Thách thức của kinh tế toàn cầu trong đại dịch Covid-19

Kinh tế thế giới đang bị vi rút SARS-CoV-2 tàn phá. Nguy cơ làn sóng dịch thứ hai, thứ ba bùng phát trở lại tại nhiều nước cùng với những diễn biến hết sức khó lường của đại dịch Covid-19 đang ngăn cản quá trình phục hồi kinh tế vốn rất mong manh sau giai đoạn phong tỏa.

Mỹ vừa công bố số liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm 33% trong quý II/2020, mức yếu kém nhất kể từ năm 1947. Tình trạng gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh lúc này sẽ làm tăng nguy cơ kinh tế Mỹ sớm phải đối mặt với làn sóng phá sản lớn.

 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại trung tâm thương mại ở Bangkok, Thái Lan

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại trung tâm thương mại ở Bangkok, Thái Lan

Hãng xếp hạng tín nhiệm Mỹ Fitch ngày 31/7 đã hạ triển vọng kinh tế của nước này từ mức "ổn định" xuống "tiêu cực" do thâm hụt ngân sách cao, song vẫn duy trì xếp hạng tổng thể ở mức cao nhất "AAA". Bên kia bờ Đại Tây Dương, bức tranh kinh tế châu Âu cũng kém sắc. Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết trong quý II/2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm 12,1%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1995.

Trong khi đó, Văn phòng Nội các Nhật Bản nhận định GDP thực tế của nước này có thể giảm 4,5% trong tài khóa 2020 (từ tháng 4/2020 đến hết tháng 3/2021). Đại dịch Covid-19 cũng đã phơi bày những khó khăn ở các nước Đông Nam Á, cho dù những quốc gia này ghi nhận hoạt động kinh tế mạnh mẽ trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) vừa công bố báo cáo khảo sát về các nền kinh tế châu Á, trong đó dự báo 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan (ASEAN-5) sẽ lún sâu vào suy thoái do tác động của đại dịch. JCER dự báo tốc độ tăng trưởng của ASEAN-5 trong quý II/2020 là âm 7,8%, giảm tới 9,7 điểm so với cuộc khảo sát mà JCER thực hiện vào tháng 3. Cả 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đều sẽ tăng trưởng âm, trong đó tốc độ suy giảm của Malaysia, Thái Lan và Singapore có thể vượt ngưỡng 10%.

Trong 7 tháng đầu năm nay, hoạt động thương mại, đầu tư, sản xuất kinh doanh trên toàn cầu hầu như bị đình trệ. Theo dự báo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thương mại toàn cầu năm nay sẽ giảm từ 13-32% so với năm 2019, tùy theo diễn biến dịch bệnh. WHO đã cảnh báo mặc dù các nỗ lực phát triển vắc xin đang diễn ra với tốc độ kỷ lục, nhưng thế giới phải học cách sống chung với Covid-19 và chiến đấu với dịch bệnh này bằng các công cụ mà chúng ta có.

Covid-19 được coi là cú sốc kinh tế lớn nhất trong vòng 35 năm qua, tàn phá không chỉ các nền kinh tế dễ bị tổn thương mà còn khiến các nền kinh tế lớn rơi vào bế tắc. Trong bối cảnh đó, thế giới đang cần có những nỗ lực phối hợp quốc tế nhằm đối phó với tác động của đại dịch, trên một nhận thức chung, rằng hợp tác với nhau lúc hoạn nạn là vì lợi ích của tất cả các nước.

Theo giới chuyên gia, cuộc khủng hoảng hiện nay cũng đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải có hành động nhanh chóng cùng cách tiếp cận toàn diện hơn, bắt nguồn từ việc cùng thay đổi để có được lối sống bền vững, chăm sóc con người và quan tâm đến môi trường "mẹ thiên nhiên" để có thể giải quyết được những vấn đề sâu xa nhất. Đây có thể coi là những động lực mới cho sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

Hoài Anh (t.h)

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/thach-thuc-cua-kinh-te-toan-cau-trong-dai-dich-covid-19-81284.html