Thách thức lớn với Nga khi dự định chế tạo phiên bản Su-35 tàng hình hóa
Phương án nâng cấp tiêm kích thế hệ 4 theo chuẩn thế hệ 5 bằng cách giảm tín hiệu phản xạ radar đã được Mỹ thực hiện thành công trên chiếc F-15SE Silent Eagle, Nga nhiều khả năng sẽ học hỏi thiết kế này để áp dụng cho Su-35.
Hiện tại Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã thông báo hủy bỏ chương trình tiêm kích FGFA (phiên bản hai chỗ ngồi của Su-57) hợp tác sản xuất cùng với Nga vì còn tồn tại quá nhiều thiếu sót.
Lý do mà Ấn Độ đưa ra là FGFA có diện tích phản xạ radar quá cao, động cơ hoạt động kém tin cậy, quan trọng hơn là mức giá bị đội lên gấp nhiều lần so với dự toán ban đầu mà Nga từng chào hàng.
Sự đổ vỡ của dự án FGFA khiến tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II do Mỹ sản xuất bỗng nổi lên trở thành ứng viên chiến đấu cơ thế hệ 5 sáng giá nhất đối với quốc gia Nam Á này.
Trước nguy cơ bị Mỹ hất cẳng ngay tại thị trường truyền thống, Nga đã cấp tốc đưa ra một phương án thay thế với hy vọng Ấn Độ sẽ cân nhắc như một giải pháp tạm thời.
Nga đã chào hàng cho Ấn Độ gói nâng cấp của tiêm kích Su-35S được bổ sung công nghệ của máy bay chiến đấu thế hệ 5, trong đó trọng tâm là khiến nó có khả năng tàng hình nhẹ.
Theo giới thiệu của Moskva, thiết kế tiêu chuẩn của Su-35 phù hợp với mọi đặc điểm của một chiếc tiêm kích thế hệ 5, ngoại trừ khả năng tàng hình.
Căn cứ vào phát biểu trên, có thể hiểu rằng Nga muốn cải tạo chiếc Su-35 của mình theo một thiết kế đã rất thành công chính là F-15SE Silent Eagle - phiên bản tàng hình hóa của F-15E Striker Eagle.
Sau khi nâng cấp theo chuẩn thế hệ 5 bằng cách giảm diện tích phản xạ radar, nâng cấp thiết bị điện tử hàng không thì năng lực tác chiến của F-15SE theo đánh giá đã vượt nhiều lần F-15E.
Do vậy không có gì khó hiểu khi Moskva ấn tượng với cách làm của người Mỹ và muốn thực hiện điều tương tự trên chiếc tiêm kích thế hệ 4,5 tốt nhất của mình.
Tuy nhiên để Su-35 có các tính năng kỹ chiến thuật tương tự F-15SE Silent Eagle thì trước mắt người Nga là một khối lượng công việc không hề nhỏ.
Trọng tâm của gói nâng cấp trên chính là phải làm sao thiết kế được khoang bụng và đưa vũ khí từ giá treo ngoài vào trong nhằm làm giảm diện tích phản xạ radar cho Su-35.
Tiếp đó, Nga phải nghiên cứu chế tạo một lớp sơn bao phủ đặc biệt có tác dụng hấp thụ sóng điện từ, điều này có vẻ dễ dàng hơn khi có thể tận dụng thành tựu từ chiếc Su-57.
Thách thức lớn nhất đối với Su-35 đó là nếu làm thêm khoang vũ khí bên trong thân thì chắc chắn khả năng cơ động của nó với động cơ AL-41F1S sẽ không còn như hiện nay.
Nếu như chiếc F-15SE vẫn giữ được tốc độ tối đa Mach 2,5 thì kết cấu mới của Su-35 dự kiến sẽ làm cho vận tốc lớn nhất của nó giảm từ Mach 2,35 về Mach 2.
Một vấn đề cũng rất quan trọng nữa đó là Nga hiện nay chưa có một radar mảng pha quét chủ động nào đủ để thay thế xứng đáng cho loại N035 Irbis, trong khi đây là yêu cầu tối quan trọng.
Cuối cùng, nếu như Nga quyết tâm cho ra đời phiên bản Su-35 tàng hình hóa thì thời gian hoàn thiện dự kiến cũng sẽ bị kéo dài, Ấn Độ khó mà kiên nhẫn chờ đợi được khi họ đang có sẵn quá nhiều lựa chọn thay thế.