Thạch Thất: tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ
Chiều 11/9, UBND huyện Thạch Thất tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, tính đến 15 giờ ngày 11/9, mực nước sông Tích tại trạm thủy văn Kim Quan là 9.02m (trên báo động 3 là 62cm).
Mực nước sông Tích dâng cao đã ảnh hưởng đến 365 hộ dân với 1.538 nhân khẩu ở các xã Cần Kiệm, Lại Thượng, Kim Quan, Phú Kim, và thị trấn Liên Quan. Trong đó 51 hộ với 206 nhân khẩu phải di chuyển.
Bờ bao sông Tích các xã bị tràn ở một số đoạn, cụ thể: xã Cần Kiệm, đoạn đê bao Cần Kiệm đi Hạ Bằng (chiều dài 300m); đoạn trường THCS Cần Kiệm đi Cửa Đình Phú Đa (chiều dài 250m); đoạn trước cửa Đình Yên Lạc xã Cần Kiệm (chiều dài 50m); đoạn Cửa Đình Phú Lễ chiều dài 10m; đoạn tràn Phú Lễ 20m; đoạn cống ngã Ba thôn Phú Đa 2 dài 30m; đoạn Xóm Trại Phú Đa 2 dài 50m; đoạn Cửa đình Phú Đa đi dốc trạm bơm Bến Sỏi, tổng 200m...
Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất đề nghị các xã, thị trấn tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và huyện trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tập trung cao độ công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3; đồng thời nâng cao cảnh giác, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai; chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó đảm bảo kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó rà soát lại các hộ dân bị ngập úng để tuyên truyền vận động người dân đến nơi an toàn. Với những xã miền núi cần lưu ý kiểm tra khi có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét để chủ động cảnh báo người dân di chuyển đi nơi khác, tránh hậu quả xảy ra. Phải giám sát được từng mét chiều dài của đê sông Tích, nếu nguy cơ vỡ, phải xả thì cần biết trước để di chuyển người dân, không để tình huống bất ngờ, bị động.
Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn, mặc dù vừa phải chống úng, vừa phải chống mưa, vừa giúp đỡ bà con nhân dân nhưng vẫn phải khắc phục tồn tại về vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự.
Hiệu trưởng các trường trên địa bàn huyện cần thông báo đến gia đình học sinh rõ về thời gian học và thời gian tan học, học sinh nào nghỉ phải có thông tin cụ thể. Tránh trường hợp các em đi học hay đi đâu mà nhà trường và phụ huynh không nắm được.
"Tôi đề nghị các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ban Thường vụ phụ trách xã từ tối nay (11/9) sẽ ở lại trực tiếp xã mà mình phụ trách để chỉ đạo công tác triển khai ứng phó khắc phục hậu quả của cơn bão số 3" - Chủ tịch UBND Nguyễn Mạnh Hồng nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thất Nguyễn Minh Hồng đề nghị các xã rà soát những hộ không đảm bảo an toàn, bị ngập úng, ở vị trí có nguy cơ sạt lở, nhà yếu. Với các hộ này phải tuyên truyền vận động và quyết liệt yêu cầu di dời để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Huyện ủy Lê Minh Đức đề nghị dừng các cuộc họp không cần thiết để đảm bảo công tác chỉ đạo khắc phục bão số 3.
Trong thời gian tới, mực nước sông Tích tiếp tục lên, Bí thư Huyện ủy yêu cầu ứng trực 24/24h, tiếp tục kiểm tra, tuyệt đối không để vỡ đê. Thực hiện phương châm bảo đảm tính mạng người dân là trên hết.
Tại buổi họp, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thạch Thất, UBND huyện Thạch Thất và các xã, thị trấn trên địa bàn đã phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thach-that-tap-trung-ung-pho-khac-phuc-hau-qua-mua-lu.html