Thách thức lớn nhưng vẫn có cách đạt được

Trong tình hình thế giới biến động khó lường, mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) theo Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị là thách thức rất lớn. Dù vậy, GS.TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tin rằng, nếu chúng ta tập trung cho thể chế, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính thì không chỉ đạt mà còn vượt các mục tiêu đề ra.

Thách thức rất lớn

Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 (Nghị quyết số 50) đặt ra mục tiêu tương đối cao, khi giai đoạn 2021 - 2025 có vốn đăng ký khoảng 150 - 200 tỷ USD, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỷ USD, vốn thực hiện lần lượt khoảng 100 - 150 tỷ USD và 150 - 200 tỷ USD.

Mục tiêu thu hút vốn FDI giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 150 - 200 tỷ USD là thách thức rất lớn, song vẫn có thể đạt. Nguồn: ITN

Mục tiêu thu hút vốn FDI giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 150 - 200 tỷ USD là thách thức rất lớn, song vẫn có thể đạt. Nguồn: ITN

Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, sau 2 năm trải qua đại dịch Covid-19 và tình hình thế giới vẫn diễn biến khó lường, mục tiêu này thực sự là thách thức rất lớn.

Thực tế, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã suy giảm, chủ yếu là sự sụt giảm của những dự án quy mô lớn khi dự án tỷ USD rất ít, ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài xác nhận. Đây là hệ quả tất yếu của đại dịch Covid-19 và biến động địa chính trị làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu dùng giảm, lạm phát ở nhiều nền kinh tế. Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn hiện cũng lo ngại tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và đang cân nhắc xem phản ứng chính sách của các quốc gia.

Cũng theo ông Sử, còn một yếu tố tác động cực lớn với các dự án đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt từ Nhật Bản, Hàn Quốc, là đồng tiền mất giá. Thống kê cuối năm 2022 cho thấy Yên Nhật mất giá 27% so với USD, đồng Won Hàn mất giá 22% khiến nhà đầu tư ở các nước này trì hoãn dự án mới ở nước ngoài, bao gồm Việt Nam. Bởi lẽ đó, mục tiêu Nghị quyết số 50 đặt ra sẽ rất khó khăn.

GS.TS. Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho rằng, sự sụt giảm đầu tư FDI quốc tế trong năm 2023 dự báo sẽ đi ngang hoặc sụt giảm do nhiều yếu tố, trong đó có 2 yếu tố rất quan trọng. Một là, nhiều quốc gia như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều hạn chế đầu tư ra nước ngoài. Chẳng hạn, Chính phủ Nhật dành 2 tỷ USD khuyến khích nhà đầu tư nước này đầu tư về trong nước. Do đó, “Việt Nam buộc phải lưu ý đến vấn đề này để có giải pháp thực hiện định hướng theo Nghị quyết số 50”. Hai là, hiện các nước có xu hướng sàng lọc nhà đầu tư rất khắt khe. Sự sàng lọc này liên quan nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề an ninh quốc gia. Nhiều nước cũng không khuyến khích công ty công nghệ cao đầu tư ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải đối mặt với cạnh tranh thu hút FDI rất lớn từ các quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ và Indonesia. Trong nước, mặc dù chúng ta đã nhận biết được nhược điểm của môi trường đầu tư, song hiện làm “còn quá chậm”. Chẳng hạn như chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu hiện vẫn chưa ban hành và thời gian còn rất ít. Thủ tục đầu tư vẫn là rào cản lớn đối với nhà đầu tư…

Chia sẻ góc nhìn trên, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thừa nhận, Nghị quyết số 50 định hướng nâng cao chất lượng FDI song “các thiết chế kèm theo để nâng cấp xúc tiến FDI dường như chuyển biến còn chậm”. Khung khổ pháp lý thu hút FDI chất lượng cao thưa được ban hành nhiều, công tác xúc tiến đầu tư cũng chưa có sự khác biệt với cách làm cũ. Mặc dù có 35 năm thu hút FDI nhưng vẫn còn dè dặt với việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua nhà ở, sử dụng đất…

ESG - điều kiện tiên quyết cho thu hút FDI

Khẳng định những lo lắng trên “rất chính đáng” trong việc thu hút FDI theo định hướng Nghị quyết số 50, song GS.TS. Nguyễn Mại với 35 năm kinh nghiệm làm đầu tư cho rằng “chưa bao giờ Việt Nam có vị thế, tiềm năng về tăng trưởng kinh tế và thu hút FDI như hiện nay”. Đó không chỉ là ở sự đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam, mà còn ở những dự án tập trung vào kinh tế tuần hoàn như của Tập đoàn Lego xây dựng nhà máy tỷ USD tại Bình Dương. Đây là nhà máy thứ 6 của tập đoàn này trên toàn cầu nhưng là nhà máy duy nhất không có phát thải, sử dụng năng lượng hoàn toàn tự túc. Các doanh nghiệp trong nước vốn đa phần quy mô nhỏ và vừa cũng đang chuyển sang kinh tế tuần hoàn.

Đặc biệt, hiện cả nước có hàng chục trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn của các tập đoàn Samsung, Intel, LG…, cho thấy người Việt Nam có đủ năng lực để tiếp cận các trung tâm hiện đại. Ngay với vấn đề thể chế, dù còn nhiều băn khoăn nhưng quyết tâm của Đảng, Chính phủ rất rõ và đó cũng chính là cơ sở quan trọng cho sự thay đổi. Bởi những lẽ đó, ông Mại tin tưởng, nếu chúng ta tập trung cho thể chế, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính thì không chỉ đạt mà còn vượt các mục tiêu Nghị quyết số 50 đề ra.

Bà Đỗ Thị Thu Hà, Trưởng bộ phận Tư vấn phát triển bền vững, Lãnh đạo khối Cơ sở hạ tầng, Chính phủ và Y tế của KPMG Việt Nam và Campuchia cho rằng, để thu hút được FDI chất lượng cao theo định hướng của Nghị quyết số 50, Việt Nam phải tạo môi trường tốt về khung pháp lý; xây dựng cơ sở hạ tầng tốt, đặc biệt là về năng lượng; tạo nguồn nhân lực lao động có đủ kỹ năng để đáp ứng yêu cầu.

Đặc biệt, bộ tiêu chí đánh giá về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) hiện là xu hướng toàn cầu và “sẽ là điều kiện tiên quyết cho thu hút FDI tại Việt Nam”. Bởi, “nhiều nhà đầu tư nói với chúng tôi rằng họ không thể đầu tư vào Việt Nam nếu không bảo đảm ít nhất 50% năng lượng tiêu thụ là năng lượng xanh”. KPMG cũng được nhiều tập đoàn đa quốc gia yêu cầu kiểm tra các doanh nghiệp Việt Nam về các chuẩn mực quốc tế về an toàn lao động, không sử dụng lao động trẻ em… trước khi chấp thuận các doanh nghiệp này trở thành nhà cung cấp cho họ. Do vậy, nếu Việt Nam muốn trở thành điểm sáng thu hút đầu tư buộc phải có biện pháp kịp thời về khung pháp lý, đào tạo con người để doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng chuẩn ESG.

Một trong những vấn đề được các chuyên gia chỉ ra rằng, hiện nay đang có sự chênh lệch lớn giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam. Ông Phan Hữu Thắng lưu ý, chúng ta đã có định hướng phát triển thành phần kinh tế tư nhân. Nếu muốn thúc đẩy sự liên kết này, “hãy thực hiện cho tốt các định hướng đã ban hành”. Đồng thời, ông Thắng cho rằng vì có quá nhiều việc phải làm nên cần thiết có một hội nghị khoa học chuyên đề FDI. Nếu không có đánh giá thấu đáo sẽ không thể có giải pháp hữu hiệu đạt mục tiêu mà Nghị quyết số 50 đề ra, đưa Việt Nam hùng cường, độc lập, tự chủ kinh tế!

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/thach-thuc-lon-nhung-van-co-cach-dat-duoc-i328794/