Thách thức bảo mật dữ liệu người dùng của ứng dụng nhắn tin

Nhiều ứng dụng hiện nay sử dụng dữ liệu của người dùng để quảng cáo. Tuy nhiên, cách khai thác những thông tin này có thể là điểm mang lại sự khác biệt trong trải nghiệm.

 Đối tượng người dùng mà Viber đang nhắm đến là nhóm dùng iPhone, với mức chi tiêu trung bình cao hơn. Nhiều khảo sát cho thấy nhóm này cũng nhạy cảm về quyền riêng tư hơn. Ảnh: TA.

Đối tượng người dùng mà Viber đang nhắm đến là nhóm dùng iPhone, với mức chi tiêu trung bình cao hơn. Nhiều khảo sát cho thấy nhóm này cũng nhạy cảm về quyền riêng tư hơn. Ảnh: TA.

Với rất nhiều ứng dụng miễn phí hiện nay, dữ liệu người dùng là mặt hàng để kiếm tiền. Mỗi lần cuộn trang, nhấn vào màn hình hay tìm kiếm đều tạo ra dữ liệu, xây nên hồ sơ trực tuyến của người dùng để những nhà quảng cáo nhắm đến.

Về mặt kinh doanh, hồ sơ người dùng càng đầy đủ sẽ càng giúp nhà quảng cáo có những nội dung phù hợp và gần với nhu cầu của người dùng hơn. Dù vậy, người dùng ngày càng nhận thức được việc dữ liệu cá nhân của mình đã không riêng tư.

Vấn đề này càng quan trọng hơn với các ứng dụng mạng xã hội và nhắn tin, nơi dữ liệu riêng tư có thể mang những thông tin nhạy cảm. Do vậy, tôn trọng dữ liệu người dùng được coi là yếu tố số một mà nhiều app nhắn tin hướng đến.

 Đại diện của Rakuten Viber chia sẻ về sự cân bằng giữa mục tiêu kinh doanh và bảo vệ dữ liệu người dùng. Ảnh: CT.

Đại diện của Rakuten Viber chia sẻ về sự cân bằng giữa mục tiêu kinh doanh và bảo vệ dữ liệu người dùng. Ảnh: CT.

Trong buổi trò chuyện với Tri Thức – Znews gần đây, đại diện Rakuten Viber cũng chia sẻ về lằn ranh mong manh giữa kết quả kinh doanh và giữ sự riêng tư của người dùng. Chọn cách lý giải về quảng cáo “xâm phạm” và “không xâm phạm” quyền riêng tư, đại diện của ứng dụng chat này cho rằng những dữ liệu phổ quát, được người dùng chấp nhận chia sẻ, có thể được sử dụng để đem lại trải nghiệm tốt hơn.

“Chúng tôi không có quyền truy cập vào dữ liệu của bạn. Mọi tin nhắn đều được mã hóa đầu cuối, và chúng tôi không thể biết nội dung cuộc trò chuyện là gì”, ông David Tse, Giám đốc Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Rakuten Viber, giải thích.

Khi cài đặt ứng dụng, người dùng cung cấp những thông tin cơ bản như tuổi tác, giới tính, đến những thông tin như thiết bị, phiên bản hệ điều hành của máy cài đặt Viber. Đại diện của Viber Rakuten cho biết khi người dùng cho phép, những dữ liệu này sẽ được chia sẻ với đối tác để có quảng cáo cá nhân hóa.

Sự khác biệt đối với quảng cáo kiểu “xâm phạm quyền riêng tư” nằm ở các thông tin về về sở thích, cá nhân thường được tiết lộ qua nội dung tin nhắn.

“Ví dụ bạn từng mua kính tại một cửa hàng và có đăng ký theo dõi qua Viber. Quảng cáo cá nhân hóa là trong một năm, có thể tôi sẽ gửi tin nhắn để nhắc bạn đặt lịch hẹn, kiểm tra xem kính còn ổn không. Còn xâm phạm là khi tôi biết cả màu mắt, địa chỉ của bạn, hay sở thích mà bạn vừa tiết lộ qua một tin nhắn khác. Tôi không cần biết điều đó”, bà Mariia Martyrosian, Giám đốc Sáng tạo Tiếp thị & PR Toàn cầu, mảng B2B của Rakuten Viber giải thích.

 Theo số liệu của Viber, mỗi tháng người dùng tại Việt Nam gửi 474 triệu tin nhắn, 16 triệu cuộc gọi và trao đổi 36 triệu hình ảnh trên ứng dụng này.

Theo số liệu của Viber, mỗi tháng người dùng tại Việt Nam gửi 474 triệu tin nhắn, 16 triệu cuộc gọi và trao đổi 36 triệu hình ảnh trên ứng dụng này.

Mã hóa đầu cuối (End-to-End encryption) là hình thức bảo vệ nội dung tin nhắn, thường là tùy chọn trên một số ứng dụng nhắn tin. Với Viber, tính năng này được bật mặc định. Theo ông David Tse, điều này có nghĩa Viber không thể biết và tiết lộ nội dung tin nhắn của khách hàng, kể cả khi có yêu cầu từ cơ quan điều tra.

“Khi có yêu cầu chính thức từ cơ quan chính phủ, qua thẩm định của bộ phận pháp lý, chúng tôi có thể cung cấp bản ghi về việc hai người nhất định đã trao đổi với nhau, nhưng chúng tôi không biết bất cứ gì về nội dung trao đổi. Ở những quốc gia chúng tôi từng hợp tác, đây cũng có thể coi là một bằng chứng mang tính pháp lý”, ông David Tse giải thích.

Những quy tắc trên có thể có sự mâu thuẫn với tính năng tóm gọn nội dung chat bằng AI, mà Viber đang triển khai dần. Giải thích về điều này, ông David Tse cho rằng giống như thông tin cá nhân, khách hàng sẽ được chú thích rõ những lợi ích và nguy cơ khi sử dụng AI.

“Chúng tôi tin rằng tính năng tóm tắt bằng AI sẽ giúp ích rất nhiều trong công việc. Nhưng về vấn đề quyền riêng tư, chúng tôi phải cân nhắc rất kỹ lưỡng và theo dõi cách nó được sử dụng. Đó là lý do chúng tôi không triển khai một lúc thật nhiều tính năng AI”, ông David Tse cho biết.

Trong một sự kiện diễn ra gần đây, đại diện Viber cũng cho biết hãng đang tích cực phát triển những khách hàng doanh nghiệp, với nhu cầu hiểu rõ về người dùng hoặc cung cấp một số dịch vụ trực tiếp qua ứng dụng. Đại diện doanh nghiệp cũng cho biết việc mở văn phòng đại diện tại Việt Nam nằm trong kế hoạch của ứng dụng này, nhằm đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý.

Minh Khôi

Nguồn Znews: https://znews.vn/thach-thuc-bao-mat-du-lieu-nguoi-dung-cua-ung-dung-nhan-tin-post1497747.html