên là cát bồi thành bãi rộng, dưới lòng sông có đoạn sâu đến 5 mét, có nơi chỉ sâu đến 2 mét”, anh Huy cho biết.
Thấy chúng tôi tò mò về 3 tầng thác, anh Huy tiếp tục giới thiệu: “Nằm cách động Tà Puồng khoảng 1,5 km về hạ lưu là thác Tà Puồng 1, ngọn thác có độ cao khoảng trên 20m chảy thẳng từ lưng chừng núi xuống dưới qua những vách núi đá thẳng đứng, hiểm hóc lôi cuốn những người thích mạo hiểm. Dưới thác Tà Puồng 1 có khá nhiều tảng đá lớn, hình thù kỳ quái và nhẵn để du khách nghỉ ngơi thưởng lãm cảnh đẹp hùng vĩ, vừa được hít thở không khí trong lành, mát mẻ tự nhiên”.
Anh Huy nói tiếp: “Còn thác Tà Puồng 2 không có độ cao lớn như thác trên, từ đỉnh xuống chân thác có độ cao chỉ khoảng 10 mét thôi nhưng bề ngang của thác rộng hơn rất nhiều. Theo đó thác trải rộng trên một bề mặt lớn nhiều đá ghềnh, hồ nước phía dưới rộng đến 5 ngàn mét, nước trong vắt có thể nhìn thấy đáy. Đặc biệt nước ở đây có màu xanh ngọc rất đẹp và bắt mắt”
Bạn Thanh Ngọc (du khách) thích thú cho hay: “Qua được con thác 1, chúng tớ lại tiếp tục lội suối và đi bộ qua con đường mòn hiểm trở hơn 200m nữa để chạm vào thác Tà Puồng 2. Con thác ẩn mình trong rừng rậm nguyên sinh, với nguyên vẹn sự hoang sơ như từ thuở hồng hoang, chẳng khác gì chốn “bồng lai tiên cảnh”. Tại tầng thác 2 này chúng mình dừng chân và ngâm mình trong hồ thác mát mẻ, rất vui và thích thú”.
Nói đến con thác Tà Puồng 3, hiện nay có đường vào thuận lợi nhất trong hệ thống danh thắng Tà Puồng. Gửi ô-tô, xe máy tại bãi trông xe ở Khu tái định cư thôn Trăng Tà Puồng, du khách đi bộ giữa rừng men theo con đường rừng rộng 50cm song song với dòng suối A Xóc một đoạn dài gần 1km là đến được thác Tà Puồng 3.
Tà Puồng 3 là con thác đẹp và thơ mộng nhất, từ xa nhìn giống một dải lụa bạc mềm mại nổi bật trên nền rừng xanh thẳm. Mặt hồ nơi chân thác phẳng lặng, nước xanh trong và mát rượi, khiến du khách đặt chân đến đây không thể không bơi, lặn hoặc sử dụng phao tre nứa làm bè dạo hồ. Khu vực chân thác có bãi đá khá bằng phẳng, đủ chỗ cho hơn 500 du khách đến thưởng ngoạn, cắm trại nghỉ ngơi.
“Đây là lần đầu mình đến chỗ này, đi bộ lên đến đỉnh thác là những khối đá nhấp nhô chắn ngang dòng suối làm cho mạch nước bị cản lại và chia thành nhiều dòng thác nhỏ đổ xuống hồ nước xanh như ngọc. Âm thanh của thác đổ giống như tiếng đàn đá giữa đại ngàn vậy. Bên tai còn văng vẳng tiếng chim rừng thánh thót ngân vang tựa như một bản hòa tấu thiên nhiên quyến rũ đến khó tả”, chị Thạch Thảo cho hay.
Bên cạnh thác Tà Puồng, động Prai cũng là một trong những điểm du lịch vô cùng hấp dẫn. Động Prai thuộc xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Nơi đây nằm sát với bờ sông Se-bang-hieng, cách biên giới Việt Lào khoảng chừng 2 km về hướng Đông.
Thiên nhiên nơi đây ưu ái cho động Prai những khối thạch nhũ đẹp đến mê mẩn lòng người với tuổi thọ lên tới hàng trăm năm tuổi. Động Prai có những khối thạch nhũ rất đồ sộ, cùng với những măng đá, tảng đá bị mài mòn theo năm tháng, càng tiến vào sâu bên trong càng rộng. Những bãi đá vô cùng nguyên sơ, không khí ở đây cũng vô cùng mát mẻ. Động là loại hang khô, dù vậy vẫn có nhiều đoạn ngập nước được tạo thành từ nhiều dãy núi đá vôi.
Theo kinh nghiệm của những bạn trẻ đã từng đến đây, du khách nên lựa chọn ghé thác Tà Puồng – động Prai vào mùa khô ít nước, tránh đến vào mùa mưa bởi đường đi sẽ rất khó khăn, trơn trượt rất nguy hiểm. Ngoài ra, khi khám phá thác Tà Puồng – động Prai du khách cũng cần phải chuẩn bị đầy đủ những thiết bị an toàn như dây, áo phao,...
Giữa thiên nhiên hoang dã du khách có thể thả mình để lắng nghe những thanh âm của núi rừng xanh thẳm hòa trong tiếng thác đổ reo vui, đắm mình trong dòng nước trong mát lạnh hẳn và ngắm nhìn những khối thạch nhũ mê mẩn là điều tuyệt vời với bất cứ ai. Thác Tà Puồng – động Prai thực sự là điểm hẹn đáng nhớ của mảnh đất Quảng Trị.