Thách thức mới từ bệnh đậu mùa khỉ

Dù không lây lan nhanh chóng như Covid-19 và đã có vaccine phòng bệnh, nhưng thế giới vẫn phải đối mặt với những thách thức mới từ bệnh đậu mùa khỉ khi hiệu quả của vaccine được cho là có thể bị xói mòn bởi yếu tố thời gian và bệnh tật. Bên cạnh đó, vấn đề kì thị, phân biệt chủng tộc cũng được các chuyên gia tính đến.

 Tiêm vaccine là một trong những biện pháp đang được thực hiện để kiểm soát lây nhiễm đậu mùa khỉ. Ảnh: AFP

Tiêm vaccine là một trong những biện pháp đang được thực hiện để kiểm soát lây nhiễm đậu mùa khỉ. Ảnh: AFP

Vaccine có bảo vệ trọn đời?

Các nhà nghiên cứu cho biết, một số bệnh nhân được tiêm vaccine đậu mùa từ bé, đồng thời đã từng nhiễm HIV có thể không nhận được 100% hiệu quả bảo vệ trước bệnh đậu mùa khỉ. Nghiên cứu cho thấy, việc tiêm phòng vaccine đậu mùa có thể không bảo vệ khỏi bệnh đậu mùa khỉ suốt đời, bởi HIV có thể đóng một vai trò trong việc làm xói mòn sự bảo vệ của mũi tiêm theo thời gian.

Các đợt bùng phát bệnh đậu mùa ở khỉ đang diễn ra trên khắp thế giới, với việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố căn bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm. Hiện nay, phần lớn các trường hợp mắc bệnh là nam quan hệ tình dục đồng giới.

Chủng ngừa bằng loại vaccine ban đầu được phát triển để chống lại bệnh đậu mùa, một căn bệnh liên quan nhưng nghiêm trọng hơn, là một trong những biện pháp đang được thực hiện để kiểm soát lây nhiễm đậu mùa khỉ.

Tuy nhiên, trong khi các chuyên gia nhấn mạnh rằng, điều quan trọng đối với những người có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa là phải thực hiện khuyến nghị tiêm phòng vì nó làm giảm nguy cơ nhiễm trùng có triệu chứng và bệnh nặng, thì khả năng bảo vệ được cung cấp bởi mũi tiêm đậu mùa có thể giảm theo thời gian.

Đồng ý với quam điểm trên, giáo sư y tế công cộng quốc tế tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London Jimmy Whitworth, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết, có thể có một số lý do khác như việc các virus không hoàn toàn giống nhau, vì vậy sự bảo vệ chéo được cung cấp có thể không mang lại lợi ích tuyệt đối.

Giáo sư Whitworth cho biết, một khả năng khác là HIV có thể đóng một vai trò nào đó. Theo nghiên cứu, 40% trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ là ở những người mắc HIV và con số này là 60% trong số những người đã tiêm phòng đậu mùa thời thơ ấu nhưng vẫn bị đậu mùa khỉ. “Những người nhiễm HIV có thể đã bị suy giảm miễn dịch, làm mất đi khả năng bảo vệ của vaccine” - Giáo sư Whitworth nói.

Đồng ý với kết quả nghiên cứu, bà Laura Waters - Chủ tịch của Hiệp hội HIV của Anh, cho biết: “Mặc dù có khả năng hiệu quả của vaccine đậu mùa sẽ giảm đối với tất cả mọi người, nhưng điều này có thể xảy ra ở mức độ cao hơn ở những người nhiễm HIV, ngay cả những người nhiễm HIV đang được kiểm soát điều trị tốt”.

Nhà virus học tại Đại học Surrey, Tiến sĩ Carlos Maluquer de Motes cho biết, đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay sẽ cung cấp dữ liệu quan trọng về việc thời gian miễn dịch mà vaccine đậu mùa cung cấp có thể kéo dài bao lâu.

Tiến sĩ Maluquer de Motes nói thêm: “Mặc dù hầu hết các cá thể đều được bảo vệ bởi vaccine, nhưng sự thay đổi tự nhiên của từng cá thể đối với hiệu quả mà vaccine mang lại vẫn diễn ra và một số cá thể vẫn có thể dễ bị mắc bệnh đậu mùa khỉ. Bức tranh này sẽ xuất hiện khi số lượng tăng lên và các nghiên cứu lớn hơn được tiến hành”.

Lo ngại về phân biệt chủng tộc

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đặt lại tên các chủng virus gây bệnh đậu mùa khỉ đang lưu hành hiện nay, theo đó sử dụng chữ số La mã thay vì khu vực địa lý. Quyết định này nhằm tránh bất cứ hàm ý xúc phạm văn hóa hoặc xã hội nào liên quan dịch bệnh đang bùng phát trên thế giới này.

Một nhóm chuyên gia trên toàn cầu do WHO triệu tập đã quyết định các tên mới. Theo đó, chủng virus trước đây được gọi là chủng Congo Basin gây bệnh đậu mùa khỉ đặc hữu ở Trung Phi nay gọi là Chủng I (Clade I), trong khi chủng virus trước đây gọi là chủng Tây Phi nay gọi là Chủng II (Clade II). Chủng II gồm 2 dòng phụ được gọi là Chủng IIa và Chủng IIb, trong đó Chủng IIb là nhóm biến thể chính lưu hành trong đợt bùng phát năm 2022.

WHO khuyến nghị các nước cần sử dụng ngay các tên gọi mới này và nêu rõ, các virus mới được xác định, các bệnh liên quan và các biến thể virus phải được đặt tên phù hợp để tránh xúc phạm bất cứ cộng đồng văn hóa, xã hội, quốc gia, khu vực, nghề nghiệp hoặc dân tộc nào, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với thương mại, du lịch.

Virus đậu mùa khỉ được đặt tên sau khi các chuyên gia Đan Mạch phát hiện virus này ở loài khỉ Macaques năm 1958. Tuy nhiên, nguồn phát tán virus đầu tiên được cho là không phải loài khỉ. Hiện WHO cũng đang tổ chức một diễn đàn công khai để đặt lại tên căn bệnh này.

Bên cạnh đó, những cảnh báo về sự kỳ thị trong truyền thông về bệnh đậu mùa khỉ cũng được đưa ra, khi vào cuối tháng 5, Hiệp hội báo chí nước ngoài của châu Phi đã yêu cầu truyền thông phương Tây ngừng sử dụng ảnh của người da đen để làm nổi bật tình trạng bệnh như thế nào trong các bài báo về bệnh ở Mỹ hoặc Anh.

Các nhà khoa học cho rằng, như bất kỳ căn bệnh nào khác, đậu mùa khỉ có thể xuất hiện ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới và gây ảnh hưởng đến bất kỳ ai, bất kể chủng tộc hay sắc tộc. Vì vậy, không có chủng tộc hay nước da nào nên là ‘bộ mặt đại diện’ của căn bệnh này.

Đây không phải là lần đầu tiên WHO cân nhắc đổi tên các bệnh truyền nhiễm để tránh gây ra tranh cãi, sự kỳ thị về nguồn gốc mầm bệnh. Có lẽ trong thời gian sắp đến, thế giới sẽ dùng 1 cái tên khác cho căn bệnh đã được phát cảnh báo khẩn cấp y tế toàn cầu này.

Cho đến nay, đã có hơn 31.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác định trên toàn cầu kể từ tháng 5, với phần lớn những trường hợp ở ngoài châu Phi. Bệnh đậu mùa khỉ đã từng là dịch bệnh lưu hành ở các khu vực miền Trung và Tây Phi trong nhiều thập kỷ và không được coi là nguyên nhân gây ra các đợt bùng phát lớn bên ngoài lục địa cho đến tháng 5.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thach-thuc-moi-tu-benh-dau-mua-khi-5694214.html