Thách thức chuyển đổi số trong trường đại học

Chuyển đổi số trong nhà trường là nhiệm vụ quan trọng, tuy nhiên nhiều trường vẫn còn gặp khó khăn trong khi thực hiện.

Ngày 17/2 vừa qua, Trường Đại học Hòa Bình đã tổ chức hội thảo khoa học “Chuyển đổi số: Thách thức và những bước đi nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong giáo dục đại học”.

Phát biểu chào mừng hi thảo, TS.Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch Hội đồng trường cho biết thời gian qua, lãnh đạo Trường Đại học Hòa Bình luôn xác định chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết để phát triển nhà trường trong bối cảnh kinh tế số đã và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và là nền tảng để hội nhập một cách sâu rộng với các trường đại học trong nước và quốc tế.

Chính vì vậy, hiểu đúng về chuyển đổi số, đánh giá đúng thực trạng để xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số hợp lý nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo có ý nghĩa rất quan trọng đối với Trường Đại học Hòa Bình trong giai đoạn hiện nay.

Về ý nghĩa lý luận và thực tiễn của các bài hội thảo, NGND.PGS.TS Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Nhà trường, chia sẻ những nội dung hôm nay có cơ sở lý luận và thực tiễn về chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bao gồm các quan điểm, khái niệm, cơ hội và thách thức của chuyển đổi số, kinh nghiệm chuyển đổi số trong giáo dục đại học của một số nước trên thế giới.

Ngoài ra, các tham luân đánh giá thực trạng chuyển đổi số của một số cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam, trong đó, tập trung vào Trường Đại học Hòa Bình. Từ đó, đề xuất các định hướng, giải pháp và kiến nghị để xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả các chiến lược, chương trình, kế hoạch chuyển đổi số tại nhà trường.

Thông qua các bài tham luận, trao đổi, thảo luận tại hội thảo, sẽ góp phần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong giáo dục đại học, xây dựng, tổ chức và thực hiện hiệu quả các chiến lược, chương trình, kế hoạch chuyển đổi số tại Trường Đại học Hòa Bình.

GS.TS Đào Văn Đông (ngồi ngoài, bên trái) cùng các báo cáo viên phiên 1 thảo luận cùng đại biểu tham dự hội thảo.

GS.TS Đào Văn Đông (ngồi ngoài, bên trái) cùng các báo cáo viên phiên 1 thảo luận cùng đại biểu tham dự hội thảo.

Tại hội thảo, GS.TS Trần Trung trong bài tham luận “Xây dựng và phát triển khi đối sánh chương trình đào tạo, bài giảng từ không gian dữ liệu mở” đã giới thiệu cẩm nang thực hành “A practical Guide: Benchmarking in European Higher Education” và một số kết quả đạt được khi xây dựng chương trình đào tạo.

Nghiên cứu cho rằng, hiểu được đúng, xác định đủ được nội hàm kiến thức và kỹ năng từ không gian dữ liệu mở cho một thực tiễn cụ thể nhằm phát triển được chương trình, phát triển được bài giảng trong thời đại mà toán học, tư duy logic, tư duy hệ thống, tư duy tích hợp ngày càng chịu áp lực của thực tiễn phát triển, là đòi hỏi sự đầu tư trí tuệ, công sức thực sự của cá nhân, sự đồng nhất về quan điểm, ý chí, chính sách từ lãnh đạo cấp cao nhất đến mỗi cá nhân thực hiện.

Bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục đại học ở Việt Nam trong tham luận “Chuyển đổi số giáo dục đại học – Những vấn đề đặt ra ở Việt Nam”, PGS.TS Lê Thị Thanh, Trưởng Khoa Luật và TCNH-KT khuyến nghị cần tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục đại học và quản lý giáo dục đại học.

Cùng với đó là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo môi trường pháp lý hoàn chỉnh cho chuyển đổi số giáo dục đại học. Đặc biệt, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường kiểm soát và bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ về học liệu số

.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thach-thuc-chuyen-doi-so-trong-truong-dai-hoc-a594523.html