Thách thức hậu cần khổng lồ khi hơn 100 lãnh đạo dự lễ tang nữ hoàng
Nhiều quốc gia gửi kiến nghị đến chính phủ Anh về vấn đề lễ tân và an ninh trong tang lễ Nữ hoàng Elizabeth II. Họ muốn đại diện nước mình có thêm một số đặc quyền.
Theo quy định của London, hầu hết nguyên thủ quốc gia tới dự lễ tang ngày 19/9 tới sẽ di chuyển bằng phương tiện cá nhân tới một địa điểm ở phía tây London. Từ đó, họ phải đi chung xe tới Tu viện Westminster, nơi tổ chức tang lễ.
Các nhà ngoại giao từ năm quốc gia - bao gồm cả các nước trong khối G7 - nói với Politico rằng họ muốn lãnh đạo của mình được hưởng một số ngoại lệ với lý do an ninh hoặc sức khỏe.
Vấn đề này cho thấy thế khó của chính phủ Anh trong việc vừa đảm bảo an ninh cho tang lễ, vừa đảm bảo các thủ tục lễ tân ngoại giao vẫn được tuân thủ.
"Ông Biden phải đi xe buýt?"
Politico hôm 11/9 tiết lộ các quy tắc về lễ tân mà chính phủ Anh đặt ra với các nhà lãnh đạo nước ngoài tới tham dự tang lễ của Nữ hoàng Elizabeth II.
Theo giới chức Anh, việc các nguyên thủ phải để xe riêng ở ngoài đến từ “an ninh nghiêm ngặt và hạn chế về đường sá”. “Nhiều lớp an ninh toàn diện sẽ được triển khai tại London và tất cả địa điểm chính thức phục vụ lễ tang và các sự kiện liên quan”, Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố.
Sau lễ tang, các nhà lãnh đạo nước ngoài sẽ được tân Ngoại trưởng Anh James Cleverly tiếp đón, trước khi lên xe buýt để quay trở lại địa điểm lấy xe.
Ngoài quy định về việc đi chung xe tới Tu viện Westminster, các lãnh đạo nước ngoài cũng được đề nghị tới Anh bằng các chuyến bay thương mại (những ai đi máy bay riêng được đề nghị hạ cánh ở các sân bay vắng vẻ hơn quanh London), cũng như không được phép sử dụng trực thăng để đi lại “do số lượng máy bay cùng hoạt động vào thời điểm đó”.
“Bạn có thể tưởng tượng (ông) Joe Biden phải đi xe buýt hay không?”, một đại sứ nước ngoài tại London phàn nàn qua tin nhắn.
Ngay sau khi thông tin trên được tiết lộ, người phát ngôn của tân Thủ tướng Anh Liz Truss cho biết các nhà lãnh đạo nước ngoài sẽ được sắp xếp khác nhau và các quy tắc trên chỉ mang tính “hướng dẫn”.
Các nguồn tin bên trong chính phủ Anh tiết lộ với Times rằng ông Biden sẽ được phép di chuyển thẳng đến Tu viện Westminster trên chiếc xe Cadillac bọc thép mang tên “Quái thú” của ông với lý do an ninh.
Bên cạnh đó, một số nhà lãnh đạo khác như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Nhật hoàng Naruhito hay Tổng thống Israel Isaac Herzog cũng có thể được hưởng đặc quyền này.
Một nguồn tin cho biết việc yêu cầu các nhà lãnh đạo G7 cùng đi xe buýt là điều “không thích hợp”, nhưng London vẫn đề nghị các phái đoàn “linh động nhất có thể”.
Mong muốn hưởng đặc quyền
Một số nhà ngoại giao tại London cho biết họ muốn nguyên thủ quốc gia của mình cũng được hưởng đặc quyền như vậy.
Theo các nhà ngoại giao, Bộ Ngoại giao Anh không giải thích rõ các điều kiện để một lãnh đạo nước ngoài được phép đi bằng xe riêng tới thẳng Tu viện Westminster. Nhiều quốc gia đã tiếp cận giới chức Anh để đề nghị.
“Tổng thống của tôi vẫn rất vui với việc đi xe buýt nếu được yêu cầu. Tuy nhiên, ông ấy đã 80 tuổi. Do đó, nếu có cách nào để tránh kịch bản này, chúng tôi sẽ thử”, một nhà ngoại giao cấp cao nói.
Nhiều nhà ngoại giao tại London đã quen với các thỏa thuận đi chung xe trong các sự kiện lớn như hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 vào năm 2021 hay dịp lễ kỷ niệm 70 năm Nữ hoàng Elizabeth II đăng quang hồi đầu năm nay. Dù vậy, việc thuyết phục các nhà lãnh đạo chấp nhận kế hoạch vẫn là một thách thức.
Tang lễ của Nữ hoàng Anh Elizabeth II sẽ là lễ tang lớn nhất tại xứ sở sương mù kể từ khi cựu Thủ tướng Winston Churchill qua đời năm 1965. Nhiều lãnh đạo nước ngoài như New Zealand, Canada, Australia, Nam Phi hay Đức đã xác nhận tham dự.
Sự kiện này cũng sẽ là “đợt tập trung” lớn của các hoàng gia trên khắp châu Âu. Vua và hoàng hậu Bỉ, Thụy Điển, Hà Lan, Tây Ban Nha dự kiến đều có mặt.