Thách thức lớn nhất của nền kinh tế là sức cầu yếu

Nhìn lại hoạt động sản xuất, kinh doanh từ đầu năm đến nay, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, thách thức lớn nhất của nền kinh tế từ quý IV/2022 đến nay là sức cầu yếu.

TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương)

TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương)

Ông nhận định thế nào về thách thức của nền kinh tế hiện nay?

Theo tôi, thách thức của nền kinh tế hiện nay chính là sức cầu yếu. Từ quý IV/2022 đến nay, cả cầu nội địa lẫn cầu nước ngoài (kim ngạch xuất khẩu), cả cầu đầu tư lẫn cầu tiêu dùng đều giảm.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm nay (tính đến ngày 15/6/2023), tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu mới đạt 287,94 tỷ USD, giảm trên 15% (giảm 51,76 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Đáng lưu ý là, suốt từ tháng 10/2022 đến nay, kim ngạch xuất - nhập khẩu tháng nào cũng giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Đây là hiện tượng hiếm khi xảy ra, nếu tình hình này không được khắc phục thì hoạt động sản xuất trong nước thực sự khó khăn. Bởi xuất khẩu đóng góp vai trò đặc biệt trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhưng nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu giảm 12%, tức là giảm 20,34 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022. Trên 90% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam không phải là hàng tiêu dùng, mà là nguyên, nhiên vật liệu, thiết bị máy móc, công nghệ, dây chuyền sản xuất, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, nhập khẩu giảm tới 18,4%, tương đương với giảm 31,43 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân của nhập khẩu giảm là do xuất khẩu bị giảm, doanh nghiệp cả trong và ngoài nước không có nhu cầu nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu về để sản xuất hàng xuất khẩu.

Nhưng cầu nội địa theo số liệu của Tổng cục Thống kê đang rất tốt, thưa ông?

Nếu nhìn vào số liệu tăng trưởng thì có thể thấy cầu nội địa khá ổn. Trong 5 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 8,3%.

Song nên nhớ rằng, mức tăng 12,6% hay 8,3% là so với năm 2022, năm mà đến tận ngày 15/3/2022, Việt Nam mới thực sự mở cửa lại nền kinh tế sau 2 năm “bế quan tỏa cảng” để phòng chống Covid-19. Tức là, so trên nền thấp của năm 2020, năm 2021 và năm 2022, thì tốc độ tăng trưởng cầu nội địa này cao, nhưng nếu quy về tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch thì sức cầu còn rất yếu.

Thế còn cầu đầu tư nội địa thì sao?

Vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước (chủ yếu là đầu tư công) còn thấp xa so với kế hoạch, nhưng kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm nay rất lớn. Còn so với cùng kỳ năm 2022, vốn đầu tư phát triển tăng khoảng 18%, có thể nói là có tiến bộ hơn các năm trước.

Tuy nhiên, vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước lại rất yếu, bằng chứng là tốc độ tăng trưởng tín dụng rất thấp, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp 4 lần hạ lãi suất điều hành trong 6 tháng đầu năm, trong đó chỉ trong khoảng một tháng có hai lần hạ lãi suất điều hành. Đây là điều hiếm khi xảy ra.

Đầu tư của khu vực ngoài nhà nước thấp có nguyên nhân chủ yếu là cả cầu trong nước lẫn xuất khẩu đều thấp, nên doanh nghiệp chỉ cố gắng duy trì sản xuất, không dám mở rộng đầu tư. Vì vậy, muốn kích cầu đầu tư phải đẩy mạnh được xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là dệt may và da giày đang bị cạnh tranh khốc liệt từ Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác.

Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện hàng loạt giải pháp tài khóa, tiền tệ để kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng, giảm chi phí cho sản xuất, kinh doanh. Điều này đã phát huy tác dụng ra sao?

Có thể nói, các giải pháp gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; giảm lãi suất vay vốn ngân hàng, gia hạn, cơ cấu lại thời gian trả nợ được ban hành rất kịp thời, nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng nội địa đã có chuyển biến tích cực kể từ tháng 4/2022.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến đầu tháng 6, tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ước khoảng 63.160 tỷ đồng, trong đó miễn, giảm khoảng 25.160 tỷ đồng và gia hạn 38.000 tỷ đồng. Các chính sách này tiếp tục được triển khai đến cuối năm, cộng với việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước kể từ ngày 21/6/2023 cho đến hết năm 2023 theo Nghị định 36/2023/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành và giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/7/2023, hy vọng sức mua ở thị trường nội địa sẽ tăng tốc trong 6 tháng cuối năm nay.

Với các chính sách tài khóa, cộng với việc giảm lãi suất vay vốn ngân hàng rất mạnh, thì cầu đầu tư và cầu tiêu dùng sẽ phục hồi.

Với những diễn biến này, ông dự báo thế nào về tốc độ tăng trường GDP năm nay?

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa đưa ra 3 kịch bản về tăng trưởng kinh tế của năm nay. Trong đó, kịch bản cơ sở là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6%, CPI tăng 4%. Kịch bản khả quan là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,5%, CPI tăng 4,2%. Kịch bản bi quan hơn là tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,5%, CPI tăng khoảng 3,5%.

Tôi nghiêng về kịch bản cơ sở khi đặt trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine chưa thể kết thúc, kinh tế Trung Quốc, Mỹ cũng như các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang suy giảm, gây ra khó khăn nhất định cho kinh tế Việt Nam.

Mạnh Bôn thực hiện

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thach-thuc-lon-nhat-cua-nen-kinh-te-la-suc-cau-yeu-d192793.html