Thách thức của Ukraine khi sắp cạn kiệt xe tăng T-64
Khi xung đột nổ ra, Ukraine có khoảng 800 xe tăng T-64 sẵn sàng hoạt động. Trong 11 tháng từ khi Nga tăng cường các cuộc tấn công, Ukraine đã tổn thất một nửa số xe tăng này.
Trái với các loại xe tăng khác hoạt động trong quân đội là xe tăng T-72 và T-80, Ukraine không có nhiều nguồn cung bên ngoài để bổ sung xe tăng T-64. Vì thế, mỗi chiếc xe tăng T-64 Ukraine tổn thất có lẽ là một chiếc xe tăng T-64 không thể thay thế. Điều đó giải thích vì sao Kiev tích cực vận động các nước phương Tây hỗ trợ xe tăng của NATO. Khi xe tăng T-64 cạn kiệt, quân đội Ukraine phải chuyển sang các loại xe tăng mới có nguồn cung bền vững hơn.
Đặc điểm xe tăng T-64
T-64 là một xe tăng độc đáo trong số các xe tăng thời Liên Xô. Vào đầu những năm 1960, quân đội Liên Xô chủ yếu sử dụng xe tăng T-54/55 và những chiếc T-62 đời mới hơn. Xe tăng T-54/55 có một khẩu pháo chính cỡ nòng 100mm trong khi xe tăng T-62 có một khẩu pháo chính cỡ nòng 115mm. Cả hai đều có một đội tăng gồm 4 người bao gồm cả người nạp đạn.
Nhằm hướng tới một thế hệ xe tăng nhảy vọt về tính linh động và hỏa lực, Cục Thiết kế Kharkiv Morozov ở Đông Bắc Ukraine đã phát triển T-64. Xe tăng mới này đã thay thế các khẩu pháo đường kính nhỏ trên dòng T-54/55/62 bằng pháo cỡ nòng 125mm.
T-64 cũng bao gồm một hệ thống nạp đạn tự động đưa số thành viên đội tăng xuống còn 3 người. 1 động cơ diesel 700 mã lực và hộp số liền đã thay thế cho hộp số rời. Các nhà thiết kế cũng tiết kiệm các hệ thống phụ mới và để dành cho lớp bọc thép dày hơn. Kết quả là một xe tăng có tốc độ nhanh hơn cũng như được trang bị vũ khí hạng nặng và lớp bọc thép dày đã ra đời, ít nhất là sánh ngang với các xe tăng phương Tây cùng thời.
Tuy nhiên việc sản xuất T-64 tương đối phức tạp và đắt đỏ. Trong khi một số đội hình được trang bị xe tăng T-64 thì quân đội Liên Xô đã phát triển một xe tăng thay thế rẻ hơn, đó là T-72. T-72 có một hệ thống nạp đạn tự động đơn giản hơn nhưng chậm hơn và một hộp số ít phức tạp hơn. Xe tăng này được sản xuất ở Nga tại nhà máy Uralvagonzavod thuộc Nizhny Tagil.
Từ khi T-64 ra mắt năm 1963, Liên Xô đã vận hành song song 2 dòng xe tăng. Xe tăng T-64 sau đó đã phát triển thành T-80 trong khi T-72 phát triển thành T-90. T-64 được sản xuất ở Ukraine bởi một số kỹ sư giỏi nhất và công nhân có tay nghề nhất của Liên Xô.
Trong khi nhà máy sản xuất xe tăng T-80 đặt ở Nga thì sau khi Liên Xô tan rã, quân đội Nga dần tiêu chuẩn hóa các xe tăng T-72 và T-90 vốn rẻ hơn và đơn giản hơn. Quân đội Ukraine tiếp tục sử dụng xe tăng T-64 và xe tăng T-80 phiên bản dùng động cơ turbine.
Sau 5 thập kỷ, xe tăng T-64 dần trở nên lỗi thời. Pháo, động cơ và hệ thống nạp đạn của nó vẫn hoạt động ổn nhưng thiết bị quang học, trong đó có ống ngắm hồng ngoại thụ động đã lỗi thời và thiếu lớp bọc thép.
Việc Nga sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014 đã khiến Bộ Quốc phòng Ukraine sửa chữa lại đội tăng T-64. Biến thể T-64BV đã trang bị các thiết bị quang học hiện đại hơn.
Thách thức của Ukraine
Dù vậy khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine diễn ra và Moscow tăng cường tấn công, số lượng xe tăng của Kiev đã giảm đáng kể.
Trong khi quân đội Nga có kho dữ trữ xe tăng lớn với hàng nghìn xe tăng T-62, T-72, T-80 và T-90 thì kho tăng của Ukraine ít hơn nhiều. Theo các nhà phân tích tình báo dựa trên các nguồn tin mở, Ukraine hiện có 450 xe tăng T-64 đỗ ở Kharkiv và Kiev. Tuy nhiên không rõ có bao nhiêu xe tăng trong tình trạng tốt và có thể vận hành.
Những chiếc xe tăng T-64 có thể sử dụng trên thế giới hiện thuộc về một số bên như Uzbekistan, Transnistria, Cộng hòa Congo và Nga. Trên thực tế, có thể khẳng định Kiev gần như sẽ không nhận được xe tăng T-64 từ bên ngoài.
Theo nhà quan sát David Axe đánh giá trên Forbes, đến một thời điểm nào đó, có thể là trong năm nay, Ukraine sẽ cạn kiệt xe tăng T-64. Trong khi nhà máy xe tăng Kharkiv có thể sản xuất một số xe tăng mới sử dụng các bộ phận được lưu trữ từ lâu thì nhà máy này sẽ không thể sản xuất số lượng xe tăng theo kịp mức độ tổn thất của Ukraine, hiện là trung bình 1 xe tăng T-64/ngày.
Quân đội Ukraine đã phải đưa ra sự dịch chuyển lớn về việc sử dụng xe tăng. Đó là thực tế mà nước này không thể tránh khỏi. Kiev sẽ phải trang bị cho các lữ đoàn của mình các loại xe tăng của Mỹ và châu Âu, trong đó có Leopard 1 và 2 của Đức, Challenger 2 của Anh và M-1 Abrams của Mỹ.
Kiev tuyên bố cần 1.500 xe tăng trong cuộc xung đột với Nga. Ngay cả khi được phương Tây cam kết hỗ trợ xe tăng hạng nặng thì không có gì đảm bảo Ukraine sẽ nhận được đủ số lượng xe tăng mà nước này cho là đủ./.