Thách thức cản bước đồng USD kỹ thuật số

Mỹ đã có nhiều thử nghiệm với đồng USD kỹ thuật số nhưng vẫn chưa thể đưa vào thực tiễn.

Đồng USD kỹ thuật số dường như đã bị lãng quên. Nhiều năm trước, khi Trung Quốc đưa đồng Nhân dân tệ (NDT) kỹ thuật số vào thử nghiệm, Washington cũng nảy ra ý tưởng về một đồng tiền kỹ thuật số của Mỹ.

Sự hứng khởi giảm dần khi đi vào chi tiết. Trên lý thuyết, đồng USD kỹ thuật số có thể giúp người dân dễ tiếp cận với hệ thống tài chính, nhưng trên thực tế, nó đòi hỏi phải có điện thoại thông minh (smartphone) và mối quan hệ với ngân hàng, điều mà người có thu nhập thấp khó có thể đáp ứng.

Nhiều ngân hàng lo ngại việc 'kỹ thuật số' đồng tiền có thể gây bất ổn hệ thống. Trong khi các chính trị gia lo ngại về quyền riêng tư của người dùng.

Khi 'bong bóng' tiền mã hóa qua đi, tiền kỹ thuật số mất đi vẻ hào nhoáng. “Lời hứa hẹn về tài chính toàn diện đó vẫn còn, nhưng sự cường điệu về nó vượt xa thực tế”, J. Christopher Giancarlo, cựu Chủ tịch Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai và là đồng sáng lập Tổ chức Digital Dollar Foundation, nói.

Nhưng đừng vội bỏ qua ý tưởng về đồng USD kỹ thuật số. Một bước tiến công nghệ có thể giúp dòng tiền dễ dàng chuyển dịch giữa các ngân hàng trung ương và các định chế tài chính lớn.

Ý tưởng về đồng USD kỹ thuật số tuy không còn "nóng" nhưng vẫn còn (Ảnh: FT)

Một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Fed New York và các định chế tài chính hàng đầu đã thử nghiệm thanh toán giả định bằng tiền kỹ thuật số. Kết quả cho thấy, việc sử dụng công nghệ blockchain để chuyển tiền có thể thực hiện gần như ngay lập tức, 24 giờ mỗi ngày, 365 ngày mỗi năm, là khả thi.

Tuy nhiên, các giao dịch xuyên biên giới đôi khi được thực hiện rất chậm, bởi cần sự chấp thuận bởi ít nhất 3 cơ sở dữ liệu hoàn toàn riêng biệt, gồm Fed và 2 ngân hàng tham gia giao dịch. Quá trình này đòi hỏi hàng loạt thông điệp yêu cầu và xác nhận từng bước khi tài sản được chuyển giao.

Nhiều giao dịch quốc tế được thực hiện chỉ trong vài phút, nhưng có thể bị tạm ngừng vào cuối tuần và khi có một kỳ nghỉ ở bất kỳ quốc gia nào có liên quan. Các giao dịch đến và từ các quốc gia nhỏ thường lâu hơn do các ngân hàng địa phương cần phải làm việc thông qua các ngân hàng lớn hơn, thường là ở nhiều nước khác nhau, có tài khoản tại Fed. Càng có nhiều bên trung gian và các nước liên quan, giao dịch càng bị chậm, đôi lúc kéo dài nhiều ngày, gây ra nguy cơ mắc lỗi.

Điều này tạo cơ hội mở cho các quốc gia đang muốn giảm phụ thuộc vào đồng bạc xanh trong thanh toán quốc tế. Khoảng một nửa khối lượng giao dịch toàn cầu được thanh toán bằng đồng USD – và vị thế thống trị của USD giúp cho Mỹ vay mượn với lãi suất thấp và giữ cho đồng tiền này ổn định hơn. Điều này cũng giúp Mỹ có lợi thế khi thực thi các đòn trừng phạt kinh tế bởi các giao dịch bằng đồng USD cuối cùng sẽ chảy qua các ngân hàng do Mỹ quản lý.

Trong số các nỗ lực tăng tốc thanh toán toàn cầu phải kể tới Dự án mBridge, một thí nghiệm có sự tham gia của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), ngân hàng trung ương Hong Kong, UAE và Thái Lan. Là dự án tiên tiến nhất, nó thử nghiệm những cách để xử lý giao dịch và giao dịch ngoại hối bằng nhiều đồng tiền số khác nhau.

Token hóa từng được Fed thử nghiệm (Ảnh: Blockworks)

“Token hóa” đồng USD

Một cách để thực hiện các giao dịch lớn dễ dàng là “token hóa” đồng USD mà các ngân hàng thương mại gửi ở ngân hàng trung ương, biến chúng thành tài sản số giống như Bitcoin, nhưng không có tính ẩn danh. Các nhà nghiên cứu của Fed New York, trong Dự án Cedar, đã sử dụng tiền dự trữ được token hóa trong một giao dịch giả định với ngân hàng trung ương Singapore, theo một báo cáo công bố trong tháng 5.

Token hóa cho phép quyền sở hữu một tài sản, và thông tin gắn liền với tài sản đó, được chuyển tiếp một cách an toàn trên không gian mạng. Token hóa dự trữ ngân hàng trung ương là quan trọng bởi đó là nơi thực hiện việc chuyển USD giữa các ngân hàng. Ngoài ra, các chuyên gia của Fed đã làm việc với các chuyên gia đến từ các tổ chức tài chính lớn để xây dựng một sổ cái kỹ thuật số kết nối Fed với các ngân hàng. Ý tưởng này nhằm tạo nên một mạng lưới nơi mà tất cả các bước trong một giao dịch có thể được ghi lại cùng lúc.

Chuyển USD trong vòng vài giây, trong khi giảm thiểu rủi ro gặp lỗi thanh toán, là điều hấp dẫn đối với các doanh nghiệp muốn chuyển lượng tiền lớn xuyên biên giới. Bộ phận tài chính tại các công ty đa quốc gia cũng có thể tăng khả năng tập hợp và đầu tư tiền nhàn rỗi, hoặc chuyển tiền linh hoạt giữa các chi nhánh trên toàn cầu.

Ít người tin rằng đồng USD sẽ sớm bị một đồng tiền kỹ thuật số của một quốc gia khác lật đổ. Kể cả Trung Quốc có cả phiên bản bán lẻ và bán buôn của đồng NDT kỹ thuật số, cùng với một nền tảng thanh toán quốc tế, nó vẫn không thể thu hút bằng đồng USD: Các thị trường vốn thanh khoản và cởi mở của Mỹ, nền kinh tế mạnh mẽ, mức độ đáng tin cậy của ngân hàng trung ương.

“Khả năng tạo ra đồng NDT đóng vai trò quan trọng toàn cầu của Trung Quốc còn phụ thuộc vào nhiều tiêu chí”, Darrell Duffie, giáo sư tài chính đến từ ĐH Stanford, nói. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng nên có các bước chuẩn bị để chống xói mòn ưu thế của đồng USD. “Đó là lợi thế quá lớn để có thể bỏ qua, kể cả khi bạn từ bỏ nó dần dần trong 2 hoặc 3 thập kỷ”, ông nói.

Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn đang bước đi thận trọng. Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói với Bloomberg rằng, cơ quan này vẫn đang theo dõi sát sao các nỗ lực nghiên cứu.

Tại Nhà Trắng, một quan chức khác cho hay Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Lael Brainard không thực sự quan tâm tới chủ đề này và không nêu quan điểm về một đồng tiền kỹ thuật số tiềm năng, mặc dù bà từng tập trung vào vấn đề này khi còn là một thống đốc Fed./.

Theo Bloomberg

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/thach-thuc-can-buoc-dong-usd-ky-thuat-so-post168989.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat