'Thác' trắng

Nhìn những hạt gạo tuôn ra từ mấy trụ ATM, nhìn dòng người xếp hàng đến nhận gạo, bất cứ ai cũng cảm nhận hạnh phúc. Nhưng cũng từ đây, từ trong chính khốn khó của đại dịch, người ta thoáng chạnh lòng vì 'cái nghèo' nơi phố biển…

New Page 1

Lan tỏa

Hôm thứ sáu (17/4), thêm 2 trụ ATM gạo miễn phí nữa được lắp đặt ở Hàm Tiến và Đức Nghĩa, vậy là, Phan Thiết có 3 trụ “ATM gạo” miễn phí. Đáng mừng. Nếu như trụ “ATM gạo” đầu tiên ở Mũi Né, mỗi lượt người nhận tối đa 2 kg, thì số lượng ấy ngày nay đã tăng lên 3 kg, rồi 5 kg… Mừng, vì sức lan tỏa của những trụ “ATM gạo” miễn phí lan tỏa, cộng hưởng khắp đất nước. Trụ “ATM gạo” thứ 2 đặt tại UBND phường Hàm Tiến, trụ thứ 3 đặt tại 24 Nguyễn Văn Trỗi (phường Đức Nghĩa - TP. Phan Thiết).

Chị Nguyễn Thị Lý, chồng mắc bệnh phổi, vào viện như cơm bữa, một mình bươn chải nuôi 3 con đi học. Khó khăn vắt kiệt sức người. Nhỏ thó, nghèo khổ. Đi bán vé số, gồng gánh cả gia đình nhỏ. Hết tiền mượn, mượn rồi trả. Đắp đổi theo kiểu ngày nào lo ngày ấy. Nhận hỗ trợ dành cho người bán lẻ vé số được 750.000 đồng, trả nợ hết 500.000 đồng, vì mấy ngày nay giãn cách xã hội, vẫn không có việc làm. Trong dòng người xếp hàng nhận gạo, chị Lý như lọt thỏm giữa những mênh mông của cuộc đời. Bên vệ đường, bà Trần Thị Hòa ngồi cùng với đứa cháu ngoại, bị gạo vẫn khư khư trên tay. Bà nói: “Nhà đông con, đứa con gái lấy chồng cũng khiếm thị. Cô thì bị K nên không thể làm gì được, khu phố kêu đi nhận gạo, mừng quá vì sẽ có thêm những bữa cơm cho gia đình”.

Để có những trụ “ATM gạo” lan tỏa như hiện nay, phải nói đến người khởi xướng. Ông Phan Ngọc An tại TP. Hồ Chí Minh khi có tâm niệm góp sức cho quê hương, đã tự đi tìm mua các thiết bị, nào mô tơ, nào bồn inox… cùng 10 tấn gạo, lỉnh kỉnh mang về Mũi Né lắp đặt trụ ATM gạo đầu tiên ở tỉnh. Tấm lòng ấy của ông, người con của Mũi Né, góp chút tâm sức cho mảnh đất ông sinh ra và lớn lên, cứ khiến người ta nhớ về cái cách của ông làm. Ông chia sẻ: “Hơn ai hết tôi cũng là người dân của Bình Thuận, được chia sẻ với bà con đang khó khăn vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cũng là tâm nguyện cho bất cứ ai. Và tôi hy vọng từ đây sẽ có thêm nhiều người chung tay hơn nữa. Tôi cũng đang chuẩn bị cho việc lắp thêm máy thứ 2 tại TP. Phan Thiết” - ông An nói. Cũng bắt đầu từ đây, ở những trụ ATM, người ta nhìn thấy những cá nhân, vét tiền trong túi mua gạo đến ủng hộ. Họ là người nước ngoài, chẳng phải xứ mình. Họ chở đến ATM gạo chỉ để hỗ trợ cho người nghèo. Họ chẳng cần nói tên, hay quốc tịch. Họ mang đến niềm vui… Thế thôi!

Dòng “thác” trắng cho người nghèo

Câu chuyện sẻ chia những túi gạo khi cần thiết qua những “ATM gạo”, giống như dòng “thác” trắng tuôn trào yêu thương, làm “mát”cho lúc bí bách này của bao người, bao gia đình. Chị Sang – một người dân Đức Nghĩa đã quyết định đặt “ATM” ngay ở nhà mình, để giúp đỡ cho người dân toàn thành phố. Hộ nghèo và cận nghèo của Đức Nghĩa không nhiều, ngót 80 hộ. “Mình muốn các hộ khó khăn trong thành phố, cần gạo thật sự cứ đến lấy. Đợt này, mình gởi khoảng 6 tấn, nhưng hy vọng sẽ được sự chung tay” – chị nói.

TP. Phan Thiết có 1.269 hộ nghèo và cận nghèo, tính từ trong đại dịch Covid -19 vừa xảy ra. Ít nhiều cuộc sống sẽ rơi vào khó khăn. Việc lắp đặt “ATM gạo” là giải pháp tương trợ nhau lúc này. “ATM gạo” ở Đức Nghĩa sẽ thực hiện trên tinh thần tương thân tương ái. “Với ATM gạo ở Đức Nghĩa thì không nhất thiết bà con nghèo ở phường, mà chúng tôi dành tặng cho hết thảy những bà con của 18 phường xã trong thành phố, nếu cần thiết cứ đến lấy. Thời điểm này, chúng tôi chỉ hy vọng bà con có được bữa cơm no, nhất là những người lao động, để tiếp tục cùng với địa phương trong phòng chống dịch bệnh”- ông Đỗ Quốc Bảo – Chủ tịch UBND phường Đức Nghĩa cho biết.

“Xem tin về các ATM gạo miễn phí ở quê mình, có nhiều cảm xúc. Buồn vui lẫn lộn. Thật ra, người nghèo còn nhiều quá. Hoặc là đời sống của họ chưa thật sự ổn định và vững chắc. Nhưng, dù sao như vậy là quá tốt” - chị Nguyễn Thị Phượng bộc bạch. Những ai đã sống, đã nhìn thấy sự phát triển của Phan Thiết, với nhiều mỹ từ đẹp đẽ nói về “Thủ đô resort”, nhưng giờ trong một thời gian ngắn, cả khu vực Hàm Tiến – Mũi Né rơi vào thinh lặng và hiu hắt. Vui buồn là chuyện khó tránh khỏi.

Riêng ở phường Mũi Né, một địa phương nổi lên nhờ du lịch cũng còn 193 hộ nghèo và cận nghèo. Trong buổi phát gạo đầu tiên, dù đến chứng kiến nhưng anh Nguyễn Văn Trung, không khỏi chạnh lòng, chia sẻ: “Nhìn cảnh mọi người xếp hàng nhận gạo, cảm xúc mình vui buồn đan xen. Buồn một phần khi nhìn thấy Mũi Né – thủ phủ du lịch mà người nghèo còn nhiều quá. Nếu ai đã từng đi vào những khu phố sau Mũi Né, theo những triền cát, sẽ thấy ở đó nhiều nhà tạm, nhà lá… tự phát mọc lên. Mình cũng thấy, phần lớn người dân Mũi Né làm cho các khu resort to lớn với những công việc nhỏ bé, bưng bê, phục vụ. Vui vì được sẻ chia nhưng buồn vì chưa thoát được cái nghèo, cái khó khăn nó bủa vây”. Bạn Thanh Tuyền cho biết: “Em chỉ mong những món quà như thế này đến với người thật sự khó khăn. Chứ người nghèo thì không ai dám vỗ ngực nói mình giàu, tuy nhiên mong những ai còn đủ sức thì hãy nhường lại cho người nghèo”.

Trong đại dịch Covid-19, từ những “ATM gạo” miễn phí, từ những chuyến thiện nguyện của các cá nhân đóng góp thì cũng xuất hiện những hình ảnh không đẹp mắt khi người chưa nghèo cũng đi “xin” phần của người khó. Và có cả chuyện những món quà từ lòng hảo tâm, như túi gạo thùng mì được mang đến tạp hóa “gả bán” với giá rẻ. Nhưng đó chỉ là số ít. Điều ai cũng thấy rằng trong lúc bức bách này, có những dòng “thác” trắng cho những người nghèo khó vượt qua bước ngoặt là đời đã vui lắm rồi.

Câu chuyện sẻ chia những túi gạo khi cần thiết qua những “ATM gạo”, giống như dòng “thác” trắng tuôn trào yêu thương, làm “mát”cho lúc bí bách này của bao người, bao gia đình.

Phóng sự: Quang Nhân

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/thac-trang-126739.html