Thác Trăng hút khách ngày hè

Từ đầu mùa hè đến nay, danh thắng thác Trăng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh. Các dịch vụ ăn uống, tham quan phát triển đã đem lại thu nhập cho hàng chục hộ dân địa phương.

Từ đầu mùa hè đến nay, danh thắng thác Trăng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh. Các dịch vụ ăn uống, tham quan phát triển đã đem lại thu nhập cho hàng chục hộ dân địa phương.

Với vẻ đẹp hoang sơ, làn nước mát lạnh, thác Trăng đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài tỉnh.

Thác Trăng nằm ở xóm Trăng Tà, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc). Năm 2019, thác nước này được UBND tỉnh công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Mùa hè năm nay, lượng khách đến với thác Trăng tăng đột biến, nhất là dịp lễ, cuối tuần, mỗi ngày có rất đông du khách đến với thác Trăng. Nhiều hộ dân xóm Trăng Tà đã xây dựng các lán, chòi xung quanh khu vực thác để phục vụ du khách.

Trước đây, ông Bùi Văn Hoàng, xóm Trăng Tà làm nhân viên hợp đồng với Điện lực Cao Phong, công việc chính là đi chốt chỉ số công tơ điện. Nhưng từ năm ngoái đến nay, ông đã chuyển sang "làm du lịch”. Ông Hoàng dựng một căn nhà sàn nhỏ ở khu vực chân thác, ngày cao điểm phục vụ trên 30 mâm cho khách, nguồn thu nhập khá ổn định. Ông Hoàng chia sẻ: "Lượng khách đến ngày càng đông hơn, chúng tôi rất phấn khởi vì có thêm thu nhập. Trước đây, gà, lợn, rau, củ làm được phải mang ra chợ bán, nay gia đình để phục vụ khách du lịch”.

Ngoài gia đình ông Hoàng còn có hơn 10 hộ cũng xây dựng các chòi, lán để phục vụ du khách. Những lán, chòi được làm từ tre, gỗ ngay dưới chân thác đã giúp du khách nghỉ ngơi khi đến tắm. Gia đình bà Đinh Thị Khanh không phục vụ đồ ăn cho khách, mà cho thuê chỗ ngồi, mỗi chiếu ngồi có giá từ 50 - 100 nghìn đồng tùy vào vị trí, thời điểm khách thuê. Ngày cao điểm, bà Khanh cho thuê được trên 10 lượt, tính ra thu được trên 1 triệu đồng, còn những ngày bình thường cũng được đôi ba trăm nghìn. "Tôi tuổi cao rồi nên không làm việc nặng được nữa. Mong rằng khách đến ngày càng đông hơn để bà con có thêm nguồn thu nhập”, bà Khanh chia sẻ.

Với sự phát triển mạnh của các nền tảng mạng xã hội, thời gian qua, những hình ảnh về danh thắng thác Trăng được nhiều người dân lan tỏa. Do đó lượng khách ngoài tỉnh đến với thác ngày càng đông. Chị Nguyễn Kim Anh và gia đình tự lái xe vượt hơn 100 km từ Hà Nội về trải nghiệm tại thác Trăng. Chị Anh cho biết, qua facebook chị biết đến thác Trăng và đã gọi cho người bạn ở Hòa Bình để xác nhận, rồi quyết định đưa gia đình về tham quan địa điểm này. "Thời gian di chuyển từ Hà Nội lên tới đây khoảng 2 giờ đồng hồ, giao thông khá thuận lợi. Chúng tôi rất ấn tượng vì thác nước thật đẹp, nước mát lạnh. Mặc dù bà con mới làm du lịch nhưng rất thân thiện, chất phác, đồ ăn cũng khá ngon”, chị Anh cho biết.

Với du khách, thác Trăng đang trở thành một điểm đến thú vị để khám phá thiên nhiên và con người của đồng bào Mường. Còn với người dân địa phương, hình ảnh thác Trăng được lan tỏa đã và đang trở thành niềm tự hào. Như chia sẻ của chị Bùi Ngọc Ánh (24 tuổi), thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc): Tôi đã biết đến thác Trăng từ khi học cấp III, nhiều lần tôi và các bạn đã đến tắm tại thác nước này. Hơn mười năm qua, thác vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, làn nước mát lành. Là người dân địa phương, tôi rất vui và tự hào khi càng có nhiều người bến đến thác Trăng. Mong rằng nơi đây sẽ phát triển thành khu du lịch trong tương lai.

Đồng chí Bùi Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Mỹ cho biết: Thác Trăng đã được UBND tỉnh công nhận di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. UBND xã đã thành lập Ban quản lý di tích, giao cho tổ quản lý thác. Hiện nay khách thập phương đến trải nghiệm ngày càng đông, UBND xã chỉ đạo tổ quản lý tốt khu di tích. Mặc dù lượng khách đến đông nhưng thác Trăng vẫn còn hoang sơ, chưa được đầu tư. Do đó, xã mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư để phát triển du lịch thác Trăng ngày một tốt hơn. Đối với xã, sau mùa du lịch năm 2024, Nhân Mỹ sẽ thực hiện điều chỉnh quy hoạch lại thác Trăng để phù hợp với nét văn hóa của địa phương, như xây dựng các chòi, lán với thiết kế mô phỏng mô hình nhà sàn để du khách đến không chỉ tắm mà còn có thể tìm hiểu văn hóa của người Mường.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/276/191441/thac-trang-hut-khach-ngay-he.htm