Thách thức bất ngờ từ quyết định rút quân khỏi Afghanistan của ông Biden
Khi Tổng thống Joe Biden hồi tháng 4 thông báo kế hoạch rút hết binh lính Mỹ khỏi Afghanistan, động lực cho quyết định đó dường như rất đơn giản.
Nhiều cuộc thăm dò dư luận phản ánh, công chúng Mỹ ủng hộ việc chấm dứt sự can thiệp kéo dài của nước này vào một cuộc chiến mà các mục tiêu đã trở nên mờ mịt.
Tuy nhiên, 4 tháng sau, khi Taliban tổng tấn công quốc gia Nam Á nhanh hơn và tàn nhẫn hơn nhiều so với dự kiến, những rủi ro chính trị mới đối với ông Biden dần xuất hiện. Giới chức Mỹ đang chạy đua để sơ tán những người Afghanistan từng hỗ trợ quân đội Mỹ và có thể trở thành mục tiêu trả đũa của Taliban. Họ đồng thời phải tính đến viễn cảnh gấp rút sơ tán 4.000 người Mỹ tại đại sứ quán ở thủ đô Kabul.
Theo báo New York Times, mối đe dọa về một cuộc xâm chiếm của Taliban cùng những rủi ro mới đối với các nhân viên và đồng minh của Washington tại quốc gia Nam Á có thể khiến những người Mỹ vốn ít chú ý đến Afghanistan suốt nhiều năm qua phải xét lại quan điểm của mình, đặc biệt nếu phe Cộng hòa khuếch đại thông điệp về sự thất bại của Washington.
Brian Katulis, chuyên gia nghiên cứu dư luận về chính sách đối ngoại tại Trung tâm tiến bộ Mỹ giải thích, người dân tại xứ sở cờ hoa hiện vẫn tập trung vào các vấn đề như Covid-19 hay kinh tế và không mấy quan tâm đến việc Taliban đã chiếm được những thành phố xa lạ như Kunduz. Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi nếu xảy ra một loạt diễn biến khủng khiếp ở Afghanistan.
Phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 10/8, ông Biden khẳng định "không hối hận" về quyết định của mình, đồng thời lưu ý Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ chính phủ và các lực lượng an ninh của Afghanistan. Song, ông cũng lưu ý "họ (người Afghanistan) phải tự chiến đấu cho mình".
Các quan chức trong chính quyền Biden đã nhiều lần bày tỏ hy vọng rằng, các cuộc đàm phán giữa Taliban và Chính phủ Afghanistan có thể mang đến một giải pháp hòa bình mà không cần đến một tiểu vương quốc Taliban ở Kabul như đòi hỏi của phong trào này. Nhưng triển vọng về các cuộc thương lượng thành công đang nhanh chóng mờ nhạt dần.
Dẫu vậy, theo một số người ủng hộ rút quân, ông Biden không cần lo lắng về mặt chính trị vì quyết định của ông đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng, kể cả từ các nhóm cựu chiến binh đa dạng về tư tưởng chính trị.
Nhiều nghị sĩ Cộng hòa phản đối các cuộc phiêu lưu quân sự ở nước ngoài và ủng hộ việc rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan, điều cựu Tổng thống Donald Trump từng cam kết lần đầu tiên vào năm ngoái khi đạt thỏa thuận với Taliban. Theo thỏa thuận, nhóm này đã ngưng các cuộc tấn công lực lượng Mỹ và bắt đầu các cuộc hòa đàm với Chính phủ Afghanistan.
Quyết định của ông Trump và ông Biden đều tương đồng với dư luận trong nước. Các cuộc khảo sát ý kiến suốt nhiều năm đã chỉ ra rằng, đa số người Mỹ ủng hộ việc rút khỏi Afghanistan, trong đó phần lớn tán thành rút lui hoàn toàn hoặc duy trì lực lượng đồn trú nhỏ hơn hiện nay.
Ngoài ra, cựu Tổng thống Trump được cho ít có khả năng lên án người kế nhiệm về vấn đề này. Chính ông Trump lúc còn đương chức đã thúc ép các tướng tăng tốc rút quân khỏi Afghanistan. Hồi tháng 4 vừa qua, ông cũng tái nhắc lại quan điểm này khi công kích Hạ nghị sĩ Cộng hòa Liz Cheney "hiếu chiến, muốn ở lại Trung Đông và Afghanistan thêm 19 năm nữa".
Mike Pompeo, ngoại trưởng trong chính quyền ông Trump cũng gọi quyết định rút quân là "điều đúng đắn phải làm", dù trước đó ông từng nhiều lần chỉ trích chính quyền ông Biden yếu kém về chính sách đối ngoại.
Tuy nhiên, khi Chính phủ Afghanistan được Washington hậu thuẫn ở Kabul lâm nguy, một số chính khách Cộng hòa, chẳng hạn như Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ đang gia tăng chỉ trích nhắm vào Tổng thống Biden. McConnell cáo buộc chính quyền ông Biden "thiếu kế hoạch cụ thể" và quyết định dựa vào "sự mơ tưởng".
Kate Kizer, giám đốc chính sách của nhóm chống can thiệp Win Without War bày tỏ lo ngại rằng, một số thành viên trong nhóm hoạch định chính sách ở Washington từng chứng kiến Iraq rơi vào hỗn loạn sau khi Mỹ rút quân, có thể nhanh chóng thúc ép chính phủ tái can thiệp.
Chuyên gia Katulis nói, ông có thể hình dung áp lực đòi Mỹ trở lại Afghanistan, nhiều năm sau khi cựu Tổng thống Barack Obama miễn cưỡng tái điều lực lượng trở lại Iraq vì tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt đầu bắt giữ và xử tử các con tin Mỹ. Chuyên gia này nhận định, viễn cảnh ấy nhiều khả năng sẽ chỉ xảy ra sau một biến cố tồi tệ. Còn hiện tại, người Mỹ quan tâm tới việc làm, thoát khỏi đại dịch và phát triển cơ sở hạ tầng hơn.