Thách thức nào chờ đón tân Tổng thống Argentina?
Javier Milei, nhà kinh tế học theo chủ nghĩa tự do độc lập, đã hứa cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Argentina hôm 10/12, đồng thời nhấn mạnh rằng chỉ có sự thay đổi căn bản mới có thể kéo quốc gia Nam Mỹ này thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Thông điệp mạnh mẽ trong lễ nhậm chức khác lạ
Sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống trong nhà quốc hội, ông Javier Milei bước ra bên ngoài để đọc bài phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ thay vì đọc nó trước các nhà lập pháp trong hội trường như thông lệ kể từ khi Argentina trở lại chế độ dân chủ năm 1983.
Đi cùng với cách ra mắt quốc dân khác lạ ấy của ông là thông điệp cứng rắn cùng những hành động nhanh chóng có phần gây sốc. Trong bài phát biểu trước những người ủng hộ, ông Milei tập trung vào quyết tâm tháo gỡ cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất mà Argentina phải đối mặt trong 2 thập kỷ, đồng thời tái khẳng định kế hoạch cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ để góp phần giảm lạm phát xuống gần 150%, mặc dù ông cảnh báo tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi trở nên tốt hơn.
Cũng trong ngày nhậm chức, ông Milei đã ký sắc lệnh khẩn cấp của tổng thống yêu cầu tổ chức lại Chính phủ Argentina thành 9 bộ, giảm so với 18 bộ hiện nay. Sắc lệnh này có thể xem như động thái đầu tiên cho thấy với ông Milei, lời nói sẽ đi liền với hành động, bởi trong diễn văn nhậm chức, ông khẳng định khu vực nhà nước sẽ bị điều chỉnh đầu tiên trong nỗ lực cắt giảm chi tiêu của Argentina.
Dưới sự theo dõi của các nhà lãnh đạo nước ngoài, bao gồm Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine, Vua Felipe VI của Tây Ban Nha và các chính trị gia cánh hữu như Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, ông Milei kết thúc bài phát biểu dài 35 phút của mình bằng thông điệp kêu gọi người dân Argentina cùng nhau chung tay vượt qua khó khăn. “Hôm nay chúng ta bắt đầu hành trình xây dựng lại đất nước của mình”, tân Tổng thống Javier Milei nói. “Thách thức mà chúng ta gặp phải trước mắt là rất lớn nhưng sức mạnh thực sự của một dân tộc có thể được đo lường bằng cách họ đối mặt với những thách thức”.
Bên cạnh việc “quy hoạch” lại các bộ, tân Tổng thống Javier Milei cũng công bố vị trí quan trọng nhất, được dư luận quan tâm nhất trong nội các của ông, đó là bộ trưởng kinh tế. Người được chọn cho chiếc “ghế nóng” này là Luis Caputo, một nhà kinh tế học theo chủ nghĩa tự do cấp tiến giống như Tổng thống Milei.
Ông Caputo được xem như “kiến trúc sư” cho các kế hoạch cứng rắn, những liệu pháp gây sốc mà Tổng thống Milei đang theo đuổi, trong đó có việc từ bỏ đồng peso để “USD hóa” nền kinh tế hay đóng cửa Ngân hàng Trung ương Argentina. Ông Caputo cũng từng là Bộ trưởng Tài chính Argentina dưới thời cựu Tổng thống Mauricio Macri, người nắm quyền từ năm 2015 đến năm 2019.
Thách thức lớn cho kế hoạch vực dậy nền kinh tế
Tân Tổng thống Javier Milei dự kiến sẽ gửi dự thảo các biện pháp kinh tế khẩn cấp của mình tới Quốc hội Argentina trong những ngày tới. Nhưng, dự thảo này hứa hẹn sẽ được chào đón một cách khó khăn, nhất là khi đảng Tiến bộ Tự do (LLA) của ông chỉ có một số ít ghế trong quốc hội và liên minh gần đây với khối trung hữu của cựu Tổng thống Mauricio Macri vẫn chưa đủ giúp ông Milei chiếm đa số.
Chi tiết của dự thảo chưa được tân Tổng thống Argentina nhắc đến trong bài phát biểu nhậm chức. Song, theo giới quan sát, đấy đều là những biện pháp trị liệu gây sốc mà ông Milei cho rằng tối cần thiết trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát năm nay được dự báo vượt mốc 150%, trong khi tỷ lệ người nghèo đã vượt ngưỡng 40%.
Thách thức chờ đợi ông Milei, vì thế, là rất nhiều và khó vượt qua. Quốc gia này có mức thâm hụt tài chính ngày càng lớn, thâm hụt thương mại 43 tỷ USD, cộng với khoản nợ 45 tỷ USD đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chưa kể 10,6 tỷ USD phải trả cho các chủ nợ đa phương và tư nhân.
Theo các chuyên gia kinh tế, bối cảnh ấy khiến việc khắc phục nền kinh tế Argentina lúc này cũng giống như cố gắng tháo ngòi nổ một quả bom hẹn giờ: Cắt dây sai thứ tự là toàn bộ thiết bị có thể bị nổ.
Ví dụ, ông Milei không hề giấu giếm tham vọng tự do hóa dòng vốn và chấm dứt hệ thống ngoại hối vô lý của Argentina. Nếu làm điều đó trước khi giải quyết những vấn đề mất cân bằng tài chính lớn mà Argentina phải đối mặt, ông có thể khiến nguồn vốn tháo chạy ồ ạt, làm ảnh hưởng đến phần còn lại của nỗ lực cải cách. Nhưng, nếu ông cố gắng giữ vốn trong nước thông qua lãi suất tăng cao, ông có nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế.
Việc áp dụng các biện pháp cắt giảm chi tiêu gây sốc cũng là lựa chọn nhiều rủi ro. Các kinh nghiệm từ quá khứ và của nhiều nước cho thấy cải cách từng bước sẽ lâu dài hơn và mang lại kết quả kinh tế tốt hơn. Các quốc gia có đủ khả năng cải cách dần dần nhìn chung sẽ làm tốt hơn chính vì hoàn cảnh kinh tế của họ ngay từ đầu không đến nỗi quá tồi tệ. Với mức thâm hụt ngân sách lên tới 15% GDP, Argentina có thể không có cơ hội cải cách dần dần.
Fernando Marull, người sáng lập công ty tư vấn kinh tế FMyA có trụ sở tại Buenos Aires, cho biết việc cắt giảm có thể đến từ việc loại bỏ trợ cấp thuế quan, giảm chi tiêu vốn và giảm chuyển giao tài chính cho các tỉnh. Ông Marull nhận định, việc cắt giảm 5% là "có thể đạt được", nhưng rủi ro về khả năng quản lý là trở ngại chính. “Tôi nghĩ tổng thống có thời hạn 6 tháng. Nếu ông ấy thành công, Argentina sẽ hồi phục trở lại”, nhà phân tích này nói với Reuters.
Nhiều chuyên gia khác cũng đồng ý rằng thời gian là điều cốt yếu đối với Argentina. Nhà kinh tế học người Argentina, Gustavo Ber cho biết: “Điều quan trọng đối với chính quyền mới là nhanh chóng vực dậy niềm tin”, đồng thời nói thêm rằng chính phủ cần sự hỗ trợ về mặt xã hội và lập pháp trong bối cảnh nền kinh tế có thể gặp khó khăn trước mắt và lạm phát tăng vọt.
Công ty tư vấn GMA Capital Research thậm chí còn đánh giá rằng tuy bức tranh kinh tế vĩ mô... ít nhất là đáng sợ và lạm phát đã đạt mức cao nhất trong 30 năm qua, nhưng mọi thứ đều cho thấy điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến. Theo công ty này, ông Milei sẽ cần xây dựng lại nguồn dự trữ ngân hàng trung ương đã cạn kiệt mà các nhà phân tích ước tính sẽ có khoản lỗ ròng 10 tỷ USD, giảm bớt suy thoái kinh tế sắp xảy ra, giảm tỷ lệ nghèo đói và cải tổ các chương trình thất bại với Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Những tuần đầu tiên của ông Milei, vì thế, có thể cho thấy rõ hơn bức tranh phía trước. Lautaro Moschet, nhà kinh tế tại Quỹ Tự do và Tiến bộ, cho biết: “Để thoát khỏi tình trạng này, chính phủ mới cần phải hành động nhanh chóng và loại bỏ các biện pháp kiểm soát vốn càng sớm càng tốt”.
Những niềm tin được nhen lên
Bất chấp những lo ngại kể trên, đa số cử tri và cộng đồng doanh nghiệp Argentina đã hoan nghênh chiến thắng của ông Milei. Gạt bỏ hoài nghi về việc ông thiếu kinh nghiệm chính trị cũng như một số quan điểm cực đoan về kinh tế, giới doanh nghiệp Argentina hy vọng ông Milei có thể ban hành những cải cách kinh tế nghiêm túc nhằm đưa đất nước vượt qua khủng hoảng.
Liliana Danesi, một người hưu trí 67 tuổi nói với báo Financial Times khi đứng nghe diễn văn nhậm chức của tân Tổng thống Milei bên ngoài tòa nhà Quốc hội Argentina: “Bài phát biểu chính xác là những gì Milei luôn nói và đó là Milei mà chúng tôi đã bầu chọn. Ông ấy mang lại cho tôi rất nhiều hy vọng rằng những người trẻ của chúng tôi sẽ không phải tiếp tục rời bỏ đất nước, bởi vì có quá nhiều người đã ra đi”.
Emiliano Garrido, một cử tri 44 tuổi, thừa nhận ông không biết giá cả có thể tăng bao nhiêu hoặc giá trị đồng peso có thể giảm trong những ngày tới khi các biện pháp mạnh mẽ của tân tổng thống có hiệu lực. Nhưng, ông khẳng định không có lựa chọn nào khác. “Chúng ta hoặc quay đầu lại hoàn toàn hoặc sẽ chìm như con tàu Titanic”, ông Garrido nói với Báo The Guardian. “Chúng ta sẽ phải hy sinh bản thân mình... nếu muốn nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm”.
Guido Moscoso, nhà quản lý dư luận tại công ty nghiên cứu xã hội và tư vấn Opinaia có trụ sở tại Buenos Aires, cho biết: “Trong 50 năm qua ở Argentina, chúng tôi chỉ có hai kinh nghiệm cải cách thành công theo hướng thị trường tự do. Thách thức lớn mà ông Milei gặp phải là làm thế nào để áp dụng thành công một chương trình cải cách và duy trì được sự tín nhiệm của mình. Ông ấy sẽ cần phải thông minh và thực dụng”.
Về phần mình, tân Tổng thống Milei cho biết ông sẽ tránh theo đuổi các mối xung đột chính trị với các đảng phái và sẵn sàng chào đón “với vòng tay rộng mở” bất kỳ ai chia sẻ dự án xây dựng lại đất nước cùng ông theo một khế ước xã hội mới, nơi “nhà nước không chỉ đạo cuộc sống của chúng tôi mà chăm sóc các quyền của chúng tôi”.