Thách thức bủa vây ngành du lịch Thái Lan khi khách Trung Quốc giảm

Từng là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngành du lịch Thái Lan đang đối mặt với hàng loạt thách thức, từ đồng baht tăng giá cho đến sự cạnh tranh của các hãng lữ hành và đặt phòng trực tuyến đúng vào lúc du khách Trung Quốc suy giảm.

 Du khách Trung Quốc chụp hình lưu niệm ở một điểm tham quan ở Chiang Mai, Thái Lan. Ảnh: Financial Times

Du khách Trung Quốc chụp hình lưu niệm ở một điểm tham quan ở Chiang Mai, Thái Lan. Ảnh: Financial Times

Khu phố cổ ở Phuket với các quán ăn ngoài trời và các cửa hiệu mang kiến trúc Trung Hoa-Bồ Đào Nha là một điểm đến để “selfie” được yêu thích đối với các du khách đến từ Trung Quốc. Đảo Phuket có dân số khoảng 0,5 triệu người nhưng thường đón 7 triệu lượt du khách mỗi năm, trong có 2 triệu khách Trung Quốc, nguồn du khách nước ngoài lớn nhất của Thái Lan.

Khách Trung Quốc thường vẫn đến Phuket trong giai đoạn mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 khi mà khách Âu giảm hẳn. Tuy nhiên, trong tháng 8 này, đường Thalang nằm ở trung tâm khu phố cổ Phuket, vắng vẻ bóng du khách.

Các đoàn khách Trung Quốc đồng loạt hủy các tour đến thăm Phuket vào năm ngoái sau khi một tàu du lịch chở khách Trung Quốc bị lật hồi tháng 7-2018, làm 48 người thiệt mạng. Sau vụ tai nạn, một số hãng lữ hành Trung Quốc di dời văn phòng từ Phuket sang Việt Nam.

Trong mùa du lịch năm nay, tình hình ở Phuket còn tồi tệ hơn. Theo một hiệp hội khách sạn địa phương, tỉ lệ lấp đầy phòng ở Phuket chỉ 40-50%. Chutimon Konglao, một tài xế xe du lịch, cho biết đây là mùa du lịch tồi tệ nhất mà cô chứng kiến trong hơn 10 năm cầm lái chở khách ở đảo Phuket.

Konglao nói: “Sau vụ tai nạn chìm tàu du lịch, chúng tôi cảm nhận rõ tác động nhưng tình hình năm nay thậm chí còn xấu hơn”.

Lượng khách nước ngoài đang giảm từ khu phố cổ Phuket cho đến các đền chùa ở Chiang Mai và các khách sạn bình dân dành cho khách du lịch bụi ở Bangkok. Ngành du lịch, một trong những trụ cột của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, đang suy yếu. Theo số liệu của chính phủ Thái Lan, du khách nước ngoài đến Thái Lan trong 6 tháng đầu năm nay giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng khách Trung Quốc giảm gần 5%.

Gần đây, các công ty lữ hành Thái Lan phàn nàn về việc mất doanh thu do có quá nhiều tour du lịch “0 đồng” của hãng lữ hành Trung Quốc. Hồi tháng 9 năm ngoái, một nhân viên an ninh ở sân bay Don Mueang tại Bangkok đấm một du khách Trung Quốc và clip về vụ việc này lan truyền mạnh mẽ trên các mạng xã hội, khiến cho nhiều du khách Trung Quốc quyết định lánh xa “Xứ sở của những nụ cười”.

 Du khách tham quan chợ nổi Damnoen Saduak ở Thái Lan. Ảnh: AFP

Du khách tham quan chợ nổi Damnoen Saduak ở Thái Lan. Ảnh: AFP

Trong nhiều thập kỷ qua, Thái Lan là một hình mẫu về cách biến du lịch thành một “thương hiệu” quốc gia, trở thành một động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế. Với sản phẩm du lịch kết hợp các bãi biển, ẩm thực, cuộc sống về đêm sôi động với nhiều dịch vụ giải trí, mua sắm giá rẻ và các điểm đến tâm linh, Thái Lan đã thu hút khách du lịch bụi lẫn khách hạng sang từ các nước phương Tây muốn tìm kiếm ánh nắng mặt trời khi nước của họ bước vào mùa đông.

Tuy nhiên, ngành du lịch Thái Lan giờ đây đối mặt với ba thách thức lớn. Thứ nhất, nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại và điều này có nghĩa là khách Trung Quốc đến Thái Lan sẽ ít hơn sau khi đã giảm mạnh do tai tiếng từ vụ chìm tàu du lịch ở Phuket hồi năm ngoái.

Thứ hai, các khách sạn và các công ty lữ hành Thái Lan đang bị tổn thương bởi xu hướng du lịch tự túc nhờ sự trỗi dậy của các công ty lữ hành và các nền tảng đặt phòng trực tuyến như Airbnb.

Thứ ba, đồng baht của Thái Lan đang tăng giá mạnh so với đô la Mỹ trong năm nay, làm xói mòn lợi điểm của nơi từng được xem như là một điểm đến đáng giá với đồng tiền.

“Du khách nước ngoài có thể cảm thấy chi phí du lịch ở Thái Lan quá cao so với Việt Nam hay Campuchia”, Ben-ya Hararak, chủ một công ty lữ hành ở Phuket, nói khi giải thích lý do tại sao du khách nước ngoài đến đảo này giảm mạnh.

Những người chỉ trích cho rằng các nhà hoạch định chính sách và giới kinh doanh ngành du lịch ở Thái Lan dường như chỉ chăm bẵm tìm cách nâng lượng khách nước ngoài lên các mức kỷ lục bằng mọi giá mà không dành sự chú ý đầy đủ cho hạ tầng, các kỹ năng và dịch vụ cần thiết để hỗ trợ ngành du lịch.

“Thái Lan không dành sự chú ý đầy đủ cho hệ sinh thái của một ngành công nghiệp du lịch đã trưởng thành hơn. Tôi cho rằng chúng tôi cần phải cân bằng giữa nhu cầu tăng lượng du khách và chất lượng của những điểm tham quan du lịch”, Pavida Pananond, Phó giáo sư ở trường Kinh doanh Thammasat ở Bangkok, nói.

Ngành du lịch đóng góp 10% GDP của Thái Lan mỗi năm và con số này là hơn 20% nếu tính cả các việc làm nằm trong chuỗi ung ứng cho ngành du lịch, theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC). Khi Thái Lan liên tục chứng kiến lượng khách nước ngoài tăng lên mức kỷ lục trong những năm qua, ngành du lịch trở thành con “ngỗng đẻ trứng vàng” trong mắt các nhà hoạch định kinh tế Thái Lan.

Ngành du lịch trực tiếp và gián tiếp thu về cho Thái Lan 100 tỉ đô la mỗi năm và đây là nguồn đóng góp lớn nhất cho thặng dư tài khoản vãng lai lành mạnh của nước này. Song giới phân tích bắt đầu hạ các dự báo tăng trưởng của du lịch Thái Lan ít nhất từ ngắn hạn cho đến trung hạn.

“Chúng tôi cho rằng tăng trưởng ngành du lịch của Thái Lan sẽ chững lại”, Kiatipong Ariyapruchya, nhà kinh tế cấp cao ở Văn phòng Ngân hàng Thế giới, tại Thái Lan, nói.

Các nhà phân tích nước ngoài và một số nhà cung cấp dịch vụ du lịch ở Thái Lan cho rằng ngành du lịch Thái Lan đã rơi vào cơn suy thoái. Công ty tư vấn chuyên theo dõi đặt vé các chuyến bay toàn cầu ForwardKeys ước tính lượng đặt vé bay đến Thái Lan trong 7 tháng đầu năm nay giảm 2,3% so với mức tăng 6,9% đối với Việt Nam.

“Thái Lan có nguy cơ đánh mất thị phần ở phân khúc du lịch giá rẻ khi các thị trường du lịch phát triển ở 2 nước láng giềng Việt Nam và Campuchia”, Fitch Solutions cho biết trong một báo cáo phân tích gần đây.

Tăng trưởng chậm của ngành du lịch đang lan tỏa vào các ngành khác. Hãng hàng không quốc gia Thái Lan, Thai Airways International, cho biết mức lỗ tăng gấp đôi trong quí 2 này do lượng du khách nước ngoài tăng chậm và tình hình cạnh tranh khốc liệt. Hai hãng hàng không giá rẻ Nok Air và Thai AirAsia đều báo lỗ trong quí vừa qua.

Tăng trưởng trì trệ của ngành du lịch là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế Thái Lan chỉ tăng trưởng 2,3% trong quí 2.

Trong tuần này, nội các Thái Lan đã đồng ý tung gói kích thích kinh tế 10 tỉ đô la bao gồm các biện pháp hỗ trợ ngành du lịch đồng thời gia hạn miễn thị thực nhập cảnh thêm sáu tháng đối với một số nước nhưng từ chối đề xuất miễn thị thực cho du khách từ Trung Quốc và Ấn Độ vì lo ngại an ninh.

Theo Financial Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293173/thach-thuc-bua-vay-nganh-du-lich-thai-lan-khi-khach-trung-quoc-giam.html