Thắc thỏm nâng tạ
Ngày mai (15-4), đội tuyển cử tạ Việt Nam sẽ lên đường sang Uzbekistan dự giải vô địch châu Á 2021, nhằm tranh suất chính thức dự Olympic Tokyo vào hè này trong tâm trạng lo âu.
Đội tuyển cử tạ Việt Nam góp mặt với 3 tuyển thủ: Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền, Hoàng Thị Duyên, dưới sự dẫn dắt của hai huấn luyện viên (HLV) Huỳnh Hữu Chí, Lưu Văn Thắng. Hạng 56kg nam không nằm trong chương trình thi đấu tại Olympic Tokyo, nên Thạch Kim Tuấn đã chuyển sang thi đấu hạng 61kg, còn Vương Thị Huyền sẽ tranh tài tại hạng 49kg, Hoàng Thị Duyên thi đấu hạng 59kg.
Theo giới chuyên môn, cả 3 lực sĩ của chúng ta đều có cơ hội đến Olympic Tokyo. Nhưng ngay cả khi cử tạ Việt Nam giành vé đến xứ phù tang, thì mọi chuyện vẫn chưa sáng tỏ bởi án phạt của Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) đang treo lơ lửng trên đầu cử tạ Việt Nam. Trước đó IWF đã quy định rõ: Bất kỳ liên đoàn thành viên nào vi phạm doping 3 lần trở lên trong thời gian diễn ra vòng loại Olympic Tokyo (từ tháng 11-2018), sẽ bị cấm thi đấu ở thế vận hội này. Thực tế, chỉ trong giai đoạn 2019-2020, cử tạ Việt Nam đã có tới 4 vận động viên (VĐV) bị IWF phát hiện sử dụng doping. IWF phạt 4 VĐV của Việt Nam rất nặng, cấm thi đấu mỗi người 4 năm, chưa kể phạt tiền. Tuy nhiên, điều khiến Liên đoàn Cử tạ-Thể hình Việt Nam, cũng như lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) đứng ngồi không yên vì không biết IWF có cấm cử tạ Việt Nam tham dự Olympic Tokyo hay không, trong trường hợp chúng ta có đô cử vượt qua vòng loại ở Uzbekistan. Gần đây, IWF đã ra án phạt cấm cử tạ Thái Lan, Malaysia không được dự Olympic Tokyo, do có nhiều đô cử dính doping.
Trước ngày đội tuyển cử tạ Việt Nam lên đường sang Uzbekistan, HLV Huỳnh Hữu Chí cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân hay: “Sau khi được tiêm vaccine ngừa Covid-19, sức khỏe của thầy trò chúng tôi đều ổn. Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền, Hoàng Thị Duyên đã sẵn sàng bước vào tranh tài. Tôi nghe thông tin cử tạ Việt Nam có nguy cơ bị cấm thi đấu ở Olympic Tokyo nhưng ban huấn luyện vẫn động viên các em cứ gắng luyện tập và thi đấu. Vì ngoài đấu trường thế vận hội, chúng tôi cũng phải chuẩn bị cho SEA Games 31 diễn ra vào cuối năm nay”.
Về phần mình, ông Đỗ Đình Kháng, Phó vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II (Tổng cục TDTT) kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Cử tạ-Thể hình Việt Nam cho biết: “IWF không hẳn lấy mẫu xét nghiệm doping khi diễn ra giải đấu. Họ kiểm tra doping bất chợt. Họ đến nước sở tại, thông báo nhanh tình hình rồi lấy mẫu xét nghiệm. IWF buộc phải làm vậy để tránh hiện tượng VĐV “tẩy” doping trước khi bước vào giải đấu. Chúng tôi vẫn bị hạn chế trong việc kiểm tra VĐV có dùng chất cấm hay không. Khi hỏi VĐV, họ đều nói không sử dụng”.
Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn là không chỉ Liên đoàn Cử tạ-Thể hình mà nhiều liên đoàn khác của thể thao nước nhà vẫn đang thụ động trong việc đưa ra chế tài xử phạt HLV, VĐV, chuyên gia liên quan đến việc sử dụng doping. Khi chúng ta có VĐV bị IWF hay bất kỳ liên đoàn thể thao thế giới nào khác cấm vì vi phạm doping, Tổng cục TDTT cũng như các liên đoàn trong nước chỉ áp dụng theo chứ chưa có hình phạt bổ sung.
Trong năm nay, ngành TDTT sẽ tiến hành kiểm tra, lấy khoảng 30 mẫu tại các giải vô địch quốc gia, tập trung vào các môn thể thao hàng đầu của Việt Nam tại SEA Games, ASIAD và Olympic. Việc lấy mẫu sẽ tiến hành kiểm tra theo phương thức đột xuất và ngẫu nhiên. Mẫu kiểm tra sẽ được phân tích tại phòng xét nghiệm tiêu chuẩn được Cơ quan phòng, chống doping thế giới (WADA) công nhận.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/thac-thom-nang-ta-656745