Thách thức đối với EU trong vai trò nhà đàm phán vũ khí của châu Âu

Tham vọng của EU trong việc đoàn kết và mua chung vũ khí đang phải đối mặt với một loạt vấn đề trước khi kế hoạch bắt đầu.

Tham vọng trở thành nhà đàm phán vũ khí

Các nhà lãnh đạo EU đặt mục tiêu trong tuần này ký kết một kế hoạch trị giá 2 tỷ euro, trong đó các quan chức lập luận rằng sẽ cho phép những nước thành viên vừa có thể nhận lại tiền để gửi đạn dược cho Ukraine vừa tài trợ cho các dự án mua chung trong tương lai để tiếp tục cung cấp đạn pháo cho Kiev. Những người ủng hộ kế hoạch này hy vọng đó là sự khởi đầu về việc EU trở thành nhà đàm phán vũ khí cho châu Âu.

Ảnh minh họa: Getty

Ảnh minh họa: Getty

Kế hoạch này đánh dấu thời điểm quan trọng đối với EU – một liên minh được thành lập vì hòa bình hiện đang sẵn sàng mua và gửi vũ khí cho một quốc gia có xung đột.

Dù vậy, việc đề ra kế hoạch là một chuyện. Thu hút mọi người tham gia lại là một việc khác.

Đầu tiên là vấn đề thời gian. Ukraine hiện đang cần nhiều vũ khí, đặc biệt là đạn pháo 155mm mà quân đội nước này đang tiêu hao với số lượng lớn ngoài tiền tuyến. Tuy nhiên, ngành công nghiệp quốc phòng của EU sẽ cần nhiều tháng để có thể đáp ứng nhu cầu của Kiev.

Vấn đề tiếp theo là tiền. Mặc dù EU dường như đã có 2 tỷ euro ban đầu, nhưng điều đó sẽ chỉ giải quyết các nhu cầu cấp thiết về đạn dược và mua chung đạn dược trước mắt. EU cũng đang định hình một kế hoạch dài hạn để thúc đẩy sản xuất công nghiệp quốc phòng, vốn sẽ cần thêm hàng triệu euro nữa. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao và nền kinh tế trì trệ, đây sẽ là một thách thách lớn.

Vấn đề lớn nhất có thể là ở quan điểm của mỗi nước. Khi EU chuyển sang tích hợp chiến lược quốc phòng của châu Âu, các nước thành viên tỏ ra lo ngại về việc trao thêm quyền lực cho Brussels.

Đức đã tỏ ra thận trọng về vấn đề này khi Thủ tướng Olaf Scholz nói rằng ông sẵn sàng để các nước khác tham gia vào cuộc đàm phán hợp đồng vũ khí của Berlin nhưng lại hoàn toàn không đề cập đến việc để EU tham gia đàm phán cho họ.

“Vấn đề là các nước đều muốn đảm bảo rằng họ nhận được trang thiết bị của mình trước tiên và vẫn mua sắm theo các ưu tiên của từng quốc gia”, bà Hannah Neumann, một thành viên Nghị viện châu Âu của Đức cho biết.

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Những thách thức trên được thảo luận vào ngày 20/3 khi các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng EU tập trung tại Brussels để xem xét và có thể khởi động kế hoạch. Trước đó, EU đã đạt được thỏa thuận sơ bộ cung cấp cho Kiev 1 triệu quả đạn 155 mm - số lượng mà Ukraine đề nghị - trong năm tới.

Các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ nêu ra vấn đề trên vào cuối tuần này tại một hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào cuối tuần này

Trọng tâm đề xuất của EU là Quỹ Hòa bình châu Âu, một khoản tiền mà khối này đã và đang sử dụng để trả lại một phần cho các nước viện trợ vũ khí cho Ukraine. Các quan chức hiện đang xem xét sử dụng 2 tỷ euro từ quỹ để trang trải cả viện trợ đạn dược cho Ukraine, cũng như các đơn đặt hàng chung để bù lại những nguồn cung cấp đó trong EU.

Các quan chức EU cũng tìm kiếm những giải pháp dài hạn hơn để nâng cao năng lực của châu Âu trong việc sản xuất không chỉ đạn pháo mà tất cả các loại thiết bị quân sự. Điều đó sẽ đòi hỏi phải có thêm tiền.

Về nguyên tắc, EU đã ủng hộ ý tưởng về một kế hoạch mua sắm chung - một đề xuất tương tự chiến lược tiêm chủng Covid-19 mà khối này đã thực hiện cùng nhau và mua chung vaccine. Lý do được đưa ra là EU đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp tương tự. Xung đột đang cận kề, nguồn cung cấp cho Ukraine đang cạn kiệt và châu Âu lo ngại về việc liệu họ có thể tự bảo vệ mình khi cần hay không.

Dù vậy, vẫn còn nhiều câu hỏi đang bỏ ngỏ: Các hợp đồng vũ khí do EU đàm phán sẽ chỉ dành cho các công ty EU hay có thể khai thác các công ty bên ngoài? Nguồn tiền trong tương lai để thúc đẩy sản xuất sẽ đến từ đâu?...

Một vấn đề nhạy cảm là trong trường hợp tất cả các nước đồng ý mua sắm chung, thì để xác định ai có thể quyên góp đạn dược và ai cần bổ sung thêm, trước tiên mỗi quốc gia phải cho biết họ có bao nhiêu. Một số nước sẽ không muốn chia sẻ thông tin này.

Tính chất khó dự đoán của xung đột

Một lo ngại khác len lỏi vào các cuộc đàm phán là EU có thể sẽ mua quá nhiều khi vội vàng giúp đỡ Ukraine.

Những lo ngại này xuất hiện trong bối cảnh các hợp đồng mua vaccine ngừa Covid-19 của EU đang được đánh giá lại. Các thỏa thuận đã được ký kết trong cuộc tranh giành để đảm bảo có càng nhiều vaccine càng tốt, nhưng hiện giờ châu Âu vẫn còn hàng triệu liều vaccine chưa sử dụng.

Do tính chất khó dự đoán của xung đột, các nhà lãnh đạo trong ngành công nghiệp lo ngại tình huống tương tự có thể lặp lại, trong đó EU tích trữ các đơn đặt hàng đạn dược và sau đó sẽ hối tiếc về khoản đầu tư khi nhu cầu thời chiến giảm đi.

Các công ty quốc phòng có thể sẽ yêu cầu một khoản “phí bảo hiểm” từ EU – một khoản chi phí khác mà các chính phủ sẽ phải gánh chịu./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo Politico

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/thach-thuc-doi-voi-eu-trong-vai-tro-nha-dam-phan-vu-khi-cua-chau-au-post1008823.vov