Thách thức 'cốt lõi' của đàm phán khí hậu COP29

Tổng thống Azerbaijan, nước chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc năm nay (COP29), đã chỉ trích việc phương Tây nhắm vào ngành dầu khí của nước này.

Trong bài phát biểu quan trọng vào ngày 12/11 tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29), nơi gần 200 quốc gia đang đàm phán về hành động toàn cầu ứng phó biến đổi khí hậu, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã mô tả đất nước ông là nạn nhân của "một chiến dịch vu khống và tống tiền được dàn dựng khéo léo".

Gần như liền ngay sau đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên sân khấu và nói rằng nỗ lực gấp đôi trong việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một chiến lược vô lý.

Những quan điểm đối lập đã nhấn mạnh thách thức "cốt lõi" của các cuộc đàm phán về khí hậu: Trong khi các quốc gia được kêu gọi chuyển sang các nguồn năng lượng xanh, nhiều quốc gia, bao gồm cả các quốc gia phương Tây giàu có, vẫn tiếp tục dựa vào nhiên liệu hóa thạch.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres tại COP29, ngày 12/11/2023. Ảnh: Trend News

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres tại COP29, ngày 12/11/2023. Ảnh: Trend News

Bộ Tài chính Azerbaijan cho biết, tỉ trọng dầu khí trong nền kinh tế của quốc gia vùng Kavkaz đang giảm khi đất nước đa dạng hóa cơ cấu năng lượng của mình.

"Với tư cách là Chủ tịch COP29, tất nhiên chúng tôi sẽ là người ủng hộ mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi xanh và chúng tôi đang thực hiện điều đó. Nhưng đồng thời, chúng tôi phải thực tế", Tổng thống Aliyev nói. Ông Aliyev đã gọi các nguồn tài nguyên dầu khí của đất nước mình là "món quà của Chúa".

"Các quốc gia không nên bị đổ lỗi vì có chúng (tài nguyên dầu khí) và không nên bị đổ lỗi vì đã đưa những nguồn tài nguyên này ra thị trường, vì thị trường cần chúng. Người dân cần chúng", nhà lãnh đạo Azerbaijan lập luận.

Ông chỉ trích Mỹ – quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới trong lịch sử, và Liên minh châu Âu (EU), cáo buộc họ áp dụng tiêu chuẩn kép. Mỹ là quốc gia sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới.

Trong khi các quốc gia châu Âu có một số mục tiêu nghiêm ngặt nhất thế giới là cắt giảm khí thải vào năm 2030, nhưng đồng thời cũng vẫn tìm kiếm nguồn cung khí đốt mới ngoài Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine năm 2022.

Cố vấn khí hậu quốc gia Mỹ Ali Zaidi đã bác bỏ phát biểu của ông Aliyev, nói rằng nếu mọi quốc gia đều giảm phát thải carbon theo tốc độ của Mỹ, thế giới sẽ đạt được mục tiêu về khí hậu.

Nhằm mục đích cắt giảm lượng phát thải mê-tan từ Mỹ, chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden hôm 12/11 đã hoàn thiện khung thu phí phát thải mê-tan áp dụng cho các nhà sản xuất dầu khí lớn. Nhưng biện pháp này có khả năng sẽ bị Tổng thống đắc cử Donald Trump hủy bỏ.

EU từ chối bình luận về bài phát biểu của Tổng thống Azerbaijan Aliyev. Trong một diễn biến khác, một tòa phúc thẩm Hà Lan hôm 12/11 đã ban hành phán quyết mang tính bước ngoặt về khí hậu có lợi cho Shell và bác bỏ lệnh trước đó yêu cầu công ty dầu khí này phải giảm mạnh lượng khí thải.

Bên cạnh vấn đề phát thải, COP29 năm nay có mục đích tập trung vào việc huy động hàng trăm tỷ USD tài chính khí hậu để giúp tài trợ cho việc chuyển đổi sang năng lượng sạch và thích ứng với một thế giới ấm hơn.

"Thế giới phải trả giá, nếu không nhân loại sẽ phải trả giá", ông Guterres phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh. "Chúng ta đang trong giai đoạn đếm ngược cuối cùng để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C, và thời gian không đứng về phía chúng ta".

Các tổ chức cho vay phát triển như Ngân hàng Thế giới (WB), vốn là một trong những nguồn tài chính khí hậu lớn nhất cho các quốc gia nghèo hơn, đang chịu áp lực phải cung cấp thêm tiền.

Hôm 12/11, một nhóm gồm 10 quốc gia lớn nhất đã công bố mục tiêu chung là tăng khoản tài trợ khí hậu cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình lên 120 tỷ USD vào năm 2030, tăng khoảng 60% so với số tiền được cung cấp vào năm 2023.

Nguồn tài trợ đó cũng nhằm mục đích thu hút thêm nguồn tài chính tư nhân, bằng cách giảm rủi ro liên quan đến các khoản đầu tư liên quan đến khí hậu.

Trong suốt thời gian còn lại của Hội nghị Thượng đỉnh COP29 kéo dài 2 tuần (từ 11-22/11), các chính phủ sẽ thảo luận về những gì họ có thể bổ sung vào mục tiêu tài trợ hàng năm đó.

Minh Đức (Theo Japan Times)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thach-thuc-cot-loi-cua-dam-phan-khi-hau-cop29-20424111315152429.htm